Đây cũng là một trong những động thái nằm trong chủ trương chung của Bộ GD-ĐT nhằm điều chỉnh, đổi mới ở từng môn học cụ thể.
GS.TSKH Vũ Minh Giang đã chia sẻ với Tuổi Trẻ về một số dự định của nhóm chuyên gia về dự án nói trên.
Môn quan trọng nhưng lại chưa được coi trọng
* Để tiến hành việc thiết kế lại nội dung, cách thức dạy học mới, ông và nhóm chuyên gia có nhận định như thế nào về thực trạng dạy học lịch sử hiện nay? Theo ông, điều gì là nguyên nhân chính khiến học sinh không thích môn sử?
- Có một hạn chế không riêng gì môn lịch sử mà chung đối với các môn học, là chương trình giáo dục ở phổ thông hiện nay vẫn tiệm cận theo hướng cung cấp kiến thức. Kiến thức mỗi ngày lại nhiều lên, cần cập nhật liên tục, dẫn tới việc học sinh bị quá tải.
Trong khi sức hấp dẫn chủ yếu của lịch sử là khách quan thì nội dung môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông lại mang nặng tính chủ quan, từ cách diễn đạt cho đến nội dung, các nhận định về sự kiện, nhân vật lịch sử...
Các bài học lịch sử đều bắt học sinh phải ghi nhớ ý nghĩa. Điều này dẫn tới tình trạng dần dần thoát ly khỏi tính giáo dục tự thân của lịch sử.
Cách dạy lịch sử và nội dung môn lịch sử không gợi mở cho học sinh tìm hiểu, suy nghĩ, tự đánh giá vấn đề mà nhồi nhét vào đầu học sinh những ý nghĩa đã được ấn định. Điều này làm việc giáo dục lịch sử trở nên giáo điều, gây phản ứng tiêu cực từ phía học sinh.
Việc tổ chức dạy học lịch sử cũng đơn điệu, xa rời thực tế cuộc sống. Lẽ ra, muốn để học sinh yêu thích lịch sử thì cần có các phương pháp, hình thức giáo dục đa dạng hơn, đưa học sinh ra khỏi không gian lớp học truyền thống, để học sinh được học tại bảo tàng, di tích lịch sử...
Môn lịch sử luôn luôn được khẳng định là quan trọng, nhưng trên thực tế đã chưa được coi trọng. Việc nhiều học sinh sau khi thi tốt nghiệp THPT xong đã xé vở, xé sách lịch sử ném trên sân trường, đó không phải là lỗi của học sinh, mà là do chúng ta đã không làm cho môn lịch sử hấp dẫn.
* Ý tưởng triển khai dự án đổi mới nội dung, phương pháp dạy học môn lịch sử bắt đầu như thế nào, thưa ông?
- Hiện nhóm chúng tôi có khoảng chục người là chuyên gia giáo dục, nhà sử học... Có thể các chuyên gia tham gia thực hiện dự án sẽ còn được mời thêm. Chúng tôi đã bắt tay vào việc từ vài tháng nay. Tôi là người viết ý tưởng cho phần đổi mới nội dung, phương pháp dạy học môn lịch sử.
Trên cơ sở đó, các chuyên gia sẽ tiến hành phản biện, thảo luận để đóng góp cho dự án này. Trong quá trình làm việc, chúng tôi sẽ tổ chức các hội thảo về điều này và sẽ đưa vào dạy thử nghiệm tại một vài trường phổ thông ở cả ba cấp tiểu học, THCS và THPT.
GS.TSKH Vũ Minh Giang - Ảnh: V.HÀ |
Có thể xem phim hoạt hình, chơi game
* Ý tưởng đổi mới việc dạy học môn lịch sử của GS, cụ thể đối với mỗi cấp học, sẽ như thế nào? Có khác biệt gì so với các kiến nghị của nhiều chuyên gia, nhà sử học từng góp ý với Bộ GD-ĐT?
- Chương trình giáo dục môn lịch sử ở phổ thông hiện nay xây dựng theo tiến trình lịch sử từ cổ đến kim. Việc này làm nảy sinh bất cập là học sinh cấp học dưới thì phải học lịch sử cổ đại, là điều rất khó tiếp thu và xa vời với các em. Trong khi đó, học sinh lớp 12 thì lại được học lịch sử hiện đại, gần gũi và dễ hiểu hơn. Với cả ba bậc học, nội dung môn lịch sử đưa vào chưa gắn với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, dẫn tới những bất cập như quá tải, kém hấp dẫn...
Bởi vậy, ý tưởng của tôi là xây dựng nội dung môn lịch sử theo hướng phân khúc đồng tâm. Ở bậc học nào cũng sẽ chọn lọc, để đưa vào đó các kiến thức lịch sử ở các thời kỳ từ cổ đến kim, nhưng sẽ theo mức độ, hình thức khác nhau.
Ở bậc tiểu học, có thể cho học sinh tiếp cận lịch sử qua các câu chuyện giản dị, qua phim hoạt hình về lịch sử. Từ các câu chuyện dễ hiểu đó, giáo viên có thể giảng giải thêm cho học sinh, để các em hiểu được những ý niệm về thời điểm khác nhau trong lịch sử một cách đơn giản.
Ví dụ, khi cho học sinh tiểu học xem phim Sơn Tinh Thủy Tinh (đây là một phim được xây dựng từ truyền thuyết) thì giáo viên có thể giảng giải thêm, để học sinh biết cha ông ta xưa kia đã khai sơn lập địa như thế nào, đất nước chúng ta bao gồm cả phần đất và nước... Việc giải thích này cung cấp cho học sinh những ý niệm ban đầu cả về địa lý, lịch sử và văn học.
Hay như ở truyện Thánh Gióng, giáo viên có thể khơi gợi cho học sinh từ chi tiết “ngựa sắt, áo giáp sắt”, minh chứng cho thời đại đồ sắt trong lịch sử, hoặc truyền thống đánh giặc ngoại xâm của ông cha ta trong nhiều thời kỳ lịch sử...
Tuy vậy, ở bậc tiểu học, không nên thiết kế chương trình theo hướng chăm chăm đảm bảo tính khoa học, chính xác như chính sử, mà để cho trí tưởng tượng của trẻ được bay bổng, phát triển...
Ở bậc THCS, có thể đưa những phần kiến thức sâu hơn vào chương trình, nhưng vẫn nhẹ nhàng, áp dụng nhiều hình thức dạy học khác nhau.
Tôi đang suy nghĩ đến việc có thể thiết kế các phần mềm game mang nội dung lịch sử vào dạy học. Ví dụ, để học sinh tự điều khiển trận đánh Bạch Đằng. Thậm chí đưa ra các câu hỏi mang tính mở như: “Nếu em là chỉ huy, em sẽ chỉ đạo trận đánh này như thế nào?”.
Dĩ nhiên ở bậc học này, nội dung lịch sử phải có tính logic chặt chẽ hơn nhưng vẫn phải bám sát tiêu chí “tạo sự hấp dẫn”. Có hấp dẫn được học sinh thì các em mới tự chủ động tìm hiểu thêm, đọc sách, tham dự các cuộc thi liên quan tới lịch sử.
Ở bậc THPT, môn lịch sử phải được xây dựng như một môn khoa học nghiêm túc. Với bậc học này, những nội dung lịch sử của các thời kỳ sẽ được chọn lọc để đưa vào chương trình.
* Việc thay đổi nội dung sẽ đi kèm với thay đổi về cách thức dạy học, kiểm tra đánh giá môn lịch sử như thế nào, thưa ông? - Như tôi đã nói ở trên, có thể dạy trên lớp, cho học sinh đọc sách, kể chuyện, xem phim, chơi game; cũng có thể cho học sinh học ở bảo tàng, di tích lịch sử, quan sát mô hình... Học sinh còn có thể học qua các cuộc thi về lịch sử mang tính gợi mở. Tôi đã từng tư vấn cho một cuộc thi tìm hiểu lịch sử, theo đó, tôi đề nghị chỉ đưa vào các câu hỏi mang tính gợi mở như : “Em thích nhất nhân vật lịch sử nào? Vì sao em thích?”. Với những câu hỏi dạng này, các em học sinh có thể bày tỏ tình cảm, hiểu biết của mình về một nhân vật lịch sử và phải đi tìm kiếm tư liệu về nhân vật đó. Đó là cách học sinh tự học qua cuộc thi. |
“Cách dạy lịch sử và nội dung môn lịch sử không gợi mở cho học sinh tìm hiểu, suy nghĩ, tự đánh giá vấn đề mà nhồi nhét vào đầu học sinh những ý nghĩa đã được ấn định. Điều này làm cho việc giáo dục lịch sử trở nên giáo điều, gây phản ứng tiêu cực từ phía học sinh" |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận