Theo số liệu mà Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM vừa công bố, kết thúc 6 tháng đầu năm nay, dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đạt trên 3,3 triệu tỉ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm 2022 và tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho rằng tăng trưởng tín dụng trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm phù hợp với tình hình tăng trưởng kinh tế của TP.HCM và những khó khăn từ các thị trường, từ sự hấp thụ vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn.
Trong đó, khó khăn từ thị trường xuất khẩu, các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch và thị trường bất động sản có tác động trực tiếp tới tăng trưởng tín dụng.
Tính chung trên cả nước, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế mới 3,36% so với cuối năm 2022, đạt khoảng 12,32 triệu tỉ đồng.
Như vậy, dù đã hết nửa năm nhưng tín dụng mới chỉ đi được chưa đến 1/4 chặng đường. Tình hình càng "căng" hơn khi nhiều ngân hàng từng huy động với lãi suất lên đến 10%/năm, thậm chí cao hơn với các kỳ hạn 24 tháng.
Như vậy phải đến cuối năm 2024 những khoản huy động này mới đáo hạn. Khi đó có khả năng lãi suất cho vay đã ngang bằng hoặc thấp hơn mức lãi suất huy động này.
Tại họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tình hình doanh nghiệp rất khó khăn do đơn hàng giảm, dòng tiền đứt đoạn và hàng tồn kho nhiều, sức mua suy giảm.
Ông Tú cho hay ngân hàng rất muốn tăng tín dụng. Huy động vốn mà không cho vay ra được thì ngân hàng vô cùng khó khăn.
"Trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp không những không vay vốn thêm mà còn trả lại tiền vay trước đây. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang quyết liệt tìm mọi giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tín dụng trong thời gian tới. Hạn mức tiếp tục cho vay của các ngân hàng thương mại còn rất nhiều" - ông Tú thông tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận