Thắp nén hương cho các anh hùng liệt sĩ - Ảnh: NGỌC QUANG
Anh em đã hi sinh mạng sống của mình, giờ mình có đổ cả tấn mồ hôi ra cũng không thể sánh bằng sự hi sinh đó.
Thiếu tá Hoàng Vũ Dũng
Bát cơm cúng bên hài cốt chiến sĩ
Thượng tá Lương Đình Luyện, chính trị viên đội tìm kiếm, đang lễ mễ bưng mâm cơm với sáu cái chén, sáu đôi đũa lên căn phòng đặc biệt này.
Sắp các món ăn lên bàn thờ, thượng tá Luyện nói với chúng tôi: "Lâu nay, căn phòng này dành để liệt sĩ nằm khi đem được về từ núi trước khi đưa về nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Đều đặn ngày ngày nhang khói, đến bữa cơm vẫn cúng cơm theo phong tục người Việt.
Nghĩ mà thương anh em, hơn 30 năm lặng lẽ nơi rừng cao núi thẳm. Giờ đưa về đây, ngày ba bữa chúng tôi ăn gì thì cúng anh em cái ấy. Bữa cúng sáng có khi là bát mì tôm. Cơm trưa, cơm chiều đội có món gì, chúng tôi đặt lên bàn thờ anh em món ấy".
Phải đến tận đây, nhìn hình ảnh quá đỗi thân thương của chính trị viên Luyện bày biện mâm cơm mời anh linh đồng đội, mới hình dung được những khắc khoải của linh hồn hàng vạn người lính mà xác thân đang còn đâu đó giữa núi cao rừng thẳm sau bao cuộc chiến! Và cả nỗi đau của cha mẹ, vợ con liệt sĩ chưa được tìm thấy hài cốt.
Anh Luyện cho biết có đợt tìm được mười hài cốt, có đợt được sáu hài cốt, có đợt tìm được thì xương cốt anh em đã lẫn vào nhau trong một hang đá bị sập nên đành quy tập thành mộ tập thể. Hôm chúng tôi lên, trong căn phòng này chỉ có sáu hài cốt liệt sĩ. Nhưng vài hôm sau, khi chúng tôi rời Vị Xuyên, anh em đã tìm thấy thêm ba hài cốt đồng đội nữa.
Di vật chiến đấu của các liệt sĩ - Ảnh: NGỌC QUANG
Trước khi đến đội quy tập để theo anh em ra hiện trường, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Sơn, chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Theo ông Sơn, giai đoạn 1979-1989 có trên 4.100 chiến sĩ hi sinh tại đây, chưa kể rất nhiều dân quân địa phương.
Từ năm 1979 đến năm 1989, có nhiều sư đoàn, lữ đoàn cùng lực lượng bộ đội địa phương chiến đấu. Giai đoạn này, các đơn vị từ cấp trung đoàn trở lên đều có nghĩa trang riêng, nằm sát biên giới. Cuộc chiến đấu ác liệt, kéo dài, nhiều nghĩa trang bị đạn cày xới, mất dấu tích, nhiều chiến sĩ khi hi sinh không lấy được thi hài.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Hà Giang, nhiều đơn vị rút quân về tuyến sau, có đơn vị giải thể, phục vụ nhiệm vụ mới... dẫn đến công tác bàn giao mộ liệt sĩ, nghĩa trang, danh sách liệt sĩ hi sinh, sơ đồ mộ chí cho tỉnh Hà Giang còn nhiều thiếu sót.
Câu chuyện về cuộc tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ trên đất Hà Giang thật sự trở thành một "chiến dịch" từ hai năm nay, khi đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc BCH quân sự tỉnh được thành lập.
Nhưng từ rất lâu, ngay khi chiến tranh kết thúc, những người dân đi nương bắt gặp mộ phần hay những đồng đội bằng sự mách bảo trí nhớ đã trở lại miền đất này để đưa những người lính hi sinh được về quây quần bên đồng đội.
Gần 30 năm sau khi cuộc chiến Vị Xuyên kết thúc (lấy mốc từ năm 1989) cuộc tìm kiếm mới được khởi động một cách bài bản. Nhưng mưa rừng, gió núi, địa hình, địa vật thay đổi quá nhiều theo thời gian khiến công cuộc tìm kiếm trở nên vất vả gấp bội, chưa kể bom mìn dày đặc nơi đây.
Bóp vụn từng nắm đất tìm liệt sĩ
Thiếu tá Hoàng Vũ Dũng, đội phó đội tìm kiếm, nói cho chúng tôi biết thông tin khởi đầu công tác tìm kiếm liệt sĩ trên địa bàn này một phần căn cứ trên các tư liệu hồ sơ trận mạc còn lưu trữ, phần khác dựa chủ yếu vào thông tin nhân dân, của các cựu chiến binh.
Rất nhiều trường hợp liệt sĩ được người dân phát hiện hoặc thông tin từ các cựu chiến binh từng chiến đấu ở Hà Giang.
"Thông tin phần lớn dựa vào trí nhớ, do thời gian dài, địa hình, địa vật thay đổi nên nhiều cuộc tìm kiếm cực kỳ khó khăn. Mới đầu tháng 6 vừa rồi, có thông tin từ người dân ở thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy cho biết khoảng 20 năm trước, khi đi tìm kiếm phế liệu họ đã phát hiện khu vực này có cái hầm với ít nhất ba hài cốt.
Đội tìm kiếm chúng tôi về ngay, gặp người dân dẫn ra hang, nhưng khu vực giờ đã thay đổi, miệng hang không thấy đâu. Đội đã đào bới, tìm kiếm cả chục ngày không thấy, lại tiếp tục thuê xe máy xúc đào bới từng mét vuông đất trong ba ngày.
Hàng ngàn mét khối đất đá được xới xáo. Anh em sục tay bóp vụn từng nắm đất nhưng cuối cùng cũng không thấy chút dấu vết. Biết là khó, nhưng không thể không dốc lòng, anh em đã hi sinh mạng sống của mình, giờ mình có đổ cả tấn mồ hôi ra cũng không thể sánh bằng sự hi sinh đó" - thiếu tá Dũng trầm giọng.
Những mẩu hài cốt của liệt sĩ còn lại khi cuộc chiến vệ quốc đã qua đi hơn 30 năm - Ảnh: NGỌC QUANG
Nhiều trường hợp có thông tin, có nhân chứng đầy đủ cũng gặp muôn vàn khó khăn. Như trường hợp liệt sĩ Vì Văn Thỏa (quê xã Mường Men, Vân Hồ, Sơn La).
Năm 1979, anh Thỏa, 19 tuổi, nhập ngũ về tiểu đoàn 10, trung đoàn 466, sư đoàn 314. Tháng 11-1980, Thỏa cùng đơn vị theo xe pháo hành quân vào huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang). Trên đường, xe pháo bị đổ đè lên, Thỏa hi sinh. Anh em mai táng đồng đội mình ngay bên đường.
Khi có thông tin từ thân nhân liệt sĩ và đồng đội của Thỏa năm xưa, đội tìm kiếm về Hoàng Su Phì, đúng địa điểm thông tin nơi chôn cất để tìm nhưng mọi dấu vết đều đã mất. Phải mất nhiều ngày, đội tìm kiếm, đào xới từng tí đất đá một.
Cuối cùng, một nguồn tin khác nói đúng là anh hi sinh ở Hoàng Su Phì, nhưng chôn cất khu vực ngã ba Tân Quang. Đơn vị mở rộng phạm vi khu vực tìm kiếm thì tìm thấy...
Khi chúng tôi hỏi hành trình tìm được hài cốt của sáu liệt sĩ đang được quàn ở doanh trại, thiếu tá Dũng cho biết: Tìm được các anh lần này cũng nhờ thông tin của đồng đội.
Mới hơn một tháng trước, hồi tháng 5-2020, có đoàn cựu chiến binh sư đoàn 313 lên thăm lại trận địa. Khi qua thôn Hoàng Lỳ Pả, xã Minh Tân (Vị Xuyên), cựu binh Nguyễn Hữu Phúc (trước đây là lái xe của sư đoàn) có kể hồi năm 1984 ông mấy lần chở xác anh em tử trận về an táng tại Hoàng Lỳ Pả.
Nếu so số lượng liệt sĩ được quy tập từ thôn Hoàng Lỳ Pả về nghĩa trang Vị Xuyên thì chưa đủ. Và ngay tại khu vực đó, cựu binh Phúc thấy vẫn còn nhiều mô đất mà theo linh cảm của ông thì chắc chắn nơi đây vẫn còn nhiều đồng đội.
Từ câu chuyện và thông tin của ông Phúc cùng các cựu binh sư đoàn 313 cung cấp, đội quy tập đã mở đợt tìm kiếm, và kết quả đúng như nhận định của các cựu binh. Ngày 3 và 4-6, đội đã tìm thấy năm bộ hài cốt liệt sĩ. Đến ngày 9-6, đội lại tìm thấy một bộ hài cốt liệt sĩ ở cao điểm 468 ở thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy...
Còn bao liệt sĩ nơi chiến trường xưa
Khi chuyến công tác của chúng tôi vừa kết thúc, về đến Hà Nội thì lại nhận được tin từ thượng tá Luyện: "Bọn mình vừa tìm thấy thêm ba bộ hài cốt liệt sĩ nữa. Ngày 24-6 tìm thấy một hài cốt liệt sĩ ở bình độ 400 của cao điểm 685. Ngày 30-6 tiếp tục tìm thấy hai bộ hài cốt ở thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy...".
Tấm bảng màu đỏ khắc chín chữ vàng như một tuyên thệ của lính Vị Xuyên: "Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử". Lời thề ấy bắt đầu từ một dòng khắc trên báng súng của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh...
Kỳ tới: Lời thề khắc vào núi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận