03/10/2013 10:35 GMT+7

Tìm quán ăn Việt

LÊ TRẦN MINH NAM
LÊ TRẦN MINH NAM

TT - Dọc phố Queen có vài hàng bán thức ăn nhanh hamburger, McDonald hoặc bán các món “take away” (mua mang đi), nhưng chiếm số đông là các quán ăn, nhà hàng Nhật, Hàn, Ấn Độ và Trung Quốc. Còn quán ăn Việt, có hay không?

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3:

RaNaDOsv.jpg
Con gái bà Liên tự thiết kế tờ rơi để giới thiệu quán Phở Việt - Ảnh: L.T.M.N.

Tới lui trên phố này, nhiều người không cần nhìn bảng hiệu cũng có thể nhận biết sắp đến quán nào. Quán Ấn bốc mùi cà ri đậm đặc, quán Hàn thơm mùi thịt nướng, quán Trung Quốc hơi nồng mùi dầu chiên, quán Nhật bày sẵn từng hộp sushi ngay cửa có dán giá cả rõ ràng.

Phở Việt

Anh em sinh viên VN ở Auckland thỉnh thoảng tổ chức gặp gỡ, giao lưu và chiêu đãi nhau nhẹ nhàng khi có các nhóm mới sang. Điểm đến thường là phố Queen vì rất tiện đi lại. Mỗi suất ăn tự chọn khoảng 20 đôla New Zealand (NZD) không tính thức uống, kể ra không đắt lắm nhưng cũng không rẻ nếu so với túi tiền sinh viên, vì quy ra tiền Việt gần 350.000 đồng. Giá cơm trưa bình dân trên phố này khoảng 10 NZD.

Chúng tôi lang thang tìm quán ăn Việt trên phố Queen cả tuần nhưng chẳng thấy đâu. Tình cờ một anh bạn chỉ trong food - court (khu vực bán thức ăn) ở tầng hầm rạp chiếu phim Event đối diện Trường đại học AUT có quán Phở Việt. Tôi ra đó ngay nhưng phải đi hết một vòng mới phát hiện được mấy chữ Việt nho nhỏ: phở bò tái chín, bún chả giò, bún cá Hải Phòng, bún bò Huế, cơm thịt kho trứng... Khi nghe tôi nói: “Chào bác”, bà chủ hơi ngạc nhiên thốt lên: “Hóa ra chú là người Việt, thế mà tôi cứ tưởng là người Mã Lai”.

Tôi được thưởng thức ngay món bún chả giò với hương vị chẳng khác gì ở Sài Gòn. Chén nước mắm, lát chanh nhỏ và chút ớt băm giống hệt VN. Chả giò vừa chiên nóng giòn như ở ta, dù ở New Zealand đang giữa mùa đông lạnh cóng. Có lẽ người Việt đi đâu cũng nhớ nước mắm nên món nào có mùi nước mắm chắc chắn là món ngon. Trong khi đó, anh bạn vừa ăn món bún bò Huế vừa khen hợp khẩu vị có lẽ do vừa cay vừa nóng. Hôm sau, tôi lại rủ anh bạn Việt kiều ra đây ăn phở nhưng anh chọn món cơm thịt kho trứng. Đĩa cơm cũng phảng phất mùi nước mắm. Anh bạn bảo hôm nào sẽ đưa vợ ra ăn, chứ ở đây mấy mươi năm rồi mà chưa biết quán Việt này.

“Vì sao quán không có tên?” - tôi thắc mắc. Bà Liên, chủ quán, bảo: “Tôi mới dọn về đây nên chưa kịp gắn bảng hiệu, thật ra đã đặt người ta làm rồi nhưng họ làm chậm quá”. Trước đây, quán bà Liên nằm ở tầng trên siêu thị Countdown, phố Victoria, nhưng người ta vừa lấy lại mặt bằng nên bà chuyển về đây. Không chỉ có phở, bún, cơm mà quán bà Liên còn có bánh chưng, mè xửng, chuối sấy... xuất xứ từ VN chính hiệu. Anh em sinh viên VN ngán cơm tự nấu thường rủ nhau ra “quán cô Liên”. Tô phở 10 NZD to gần gấp đôi tô phở bình dân ở VN với khá nhiều thịt bò mềm và ngậy coi như cũng đáng đồng tiền bát gạo.

3wSsfNTg.jpg
Quán xe kéo SAIGONZ vẫn đều đặn xuất hiện vào ngày chủ nhật ở chợ trời Takapuna, Auckland - Ảnh: L.T.M.N.

Món ăn Việt

Nếu chịu khó rời khỏi phố Queen đi xa hơn một chút, qua tới đường Beach, các bạn sinh viên hoặc du khách Việt có thể tìm được quán SAIGONZ. Vì sao mang tên SAIGONZ? Anh Mỹ, chủ quán, giải thích: nói tới SAIGON ai cũng biết đó là VN, còn NZ là chữ viết tắt của New Zealand. Ghép chúng lại với nhau bỏ bớt một chữ N thành SAIGONZ nghĩa là quán ăn Việt tại New Zealand.

Anh Mỹ nói tác giả của cái tên này là Pháp - con trai anh. Pháp học ngành thương mại ở Đại học Auckland cũng là tác giả thiết kế quán với hai tông màu đen và xanh lá cây đậm. Hàng tre xanh bên ngoài quán cũng để khách dễ nhận ra phong cách Việt. Anh Mỹ bảo phải xin Hội đồng thành phố Auckland mới nới được khuôn viên rộng thêm một chút để đặt mấy dãy bàn ghế đá bên ngoài.

Món ăn Việt ở đây khá phong phú, ngoài các loại phở bò, gà, hải sản còn có bánh xèo, cà ri gà, cơm chiên, chả giò chiên, bánh mì Việt, gỏi cuốn... Lâu nay, từ điển tiếng Anh đã có món “spring roll” (chả giò chiên) nổi tiếng của ẩm thực Việt, bây giờ quán anh Mỹ chế thêm tên “summer roll”. Đó là món gỏi cuốn (không chiên) gồm bánh tráng tươi cuốn với bún, rau và tôm thịt để ăn cho mát vào mùa hè. Có lẽ nó sẽ đi vào từ điển khi dần dần trở nên quen thuộc.

Khách ruột của SAIGONZ không chỉ có người Việt mà có khá nhiều người Hoa và người Kiwi. Khi dân Kiwi đưa cả gia đình đến SAIGONZ thì họ đều để cho con cái tập cầm đũa như người Việt. Có bé cầm đũa lóng ngóng đành phải dùng tay bốc luôn cho tiện. Cha mẹ chúng vẫn muốn chúng tập cầm đũa vì thưởng thức món ăn Việt phải theo phong cách Việt.

Quán này chỉ mới xuất hiện cách đây hơn bốn năm khi vợ chồng anh Mỹ thử nghiệm thành công quán ăn xe kéo ở chợ trời Takapuna, cách trung tâm Auckland khoảng 45 phút đi ôtô. Cứ sáng chủ nhật hằng tuần, cả nhà kéo xe mang tên SAIGONZ ra giữa chợ trời bán các món ăn Việt. Nhiều khách hàng quen bắt đầu thắc mắc: ngày thường bán ở đâu? Thế là vợ chồng con cái anh Mỹ có khách mối trước khi mở quán trên đường Beach vì thuê mặt bằng ở đấy không dễ và giá khá cao.

Đã sống ở Auckland hơn 30 năm, nhưng vợ chồng anh Mỹ chỉ bắt đầu có ý định mở quán ăn khi Pháp có bạn gái người Kiwi cách đây 6-7 năm. Pháp đưa bạn gái về nhà chiêu đãi món ăn Việt. Bạn gái khen ngon và lạ rồi rủ thêm các bạn Kiwi đến cùng ăn cho biết hương vị VN. Trong số đó có một cô nhà báo đặt câu hỏi: Sao không mở một quán ăn Việt? Thế là quán ăn xe kéo SAIGONZ bắt đầu có mặt ở chợ trời, sau đó là trên đường Beach ở trung tâm thành phố Auckland.

Cô bạn gái Kiwi của Pháp giờ đã là con dâu nhà anh Mỹ. Anh Mỹ bảo mình già rồi nên nhường việc kinh doanh cho con cái vì chỉ có chúng mới có thể biến giấc mơ hình thành chuỗi quán ăn mang tên SAIGONZ ở khắp New Zealand thành sự thật. Người Việt thế hệ thứ hai bắt đầu cắm rễ chắc ở xứ Kiwi này.

“Pho Saigon”

Kỷ niệm Ngày quốc khánh 2-9 mới đây, Trường AUT mời nhóm sinh viên VN đi ăn phở Saigon trên đường Lorne. Con đường này song song với phố Queen nhưng nhỏ hơn. Lòng đường hẹp nhưng vỉa hè vẫn rất rộng, đi bộ thoải mái. “Pho Saigon” ngoài phở còn có bún bò Huế, bún thang, chả giò, cơm gà...

Phở ở đây hơi khác vị phở bà Liên vì đầu bếp người Mã Lai. Bà Kim, chủ quán người gốc Sài Gòn đã định cư ở New Zealand 33 năm, kể rằng bà chỉ mới bán phở gần ba năm nay, còn trước đây bán bánh mì. Khách của bà Kim chủ yếu là sinh viên, giới văn phòng và khách du lịch, vì thế giá cả khá bình dân, từ 10-13 NZD một suất kèm một cốc trà nóng miễn phí. Ở đây có bán bia lon 333 và bia chai Sài Gòn đỏ nhập từ VN và đương nhiên giá hơi cao.

___________

Kỳ cuối: Dân châu Á ngày càng đông

LÊ TRẦN MINH NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp