13/03/2022 12:24 GMT+7

Tìm nuôi ký ức để trân quý hiện tại

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện tại, nhiều vật dụng xưa cũ dường như đang dần bị lãng quên.

Tìm nuôi ký ức để trân quý hiện tại - Ảnh 1.

Ông Biểu bên chiếc cối xay độc đáo đan bằng tre cùng những vật dụng của thời quá vãng mà ông cất công đi nhặt nhạnh gom góp được trong gần 10 năm qua

Vậy mà ông Nguyễn Xuân Biểu, người sắp chạm tuổi thất tuần ở thôn Minh Chính, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) lại cất công đi tìm từng vật dụng của thời quá vãng để tạo ra một "bảo tàng" đồ cũ ngay tại nhà mình với hơn 300 vật dụng.

Quá trình "nuôi" nhiều vật dụng có từ thập niên 1950 - 1980 của thế kỷ trước (ít nhất cũng 40 - 70 năm), ông Biểu nói đây là cách tìm nuôi ký ức và gìn giữ cho tương lai khi ai đó hiểu ra và trân quý chính những vật dụng thân thuộc của thời cha ông một thời. Qua đó trân quý hiện tại cùng những đổi thay của cuộc sống.

Nuôi dưỡng ký ức

Ông Biểu từng tham gia du kích địa phương giai đoạn 1972 - 1975. Những màu sắc khác nhau của cuộc sống đời thường và cả những ngày bom đạn ở giai đoạn trước ngày giải phóng vẫn luôn ám ảnh ông đến khi ông về công tác tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN huyện Cam Lộ. Đến khi nghỉ hưu, ông bắt đầu nghĩ đến việc đi tìm lại những mảnh ký ức của đời mình để lưu giữ lại.

Ông Biểu nhớ lại thời kỳ chưa đổi mới, cuộc sống vô cùng khó khăn. Người dân thiếu thốn đủ thứ. Đến củ sắn, củ khoai cũng phải chia đôi, chia ba mới giúp nhau qua được cơn đói. Đó là nguyên cớ để ông lặn lội đi khắp nơi tìm lại những vật dụng của cuộc sống thời gian khó. "Một giai đoạn cực khổ nhưng không thể là giai đoạn để bị lãng quên", ông nói.

Gian nhà cũ kỹ ngay sát bên ngôi nhà chính đang ở được ông Biểu chọn làm không gian chính cho miền ký ức. Bốn bức tường được ông treo dày đặc những vật dụng lao động, sản xuất của giai đoạn những năm 1950 - 1980 của thế kỷ trước. 

Những người sống qua giai đoạn này có thể tìm thấy ở đây những đồ vật từng gắn với ký ức của mình như chiếc bi đông, cà mèn, những chiếc thúng, bồ đựng lúa, gàu sòng, áo tơi hay cả những chiếc cối xay lúa được đan bằng tre bề ngoài được quết một lớp bùn trộn rơm rạ.

Ở ngay chính giữa sàn của "bảo tàng" là một dãy cối xay. Ngoài một số cối bằng đá xếp thành hàng thì có một chiếc cối xay khá đặc biệt được ông xếp riêng ra ngoài. Nói là đặc biệt bởi chiếc cối xay này làm bằng khung gỗ trong khi bề mặt bên ngoài được làm bằng tre đan và đắp thêm một lớp bùn trộn rơm rạ.

Như để giải thích cho người xem dễ hiểu hơn về chiếc cối xay này, ông Biểu dùng tay níu thanh gỗ chìa ra bên nách cối và xoay tròn tạo ra những tiếng ục ặc. Ông Biểu nói đây là loại cối xay thô sơ nhất mà người Cam Lộ quê ông giai đoạn những năm 1950 của thế kỷ trước dùng để xay lúa. 

"Cối xay này đến thời tôi còn nhỏ đã còn rất ít. Nhưng nó cũng là một phần đời sống của người dân bản địa giai đoạn cực khổ nhất. Tôi tìm thấy nó từ một gia đình trong vùng và xin về", ông Biểu tặc lưỡi nói về may mắn của mình.

Mỗi vật dụng đều gắn với những mảnh ký ức của ông nhưng có thể đánh thức được hồi ức của nhiều người.

Tìm nuôi ký ức để trân quý hiện tại - Ảnh 2.

Chiếc ống tre được dùng làm chai đựng nước từ những năm 60 của thế kỷ trước mà ông Biểu giữ lại được

Hiểu quá khứ để "thêm yêu quê mình"

Lật trong những vật dụng đã nhuốm sậm màu thời gian bằng tre nứa ở góc tường phía trước căn nhà, ông Biểu lấy ra một ống tre loại lớn dài khoảng hơn nửa mét có buộc dây hai đầu. 

"Đây là thứ gắn bó với tuổi thơ mà tôi đã may mắn còn giữ lại được. Những người cùng thế hệ đó nhìn vào sẽ nhận ra ngay. Nhưng chắc chắn những người thời nay sẽ không bao giờ biết được giá trị của nó", ông Biểu mỉm cười bí ẩn.

Nhìn kỹ, chiếc ống tre vẫn còn nguyên lớp ngăn tự nhiên ở cả hai đầu đốt tre. Nhưng ở lớp ngăn đốt đầu phía trên có một chiếc khuy cũng bằng tre cắm vào như chiếc nút chai. Ông Biểu rút nhẹ chiếc khuy ra, ở trong là một ống rỗng rồi giải kể chuyện giai đoạn cuối những năm 1960 của thế kỷ trước. 

"Thời tôi mới lớn, không có chai đựng nước bằng nhựa. Đám trẻ ở những miền quê nghèo như tôi càng không thể. Thế là rặng tre dày đặc phía trước làng được người làng tìm đến và biến từng đoạn ống tre này để làm chai đựng nước mang theo dự trữ mỗi khi đi làm ruộng hoặc đi rừng. 

Chiếc khuy cắm vào để thay nắp chai. Còn dây đeo để tiện khi mang theo ra đồng", ông Biểu cười khề khà. Có những vật dụng được chủ nhà mang theo ra tận tỉnh khác mà biết được ông vẫn lặn lội tìm đến tận nơi xin về.

Chính vì thế, khi tất cả những vật dụng của ông đều đã bạc màu thời gian thì càng được ông cất giữ cẩn thận. Mỗi đồ vật đều được dán nhãn ghi khá đầy đủ thông tin về lý lịch hiện vật như tên, công dụng, niên đại... và đều chứa đựng những câu chuyện riêng và gợi nhớ về một miền ký ức nào đó. 

Ban đầu ông chỉ nghĩ rằng mình đi gom lại những vật dụng của quá khứ là cách nuôi dưỡng những ký ức tâm hồn mình. Nhưng dần dà ông nhận ra rằng những vật dụng này mang cả những thông điệp về văn hóa, về đời sống mà những thế hệ sau này cần được biết để hiểu cha ông thời trước từng sống qua những thời kỳ khó khăn, vất vả như thế nào. 

"Hiểu để thêm yêu thương hơn quê mình, yêu thương hơn những gì mình đang có" - ông Biểu tóm tắt.

Tìm nuôi ký ức để trân quý hiện tại - Ảnh 3.

Chiếc bát dành cho bộ đội là một trong những kỷ vật ông Biểu còn giữ lại được từ giai đoạn còn tham gia dân quân địa phương 1972 - 1975

Nhiều người cùng thế hệ tôi đến đây đã từng xúc động đến chảy nước mắt. Ký ức là một khoảng trống úa màu trong tâm hồn con người nhưng sẽ trở nên vô cùng sinh động khi được đánh thức. Chính từ những vật dụng này mà ông cha mình đã kiến thiết, xây dựng quê hương, tạo ra của cải vật chất như hôm nay.

Ông NGUYỄN XUÂN BIỂU

Ngoài những vật dụng sản xuất, sinh hoạt thời bao cấp, ông Biểu còn tìm kiếm được nhiều vật dụng liên quan đến thời chiến tranh tại địa phương. Ông cất công tìm đến những trận địa xưa trong vùng để tìm lại những kỷ vật chiến tranh mà ông và những bộ đội dân quân địa phương đã từng có như ống nhòm, la bàn, dép cao su. 

Ông còn giữ lại chiếc bát ăn cơm mà những năm đi dân quân địa phương ông được phát để mang theo trong balô. Biết ông đi tìm những kỷ vật thời xưa cũ, mới đây, một cựu chiến binh trung đoàn 31, mặt trận B5 tên Nguyễn Quang Thính đã tìm đến tặng ông một mảnh vải dù mà ông Thính còn giữ lại được khi tham gia chiến dịch năm 1971.

Mong muốn của ông Biểu là sẽ tạo ra một cuốn sách ảnh gồm ảnh chụp của tất cả những vật dụng này, ghi chú lại rõ ràng nhất cấu tạo, công dụng, thời kỳ của từng vật dụng để những thế hệ sau có thể tiếp cận "bảo tàng" ký ức này. 

Ông thống nhất với gia đình rằng tâm huyết cả đời này của mình không bao giờ được mang giá trị kinh tế. "Tôi đã cất công đi tìm lại từng mảnh ký ức. Nhưng tôi sẽ không giữ ký ức này cho riêng mình", ông Biểu tâm sự.

Hiện tại bắt đầu từ quá khứ

Ông Nguyễn Minh Đức, trưởng Phòng văn hóa thông tin huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), nói khoảng mấy mươi năm nữa những vật dụng sinh hoạt như nồi nấu cơm bằng đất, cối xay lúa bằng đá, bằng tre sẽ chỉ còn là câu chuyện qua lời kể.

"Các vật dụng này tuy rất đơn sơ và gần gũi nhưng lại rất có ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của cha ông.

Nhờ những vật dụng này mà một giai đoạn của đời sống sinh hoạt của cả vùng quê không bị lãng quên, và cũng giúp những thế hệ trẻ sau này biết rằng cuộc sống đang có của ngày hôm nay bắt đầu từ chính những vật dụng đơn sơ mộc mạc đó trong quá khứ", ông Đức nói.

Người lưu giữ Người lưu giữ 'ký ức tuổi thơ' qua những con tò he

TTO - Làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, ngoại thành Hà Nội) đã có truyền thống và nổi tiếng về nghề nặn tò he (con giống bột) hơn 300 năm.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp