Cảnh sát nhiều địa phương ở Pháp đã phải phát đi thông báo: “Nếu các bạn thấy bài viết này đăng trên Facebook (tin đồn bắt cóc trẻ em) thì đừng chia sẻ” - Ảnh: FRANCE 3
Dự kiến cuối tháng 5-2019, tòa án thành phố Bobigny (tỉnh Seine-Saint-Denis) sẽ mở phiên tòa xét xử tám thanh niên từ 19 đến 27 tuổi lập nhóm săn lùng người Rom để hành hung.
Họ đều có công việc riêng như sinh viên, kỹ thuật viên cao cấp, chủ cửa hàng, nhưng sa vào vòng lao lý chỉ vì tin vào tin đồn có người đi xe tải nhẹ màu trắng bắt cóc trẻ con.
Tin đồn lan truyền chóng mặt trên mạng
Tin đồn bùng phát trong tháng 3-2019 tại nhiều địa phương ở Pháp. Một số nhân chứng giả thêm mắm giặm muối càng kích động tâm lý đám đông.
Hai thiếu niên báo tin giả bị bọn bắt cóc rượt. Người dân gửi đơn tố cáo một xe tải nhẹ màu trắng muốn bắt cóc con nít. Cảnh sát trích xuất băng ghi hình, truy tìm chủ xe mới biết đó là tin giả.
Nhiều người tin vào tin đồn đã đổ xô tìm kiếm xe tải nhẹ màu trắng để xử. Nạn nhân bị săn lùng là người Rom.
Người Rom là các dân tộc di gan có gốc gác ở miền bắc Ấn Độ di dân đến Tây Âu từ thế kỷ thứ 10. Họ chọn từ Rom để chỉ ngôn ngữ của họ là tiếng Romania có nguồn gốc từ tiếng Phạn.
Khu nhà tạm của người Rom tại Bobigny (tỉnh Seine-Saint-Denis) sau khi bị đập phá đêm 25-3 - Ảnh: AFP
Ngày 25-3, tại Clichy-sous-Bois (tỉnh Seine-Saint-Denis), khu nhà của người Rom bị đập phá. Các thanh niên choảng nhau bằng gạch đá, gậy và gậy bóng chày.
Tin đồn bắt cóc con nít tràn ngập trên mạng xã hội. Dân mạng còn thổi phồng lên coi chừng bọn buôn nội tạng và gái mại dâm đi xe tải nhẹ màu trắng.
Tại tỉnh Hauts-de-Seine, khoảng 20 thanh niên đánh nhừ tử hai người đàn ông đi xe tải nhẹ màu trắng rồi đốt xe. Hình ảnh đốt xe được tung trên mạng. Hai ngày sau, đám đông đánh chí tử hai người Rom. Cảnh đánh người phát trên Twitter thu được hơn 10.000 lượt xem.
Một gia đình Bulgaria có hai con nhỏ suýt bị hành hung, may nhờ cảnh sát can thiệp kịp thời. Cảnh này được tung lên mạng với lời ghi chú sai sự thật rằng "người Rom bị cảnh sát bắt". Nhiều người càng tin như sáo vào tin đồn!
Mức phạt tiền lên đến 45.000 euro
Sở Cảnh sát Paris đã thông báo tin đồn bắt cóc trẻ em hoàn toàn vô căn cứ vì cảnh sát không ghi nhận xảy ra vụ bắt cóc nào. Cảnh sát các địa phương khác cũng khẳng định như thế.
Nhiều cơ quan chính quyền đã kêu gọi người dân bình tĩnh nhưng không thể dập tắt tin đồn. Các khu người Rom sinh sống (họ thường sống lang thang và tụ tập sống cạnh nhau ở một khu đất trống nào đó trong một thời gian) phải phân công canh gác suốt đêm.
Tin đồn bắt cóc trẻ em tràn ngập trên mạng - Ảnh: LP
Tin đồn bắt cóc trẻ em tạo ra nỗi sợ không thể một ngày một bữa xóa nhòa khỏi tâm trí người tin tin đồn”
Nhà xã hội học Gérald Bronner
Tiến sĩ Aurore Van de Winkel ở Đại học Công giáo Louvain (Bỉ), chuyên gia nghiên cứu về tin đồn, nhận định: "Thông báo bác bỏ tin đồn của chính quyền không tới được những người không chịu làm điều tốt hoặc họ đã bị nhấn chìm trong các tin nhắn lan truyền tin đồn".
Nhiều ý kiến đã lên tiếng chỉ trích người phát tán tin đồn trên mạng xã hội. Tại Pháp, loan truyền thông tin sai lệch gây xáo trộn bình yên công cộng có thể bị phạt tiền đến 45.000 euro.
Người phát ngôn Chính phủ Pháp đã tuyên bố cần có phản ứng về tư pháp và hình sự đối với bạo lực đối với người Rom và đây là thái độ biểu thị cần thiết nhằm chống lại tin giả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận