TS Nguyễn Cam, TS Nguyễn Thị Bích Hồng, ông Nguyễn Văn Hiếu |
Diễn đàn chủ nhật kỳ này giới thiệu ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo và phụ huynh về nguyên nhân cũng như giải pháp cho vấn đề này.
Cải tiến nhanh, mạnh phương pháp thi cử
* TS Nguyễn Cam (nguyên giám đốc Trung tâm công nghệ dạy học, Viện nghiên cứu giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM):
TS Nguyễn Cam: Đã ra đề thì không luyện thi Sở dĩ có chuyện năm nào cũng có tin đồn lộ đề thi môn văn (ở các kỳ thi tuyển sinh và thi tốt nghiệp THPT) là do cách làm đề thi của ta chưa công khai, minh bạch. Cứ gần đến ngày thi thì cơ quan hữu quan sẽ lập ban đề thi để ra đề. Một số giáo viên có kinh nghiệm chỉ cần biết ban đề thi gồm những ai là có thể đoán phần nào nội dung đề, bởi mỗi giáo viên, chuyên viên có “gu” riêng. Thế nên theo quan điểm của tôi, cá nhân đã tham gia làm công tác ra đề thi thì không nên dạy luyện thi. Hoặc nếu dạy thêm có liên quan đến một kỳ thi cụ thể thì tốt nhất không tham gia việc làm đề của kỳ thi đó. |
* Đã có nhiều giải pháp để hạn chế dạy thêm - học thêm, nhưng tình trạng này vẫn gây nhiều bức xúc trong xã hội. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
- Học sinh phải đi học thêm là do chương trình, cách thực hiện chương trình và cách thi cử. Nếu chỉ học chương trình chính khóa, các em khó thể đậu đại học. Về phía giáo viên có người không đủ thời gian để chuyển tải hết kiến thức, cũng có người không hết lòng, không mang ra dạy hết trong lớp chính khóa mà để dành cho lớp học thêm.
Ngay cả các giáo viên giỏi, có thâm niên dạy luyện thi cũng phải gửi con mình cho bạn bè luyện thi (ở những môn mình không dạy) mới mong con mình đậu đại học.
Cũng cần nhìn nhận một điều: lương giáo viên ở ta thấp quá, không đủ sống, các thầy cô phải tìm cách dạy thêm. Ở các nước tiên tiến cũng có dạy thêm nhưng người thầy dạy thêm không xuất phát từ nhu cầu cuộc sống.
Ví dụ ở Hàn Quốc, giáo viên dạy trong trường công lập là toàn tâm toàn ý dạy trong trường.
Đã dạy thêm là giáo viên phải ra khỏi trường công. Những người dạy thêm là những người cực giỏi, không làm trong trường công nhưng thu nhập rất cao.
Và đặc biệt, Hàn Quốc chỉ có số ít giáo viên dạy thêm chứ không như ở ta. Họ thu hút học sinh đến học thêm vì tài năng, đức độ của mình chứ không cần nhờ đến yếu tố khác.
Để giải quyết tình trạng trên, cần phải có quá trình dài. Làm sao để học sinh học chính khóa trong trường thôi đã đủ thi đại học rồi. Chỉ một số ít học sinh có khát vọng vào trường đại học tốp đầu mới phải đi học thêm để nâng cao kiến thức.
* Những người được mời ra đề thi thường là giáo viên giỏi, có kinh nghiệm đứng lớp. Nếu không cho họ dạy thêm thì thiệt thòi cho cả giáo viên (không có cơ hội kiếm thêm thu nhập và làm nghề), học sinh (không được học thêm với thầy giỏi) và cả xã hội (lãng phí chất xám). Cần phải làm gì để giải quyết vấn đề này?
- Tôi cho rằng cần cải tiến nhanh và mạnh phương pháp thi cử. Trong đó, phải lập ngân hàng đề thi và mời chuyên gia khắp cả nước tham gia ra đề. Khi có ngân hàng đề thi rồi, ban đề thi chỉ cần rút ngẫu nhiên một đề trong ngân hàng hoặc rút ra 2-3 đề rồi tổ hợp lại.
Nếu làm được điều này, ngành giáo dục thông báo cho cả xã hội biết để tạo cho họ niềm tin. Và như vậy, ai cũng có thể dạy thêm hay luyện thi mà không sợ đồn thổi hay nghi ngờ gì.
Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):
Ảnh: H.HG. |
Hai mặt của việc vừa ra đề vừa dạy thêm
Ở nước ta, việc dạy thêm - học thêm trở thành nhu cầu quen thuộc của nhiều người. Vấn đề là nhà quản lý nên áp dụng những biện pháp để phát huy tác dụng, hạn chế tiêu cực của dạy thêm. Trên thực tế, một số giáo viên khẳng định được mình trong công tác chuyên môn, có phương pháp sư phạm tốt thì học sinh đến học thêm rất đông.
Thông thường, những giáo viên giỏi chuyên môn thường được bổ nhiệm làm tổ trưởng chuyên môn hoặc hiệu trưởng, hiệu phó. Những người này thường đóng vai trò quan trọng trong việc ra đề kiểm tra (sử dụng trong nội bộ nhà trường - NV) hoặc được mời ra đề thi cho các kỳ thi tuyển sinh, tốt nghiệp THPT.
Xét một cách khách quan, những giáo viên giỏi vừa dạy chính khóa vừa dạy thêm chắc chắn sẽ thu thập được nhiều kinh nghiệm khi đứng lớp. Họ có thể đánh giá được sức học của học sinh. Nếu họ ra đề thi, đề kiểm tra thì tôi tin là nội dung đề có tính phổ biến và tạo được sự cân sức giữa các học sinh.
Nhưng tình trạng này cũng có mặt trái: những giáo viên dạy thêm cũng là những người ra đề kiểm tra, đề thi vô hình trung sẽ tạo nên sự không công bằng giữa các học sinh có và không học thêm với giáo viên này. Dù ít dù nhiều thì những học sinh không học thêm cũng không thể có sự thuận lợi bằng học sinh có học thêm với giáo viên nằm trong hội đồng ra đề.
Tóm lại, quan điểm của tôi là các nhà quản lý cần quan tâm đến mục tiêu dạy học. Đề thi, đề kiểm tra phải dựa vào mục tiêu này và nhằm đánh giá theo chuẩn mục tiêu giáo dục để giảm bớt sự may rủi trong thi cử của học sinh. Đội ngũ giáo viên ra đề cũng cần mở rộng chứ không bó hẹp trong phạm vi một số người (ví dụ mỗi người ra một câu) cũng làm giảm bớt tình trạng không công bằng tôi đã nói ở trên. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh việc xây dựng và sử dụng ngân hàng đề thi, ngân hàng đề kiểm tra.
Ngoài ra, tôi cho rằng nếu Nhà nước có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với giáo viên thì chắc chắn sẽ làm giảm rất nhiều việc dạy thêm - học thêm. Bản thân phụ huynh học sinh bỏ được tâm lý mong muốn con mình phải hơn con người ta cũng là một yếu tố quan trọng hạn chế việc học thêm.
Tôi được biết có học sinh phải học đi học lại một chương trình đến ba lần vì yêu cầu của cha mẹ mình: trong hè bé phải học trước chương trình, vào năm học bé học lại chương trình đó trong trường công lập và buổi tối lại đi học thêm nữa.
Ông Nguyễn Văn Hiếu (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):
Ảnh: H.HG |
Cấm tuyệt đối việc ép học sinh học thêm
Một bộ phận người dân muốn cho con em mình học thêm để rèn kiến thức, giáo viên dạy thêm để đáp ứng nhu cầu ấy. Với những trường hợp như vậy, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho họ dạy thêm.
Nếu giáo viên dạy thêm dưới 10 học sinh chỉ cần báo cáo với hiệu trưởng nhà trường. Nếu trên 10 học sinh thì xin phép Sở GD-ĐT. Giáo viên giỏi mà không được dạy thêm thì vô tình gây thiệt thòi cho học sinh.
Tôi được biết nhiều hiệu trưởng, hiệu phó cũng dạy thêm bởi họ rất giỏi chuyên môn, học sinh tự nguyện xin học với họ.
Ngay cả chuyên viên phòng giáo dục trung học của sở cũng được phép dạy thêm nhưng họ chỉ dạy luyện thi vào đại học chứ tuyệt đối không được dạy luyện thi vào lớp 10. Lý do vì họ sẽ làm công tác tuyển sinh lớp 10 cho TP, nếu dạy thêm liên quan đến nội dung này sẽ tạo dư luận không hay.
Sở GD-ĐT TP.HCM không cấm giáo viên dạy thêm nhưng cấm tuyệt đối những trường hợp ép học sinh phải học thêm với mình. Có giáo viên ra đề kiểm tra quá khó, có giáo viên dùng quyền lực của mình yêu cầu học sinh phải học thêm là không thể chấp nhận được.
Sở GD-ĐT TP đang cử cán bộ đi kiểm tra các trường, nếu phát hiện những tiêu cực trong dạy thêm sẽ xử lý đến nơi đến chốn.
Phụ huynh học sinh lớp 8 một trường THCS ở quận 1, TP.HCM: Cô cho dạng bài tập lạ lắm Đầu năm học, cô giáo dạy vật lý cho học sinh làm bài kiểm tra chất lượng. Có ai tưởng tượng nổi không: học sinh trường THCS nổi tiếng ở quận 1 mà hơn nửa lớp bị điểm dưới trung bình. Con tôi bảo: “Cô cho dạng bài tập lạ lắm, con chưa bao giờ gặp”. Thế là cô không cần gợi ý hay ép buộc gì, nhiều phụ huynh chủ động nhờ cô dạy kèm cho con em mình. Số phụ huynh lên đến vài chục người, tương đương với số học sinh đi học thêm vài chục em, lớp dạy kèm đương nhiên thành lớp dạy thêm. Chưa hết, con tôi về nhà bảo rằng cháu không hiểu được bài giảng của thầy dạy toán. Tôi phân vân quá! Cháu đã không hiểu trong lớp chính khóa, nếu học thêm với thầy ở nhà cũng không hiểu nữa thì còn khổ hơn. Đành phải nhờ bạn bè giới thiệu một thầy dạy toán thật nổi tiếng (ở trường khác) để đến xin cho con mình được học thêm với thầy. Nhưng học thêm chưa được một tháng, con tôi thủ thỉ: “Mẹ đăng ký cho con học thêm với thầy dạy toán ở trường con đi”. Tôi hỏi lý do thì cháu trả lời: “Bạn con nói ở lớp thầy hay cau có, khó chịu, giảng bài khó hiểu nhưng khi dạy ở nhà thầy rất vui vẻ, giảng bài rất dễ hiểu”. Cuối cùng, dù tôi không muốn ép con mình phải học quá nhiều, dù tôi rất ghét chuyện học thêm nhưng các buổi tối tôi vẫn phải cần mẫn đưa đón con đi học thêm. Đến nỗi, khi tôi than thở về sự mệt mỏi của mình, con tôi (một đứa trẻ 14 tuổi) đã đúc kết: “Học trong trường chỉ là học cho có thôi. Học thêm mới là học chính”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận