Một mẫu hóa thạch của Kylinxia zhangi được tìm thấy ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: france24.com
Các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm thấy hóa thạch của một loài vật giống hình con tôm, có 5 mắt, tồn tại từ cách đây 520 triệu năm. Đây có thể là 'mắt xích còn thiếu' trong quá trình tiến hóa của các loài động vật phổ biến nhất trên Trái Đất - động vật chân khớp.
Hóa thạch Kylinxia zhangi được đặt theo tên của Kỳ Lân (Kylin), biểu tượng của may mắn trong truyện thần thoại của Trung Quốc, kết hợp với từ Zhangi trong tiếng Trung nghĩa là con tôm. Hóa thạch được tìm thấy ở tỉnh Vân Nam (Tây Nam).
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature cho biết 'con tôm' mới được phát hiện này kết hợp đặc điểm của nhiều động vật khác nhau trong kỷ Cambri, bao gồm một biểu bì dày, thân gồm nhiều đoạn, các chi gắn liền, 5 mắt trên đầu và càng dài ở phía trước cơ thể bắt mồi.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành một phân tích tiến hóa chi tiết hóa thạch của Kylinxia. Kết quả cho thấy Kylinxia nằm giữa nhóm Anomalocaris và Euarthropods, lấp đầy khoảng trống tiến hóa giữa các loài. Arthropods gồm các loài như nhện, côn trùng và giáp xác, chiếm hơn 80% tổng số loài vật trên Trái Đất.
Nhà khoa học Zhu Maoyan, đồng tác giả nghiên cứu trên cho biết Kylinxia cung cấp manh mối quan trọng cho các nhà nghiên cứu để giải thích bí ẩn về nguồn gốc và tiến hóa của các động vật thời tiền sử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận