Tập sách '' (NXB Tổng Hợp TP.HCM)
Tiếp cận Sài Gòn bằng một cách đầy cá tính, tác giả - nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng tự xác lập hướng đi cho riêng mình trong hành trình khảo cứu các vấn đề thuộc nội hàm văn hóa - lịch sử.
Có lẽ từ hồi hình thành đô thị đến nay, chưa có ai nhìn Sài Gòn như là một thực thể "gánh lấy những thách thức của tình trạng thế giới hóa và trở thành phòng thí nghiệm của sự tiến bộ" như Huỳnh Ngọc Trảng cắt nghĩa trong tập sách này.
Người đọc sẽ có cảm giác mình trở thành người tự nguyện được tác giả dẫn dắt đi la cà khắp nẻo Sài Gòn. Chẳng hạn địa danh Đồng Tập Trận nghe đến từ lâu, nhưng đến đây thì Huỳnh Ngọc Trảng "chỉ tay một cái" cho thấy đó là suốt một dải dài từ đường Cách Mạng Tháng Tám hiện nay, cặp theo đường Điện Biên Phủ và đường Ba Tháng Hai vào đến trường đua Phú Thọ.
Trên cánh Đồng Tập Trận ấy, còn miếu Thành Hoàng Bổn Cảnh hiện đã nằm khuất trong khu dân cư ở quận 10. Và lần theo bước chân điền dã của ông Trảng, đến dự lễ Trung nguyên ở miếu này mới thấy từ đây ông đã hình dung ra vị trí của cái miếu thuở xưa khi nó được hình thành: lúc đó còn là miếu Cô Hồn - nơi cúng kỵ cho những người chết trận trong loạn Lê Văn Khôi (1835).
Tác giả đứng trước ngôi miếu nhỏ nhoi mà hình dung về một quang cảnh rợn người thời quá vãng hơn trăm năm trước: "Khi ấy quân triều đình đã đánh hạ thành Phiên An, bắt chém 1.250 người không sót một ai", rồi đem chôn ở Đồng Tập Trận này, để cho nơi này mang thêm tên Đồng Mả Ngụy là từ duyên sự đó.
Tác giả cũng dành nhiều thời gian khảo cứu về các di tích và tìm hiểu đời sống văn hóa của người Hoa ở Chợ Lớn. Ở mảng đề tài này, Huỳnh Ngọc Trảng có những phát hiện quan trọng, như cách ông tìm ra ở Nghĩa Nhuận hội quán còn lưu dấu tích cánh thợ gỗ họ Huỳnh phát tích ở Bình Dương.
Sản phẩm là con ngựa Xích Thố vẫn còn tại hội quán, các đồ án thờ bằng gỗ vẫn còn và quan trọng hơn là trong số các đề tài điển tích chạm trên các bức gỗ, ông Trảng phát hiện hai bức Trưng nữ vương khởi nghĩa và Lê Thái tổ khởi nghĩa.
"Có thể nói, đây là đầu tiên đề tài lịch sử dân tộc Việt Nam xuất hiện trong thể loại "quần thể trên tượng" của điêu khắc gỗ ở các cơ sở tín ngưỡng của vùng đất này" - ông Trảng khẳng định.
Và nhẩn nha theo từng trang sách sẽ bắt gặp thể loại "thơ rơi" xuất hiện ở Sài Gòn đầu thế kỷ 20, tìm hiểu hành trình của Trần Thượng Xuyên và cơ sở thờ tự Trần tướng quân từ, đến với làng Minh Hương và đình Gia Thạnh, tìm hiểu gốm Cây Mai, lục lại các thơ tuồng, hát bóng, thơ vè, cả những không gian diễn xướng được tác giả gọi là "điệu hát câu hò ngày ấy", như đưa người đọc hôm nay trở lại một phần không gian độc đáo thời xưa - cái thời giữa Sài Gòn cũng có loại hình hò cấy, hò cuộc, hát huê tình...
Đọc Sài Gòn Gia Định ký ức lịch sử - văn hóa, người đọc nhờ thế biết thêm được khối chuyện ẩn đằng sau cái vẻ ngoài náo nhiệt và dòng chảy của người của cảnh Sài Gòn dường như đang từng ngày từng giờ làm phôi phai tất cả...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận