Dù thị trường không phản ứng quá sốc trong lần thứ hai tín dụng Mỹ hạ bậc, tuy nhiên đối với châu Á, động thái của Fitch là vấn đề đau đầu hơn rất nhiều khi đặt 3.200 tỉ USD của khu vực vào rủi ro.
Mắc kẹt trong núi USD
Các chính quyền ở châu Á đang nắm giữ một lượng khổng lồ trái phiếu kho bạc Mỹ và việc Washington bị hạ bậc tín dụng lần này khiến châu Á mắc kẹt trong núi USD. Hàng ngàn tỉ USD tài sản của khu vực có nguy cơ bốc hơi.
Đối với châu Á, động thái của Fitch là một lời nhắc nhở rằng niềm tin vào tài sản cốt lõi của hệ thống tài chính toàn cầu đang suy giảm. Mặt khác, việc nền kinh tế lớn nhất thế giới có nguy cơ tiếp tục bị hạ bậc tín nhiệm sẽ ảnh hưởng lớn đến hàng ngàn tỉ USD mà khu vực này đang nắm giữ.
Đến nay, các chủ nợ của Mỹ tại châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Hong Kong, Singapore hay Hàn Quốc đều đang giữ những khoản nợ khổng lồ bằng USD. Chỉ cần một động thái nhỏ nhất của các ngân hàng châu Á cũng sẽ gây bất ổn cho hệ thống tài chính toàn cầu.
So với lần Mỹ bị S&P Global Ratings hạ bậc tín dụng năm 2011, thị trường thế giới có phần bình tĩnh hơn.
Theo giới phân tích, động thái của Fitch không quá bất ngờ và các lý do cũng không quá mới. Dù bị hạ bậc, nợ của Mỹ vẫn là khoản đầu tư an toàn và bậc tín dụng của Mỹ vẫn thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Chuyên gia Tan Kai Xian của Tổ chức Gavekal Dragonomics cho rằng Mỹ vẫn có thể trả nợ trong 17 tháng tới khi mà trần nợ đã được hoãn đến tháng 1-2025. "Đây chỉ là động thái mang tính biểu tượng", chiến lược gia Peter Tchir của Tổ chức Academy Securities đánh giá về hạ bậc tín nhiệm lần này.
Điều đó cũng không ngăn Mỹ tiếp tục vay nợ trong thời gian tới. Bộ Tài chính Mỹ trong tuần này thông báo sẽ vay thêm 1.000 tỉ USD trong quý 3-2023, tăng 274 tỉ USD so với ước tính trước đó. Tuy nhiên, vấn đề thực sự là liệu thị trường toàn cầu có thể "tiêu hóa" thêm nợ từ Mỹ hay không.
"Nguồn cung trái phiếu kho bạc lớn hơn trong khi nhu cầu của nhà đầu tư không đổi hoặc thậm chí giảm, có nghĩa là chi phí đi vay của chính phủ (Mỹ) sẽ cao hơn", tờ New York Times đánh giá.
Xét về dài hạn, việc Mỹ bị hạ bậc tín dụng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
"Thâm hụt của Mỹ sẽ vẫn ở mức cao và gánh nặng nợ sẽ tiếp tục tăng. Tôi nghĩ khó có khả năng sẽ có bất kỳ thay đổi có ý nghĩa nào" - ông Richard Francis, nhà phân tích chính của Fitch về thị trường Mỹ, đánh giá trên New York Times. Điều này có nguy cơ khiến Mỹ tiếp tục bị hạ bậc trong thời gian tới.
Đây là kịch bản cuối cùng mà châu Á không trông mong. Chi phí đi vay của Mỹ tăng cao sẽ làm giảm tiêu dùng tại Mỹ vốn là động lực cho các nền kinh tế định hướng xuất khẩu của châu Á. Và điều đó kéo theo hàng ngàn tỉ USD của cải nhà nước tại khu vực bị đe dọa.
Giảm phụ thuộc vào USD
Kịch bản này đã được Trung Quốc cảnh báo nhiều lần trước đó. Năm 2009, sau vụ sụp đổ Ngân hàng Lehman Brothers, thủ tướng Trung Quốc khi đó là Ôn Gia Bảo đã kêu gọi Mỹ giữ mức tín dụng AAA.
"Chúng tôi đã cho Mỹ vay một khoản lớn, tất nhiên chúng tôi lo lắng về tài sản của mình", ông Ôn nói. Năm 2018, các chính trị gia của Bắc Kinh cũng nhiều lần đề cập về việc giảm nắm giữ trái phiếu Mỹ và tìm các hướng đầu tư khác.
Động thái của Fitch càng chứng minh cho việc ngày càng nhiều quốc gia tìm cách thay thế đồng USD, từ Trung Quốc, Nga, Brazil cho đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Năm nay, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết Trung Quốc muốn thảo luận về việc thành lập Quỹ Tiền tệ châu Á, một động thái sẽ làm giảm ảnh hưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế tại khu vực.
Đề xuất này, vốn đã có từ lâu, được thúc đẩy trở lại trong lúc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong thương mại và tài chính toàn cầu. Ngược lại, việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dùng USD như "vũ khí" để trừng phạt Nga liên quan đến vấn đề Ukraine càng làm xói mòn niềm tin vào đồng bạc xanh. Việc Fitch hạ xếp hạng chỉ là một lý do nữa để châu Á thêm lo.
Các thành viên ASEAN cũng đang hợp lực để chuyển nhiều hoạt động thương mại và đầu tư trong khu vực về đồng nội tệ thay vì USD. Chẳng hạn Indonesia, nền kinh tế lớn nhất ASEAN, đang hợp tác với Hàn Quốc để tăng cường giao dịch bằng đồng rupiah và won.
"Dù Mỹ có phản đối, quá trình phi USD hóa sẽ vẫn tồn tại vì hầu hết các nước ngoài phương Tây đều muốn có một hệ thống thương mại không khiến họ dễ bị tổn thương trước việc vũ khí hóa hoặc bá quyền của đồng USD. Đó không còn là câu hỏi liệu có xảy ra hay không, mà là khi nào" - ông Frank Giustra, lãnh đạo Tổ chức International Crisis Group, dự đoán trên tờ Asia Times.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận