Phương pháp giảm cân lành mạnh là tập thể dục và ăn theo chế độ thích hợp - Ảnh: T.T.D
Khác với dược phẩm muốn lưu hành phải được chứng minh khoa học là có tác dụng trị bệnh thật sự và tương đối an toàn, còn thực phẩm chức năng thì không có yêu cầu khắt khe như thế, chỉ cần nhà sản xuất công bố chất lượng của sản phẩm.
Thật giả lẫn lộn
Thị trường chế phẩm giảm cân lẫn lộn thật giả rất khó lường. Mới đây, xuất hiện "thuốc chích giảm cân" (chứa chất phosphatidylcholin được quảng cáo là có tác dụng phân hủy tế bào mỡ), nếu xem kỹ thì dùng đường tiêm chích chỉ có nguy cơ chuốc lấy sự nguy hại chứ chẳng có tác dụng nào làm tan mỡ thật sự hay giảm cân chống béo phì.
Từ năm 2009, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ đã cảnh báo, yêu cầu ngưng dùng thực phẩm chức năng giảm cân Hydroxycut vì gây tổn hại cho gan.
Ngoài ra, trên thế giới, nhiều nước đã cảnh báo nhiều loại thực phẩm chức năng giảm cân gọi là thảo dược nhưng có chứa thuốc chống béo phì như những loại nguy hiểm đã bị cấm (fenfluramine, sibutramine, phenolphtalein) hoặc chứa thuốc đông y có thể gây tai biến là ma hoàng (ephedra).
Ba ca dùng thuốc giảm cân "thần tốc" bị suy thận, có ca bị suy thận vĩnh viễn là một minh chứng mới đây.
Người tiêu dùng phải hết sức thận trọng khi dùng các loại thuốc giảm cân, xem xét kỹ tác dụng giảm cảm giác đói, gây chán ăn như thế nào, có thể thuộc loại thuốc nguy hiểm như đã kể. Hiện nay vẫn có chế phẩm trộn chất cấm để có tác dụng giảm cân.
Có một loại thuốc giảm cân cũng rất được ưa chuộng nhưng mới đây đã bị cấm là sibutramine (Reductil), do gây hại tim mạch quá nhiều. Hiện vẫn còn nhiều chế phẩm giảm cân có chứa chất cấm sibutramine lưu hành trên thị trường.
Cẩn thận thuốc giảm cân chứa thuốc xổ
Nhiều người uống thuốc giảm cân không nhận được kết quả như mong muốn: cân nặng không giảm hoặc giảm cân nhưng đi tiêu nhiều (chắc chắn là có chứa thuốc xổ gây hại, như thuốc giảm cân chứa đại hoàng hay phan tả diệp), đi tiểu nhiều (có chứa thuốc lợi tiểu không rõ liều lượng như thế nào), người mệt mỏi và sau khi ngưng sử dụng thực phẩm giảm cân thì cân nặng tăng trở lại như cũ, thậm chí tăng nhiều hơn.
Cần lưu ý, có nhiều thuốc trước đây nhiều người dùng làm thuốc giảm cân, chống béo phì nhưng sau đó bị phát hiện độc hại, đã bị cấm không được sử dụng nữa.
Đó là nhóm "dược phẩm chống mập, gây chán ăn" như phenmetrazin (Obesitol), phentermin (Mirapront), Isomeride, Anorex, Ponderal...
Các thuốc này ngoài tính kích thích (làm mất ngủ) còn thêm tác dụng gây chán ăn, được dùng làm thuốc chống béo phì.
Dùng thuốc ăn không được ngủ không được đương nhiên sẽ làm giảm cân nhưng rất hại vì gây nghiện (giống như ma túy, do là các dẫn chất của thuốc kích thích amphetamin) và hại tim mạch. Hiện nay, nguy hiểm là những chất là ma túy gây nghiện có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương như thuốc lắc, ma túy đá có thể bị lạm dụng nhằm giảm cân chống béo phì.
Có một loại thuốc giảm cân cũng rất được ưa chuộng nhưng mới đây đã bị cấm là sibutramine (Reductil), do gây hại tim mạch quá nhiều. Hiện vẫn còn nhiều chế phẩm giảm cân có chứa chất cấm sibutramine lưu hành trên thị trường.
Muốn giảm cân, nên đi khám ở bác sĩ hoặc chuyên viên dinh dưỡng để được tư vấn về biện pháp thích hợp và an toàn cho việc giảm cân. Không nên tự ý dùng các chế phẩm giảm cân theo lời đồn đại, không rõ thật giả như thế nào.
Ngoại trừ một số trường hợp bị béo phì do bệnh (rối loạn chuyển hóa, nội tiết...) cần khám chữa bệnh mới cải thiện, còn đa số dư cân béo phì là do có sự mất cân bằng quá đáng hai yếu tố trong cuộc sống: yếu tố dinh dưỡng và yếu tố vận động thể lực.
Thông thường dư cân béo phì do ăn uống quá thừa chất dinh dưỡng sinh năng lượng (đường bột, béo) nhưng không có sự vận động thích hợp để tiêu hao năng lượng. Năng lượng thừa biến thành mỡ đọng lại trong cơ thể gây dư cân béo phì.
Vì vậy, để giảm cân chỉ cần đồng thời tác động đến hai yếu tố: chế độ dinh dưỡng thích hợp (ăn kiêng) và tập luyện thể dục thích hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận