03/04/2023 08:28 GMT+7

Tín dụng tăng chậm, ngân hàng lo lỗ

Chỉ trong vòng hơn hai tuần, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần giảm lãi suất điều hành. Nhiều ngân hàng trong tình trạng dư thừa vốn lo lỗ vì huy động lãi cao nhưng khó cho vay.

Tín dụng tăng chậm, ngân hàng lo lỗ - Ảnh 1.

Dự kiến đầu tuần này các ngân hàng sẽ giảm lãi suất huy động. Trong ảnh: giao dịch tại một ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Dự kiến đầu tuần này lại chứng kiến làn sóng giảm lãi suất huy động mới.

Ngân hàng "lỗ" vì ôm vốn

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, cho biết tính đến ngày 28-3, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 2,06% so với cuối năm 2022 - thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng 5,04% của quý 1-2022.

Đây là mức tăng thấp đáng báo động. Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 2-4, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM cho biết các ngân hàng đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan vì huy động vốn lãi cao nhưng không cho vay được.

"Không cho vay ra được nhưng ngân hàng vẫn phải trả lãi cho người gửi. Nếu tình trạng này kéo dài thì ngân hàng "lỗ nặng". Đó là lý do vì sao các ngân hàng phải liên tục giảm lãi suất huy động thời gian qua và sẽ phải giảm tiếp vì các ngân hàng đang chịu sức ép phải giảm thêm lãi suất cho vay để đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng", vị lãnh đạo này nói.

Nhiều ngân hàng khác cũng cho biết sau khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ hai và hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới sáu tháng, khả năng từ đầu tuần sau ngân hàng sẽ giảm thêm lãi suất huy động từ 0,5 - 1%/năm, từng bước giảm lãi suất cho vay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Phượng - phó tổng giám đốc Agribank - cho biết từ ngày 3-4, Agribank sẽ giảm mạnh lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn dưới sáu tháng. Mức cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng cũng chỉ ở 7,2%/năm.

Giám đốc khối bán lẻ một ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở tại Hà Nội (đề nghị không nêu tên) cho hay chắc chắn các ngân hàng sẽ hạ lãi suất cả hai chiều. Đối với lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và dưới sáu tháng, từ ngày 3-4, các ngân hàng phải giảm 0,5%/năm theo mức trần mới.

Còn với lãi suất cho vay, vị này cho rằng ngân hàng sẽ cân đối để giảm nhưng khó có thể áp dụng ngay từ ngày 3-4. Vì nhiều khoản tiền gửi huy động từ tháng 11 năm ngoái đang có lãi suất 9,5 - 10%/năm, thậm chí cao hơn. Song, với đợt giảm lãi suất điều hành từ hôm 15-3, lãi vay dự kiến giảm 1 - 1,5%/năm so với hồi đầu năm.

Vẫn thận trọng với lạm phát

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc liên tục giảm lãi suất điều hành và hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới sáu tháng từ 6% xuống còn 5,5% sẽ giúp giảm chi phí cho ngân hàng. Qua đó, các ngân hàng sẽ hạ lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, mức giảm lãi suất cho vay là không nhiều. Vì xu hướng tăng lãi suất trên thế giới vẫn tiếp tục diễn ra. Ông Hiếu phân tích việc Việt Nam hạ lãi suất trong bối cảnh các nước tăng lãi suất thì giá trị của tiền đồng VND sẽ giảm đi. Khi đó, tỉ giá sẽ tăng. 

Nếu tỉ giá tăng mạnh sẽ tạo sự bất ổn về tỉ giá, ảnh hưởng đến cả lạm phát nữa. Vì Việt Nam nhập khẩu rất nhiều. Nên khi nhập khẩu hàng hóa của các nước thì chúng ta nhập khẩu cả lạm phát của họ nữa. Điều này cho thấy giá hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng.

Để chính sách giảm lãi suất phát huy tác dụng, tiến sĩ Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - khuyến cáo cần thận trọng với lạm phát vì lạm phát của Việt Nam còn cao, áp lực tăng còn khá lớn khi tới tháng 7 tăng lương cơ sở...

Về điều này, Ngân hàng Nhà nước khẳng định không chủ quan với áp lực lạm phát, sẽ theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế... để chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

24 ngân hàng đã giảm lãi suất

Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ của Ngân hàng Nhà nước tổ chức cuối tuần qua, ông Phạm Chí Quang - vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước - cho biết tính đến nay đã có tối thiểu 24 ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay.

Việc giảm lãi suất đang là xu hướng. Lãi suất liên ngân hàng cũng giảm sâu, lãi suất cho vay qua đêm chỉ còn dao động 0,7 - 1,2%/năm.

Trước những diễn biến rất nhanh trên thị trường gần đây, các chuyên gia cho rằng xu hướng giảm lãi suất đã rất rõ ràng. Do vậy người gửi và người vay có thể nhìn theo tín hiệu thị trường này để cân nhắc và ra quyết định.

Cụ thể, với người gửi, do lãi suất huy động có xu hướng đi xuống nên gửi kỳ hạn dài sẽ có lợi hơn vì có thể duy trì được mức lãi suất cao trong thời gian dài. Còn với người vay sẽ bớt lo hơn khi tới kỳ điều chỉnh lãi suất vì khả năng sẽ được giảm lãi suất thay vì tăng như trước.

Xu hướng lãi suất huy động về 7%/năm

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty chứng khoán KB Việt Nam dự báo mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng giảm về quanh ngưỡng 7%/năm, tương ứng mặt bằng lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10%/năm (đối với kỳ hạn 12 tháng bình quân nhóm ngân hàng quốc doanh) ở thời điểm cuối năm.

Ngoài ra, thanh khoản ba tháng đầu năm 2023 của hệ thống ngân hàng đã ổn định, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ việc giảm mặt bằng lãi suất. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 3,5 tỉ USD để tăng dự trữ ngoại hối, tương ứng bơm khoảng 82.000 tỉ đồng vào hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước giảm thêm lãi suất từ ngày 3-4Ngân hàng Nhà nước giảm thêm lãi suất từ ngày 3-4

Từ ngày 3-4, Ngân hàng Nhà nước giảm 0,3-0,5%/năm các mức lãi suất điều hành. Đó là nội dung thông cáo được cơ quan này gửi cho các cơ quan báo chí vào tối 31-3.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp