Tôn Thọ Tường (thành viên của Bạch Mai Thi Xã) từng có bài "Vịnh chùa Cây Mai" để bày tỏ cảm tưởng thi sĩ buổi giao thời - lúc Pháp đánh chiếm Sài Gòn và trưng dụng gò Cây Mai làm đồn binh. Những thứ lạ lùng, thô bạo Tây phương dần thay thế, chiếm giữ và xóa nhòa dấu vết êm đềm xưa cũ.
"Cám cảnh cây mai cách dưới đèo/Mười phần trong sạch phận cheo leo/Sương in tuyết đóng cành thưa thớt/Xuân tới thu về nỗi quạnh hiu/Lặng lẽ chuông quen con bóng xế/Tò le kèn lạ mặt trời chiều/Những tay rượu thánh thơ thần cũ/Trông cảnh bao nhiêu, tiếc bấy nhiêu".
Dấu vết chùa Cây Mai đã phai nhòa theo năm tháng biến động của thời cuộc. Tuổi Trẻ Online mời quý bạn đọc cùng tìm lại dấu xưa về một sắc trắng đã làm say lòng biết bao thi nhân thuở ấy.
Sắc trắng nhuộm miền quá khứ
Sách Hỏi đáp về Sài Gòn-TP.HCM (tập 6, NXB Trẻ, 2006) dẫn lại Đại Nam nhất thống chí về vị trí chùa Cây Mai rằng nằm ở gò đất cao tại thôn Phú Giáo, huyện Tân Long, thuộc phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (góc Nguyễn Thị Nhỏ - Hồng Bàng, TP.HCM hiện nay - PV). Tại đây có một số cây mai, người xưa lập nên chùa Ân Tôn (hay Ân Tông) trên đỉnh gò.
Trịnh Hoài Đức trong Tập thượng, Gia Định thành thông chí (Tu trai Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hóa, Phủ Quốc vụ khanh phụ trách văn hóa, Sài Gòn) từng miêu tả: "Gò Cây Mai cách phía nam trấn ba mươi dặm rưỡi. Ở đây gò đất nổi cao, có nhiều Nam mai, nhành cỗi rườm rà, nhưng khi hoa nở không có tuyết, chỉ có lá hộ vệ mùi thơm mà thôi. Hoa bẩm linh khí sinh ra nên không đem trồng nơi khác được".
Tuy nhiên, TS Cù Thị Dung (Trung tâm Lưu trữ II) cho rằng bản dịch đã nhầm lẫn về mặt khoảng cách. Trong một bài viết của mình, TS Dung chỉ ra: "Theo Trương Vĩnh Ký thì 1 dặm dài 270 tầm, 30,5 dặm tương đương 17,4km là khoảng cách quá xa so từ thành Gia Định cũ về khu vực Chợ Lớn. Tra cứu nguyên bản chữ Hán thì dịch giả đã nhầm, nguyên tác ghi là "十三里半 - thập tam lý bán", tức 13,5 dặm. Từ thành Gia Định cũ đến gò Cây Mai tương đương 7,7km, phù hợp khoảng cách từ thành Gia Định cũ về khu vực Chợ Lớn".
Giai đoạn 1859-1862, gò Cây Mai trở thành cứ điểm phòng thủ của nghĩa quân Việt để đối kháng với quân Pháp. Đây là điểm đầu phòng tuyến ngăn quân Pháp dọc dài tới đại đồn Chí Hòa. Về sau, nghĩa quân thất bại, Pháp chiếm gò Cây Mai, phá vỡ phòng tuyến và hạ đồn Chí Hòa. Tại đây, chúng phá dỡ ngôi chùa trên gò, lập nên một đồn lính (fort de Cay Mai).
Một thời gian dài, quân Pháp xem Đồn Cây Mai là điểm cao dễ quan sát một vùng rộng lớn. Về sau, Pháp cho xây dựng một số đồn khác như Bình Thới, Bình Tây, Bình Đông, Bình Hưng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Sài Gòn từ xa. Kể từ đó, Đồn Cây Mai được bí mật duy trì. Đến năm 1955, quân đội Pháp rút khỏi miền Nam, bàn giao Đồn Cây Mai cho quân đội Sài Gòn.
Đầu xuân năm Canh Tý (1960), thi sĩ Đông Hồ đã từng có dịp được thưởng ngoạn hương sắc của cây bạch mai. Sau đó, ông viết một bài mang tên "Tìm dấu bạch mai" đăng trong Bách Khoa, số 76, ngày 1-3-1960.
Trong bài ký sự của mình, thi sĩ Đông Hồ từng viết: "Tôi và viên thượng sĩ bèn hết sức chú mục nhìn lên, tìm trong các chòm lá rậm. Thì quả nhiên, trên một cành già, nép dưới mấy nõn mới chồi, năm ba điểm ngọc trắng tinh, e dè hé nụ…
Tôi cầm cành hoa, trân trọng đưa lên ngang tầm mắt, âu yếm nhìn. Năm ba bông hoa đã nở, năm ba hãy còn phong nhụy. Hương hoa trộn trong hương nắng ấm gây một mùi ngây ngất. Hình ảnh êm đẹp xa xưa tưởng đã mất dấu rồi, nay bỗng tìm thấy lại. Đã gặp lại rồi đây, tâm hồn, ân ái cũ nghìn xưa. Nâng niu trên tay, mắt nhìn âu yếm, ôm ấp vào lòng, mũi kề tiếp xúc làn ngọc cốt băng cơ. Hương danh hoa đó là mùi thơm lạ của hương trời. Kẻ phàm tục nào lại đem so sánh với hương phấn son da thịt của giai nhân?".
Kể từ sau năm 1975, trường Cây Mai đã trở thành doanh trại của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cho đến ngày hôm nay, nơi đây được người dân xung quanh gọi tên doanh trại quân đội "Đồn Cây Mai".
Hồn băng chất ngọc giờ nơi nào?
Chúng tôi tìm đến doanh trại quân đội Đồn Cây Mai nằm trong con hẻm góc đường Hồng Bàng - Nguyễn Thị Nhỏ (quận 11, TP.HCM), cạnh bên chung cư Cây Mai. Theo quan sát, dọc trên đoạn đường Nguyễn Thị Nhỏ rẽ vào Hồng Bàng, một số hàng quán hai bên thêm chữ "Cây Mai" vào biển hiệu của mình như một cách lưu dấu thời xưa cũ.
Tại đây, chúng tôi gặp thượng úy Nguyễn Hữu Vĩnh. Anh cho biết trong khuôn viên doanh trại vẫn còn một gốc bạch mai đã cao niên.
"Hoa bạch mai nhỏ hơn các loại mai khác, chỉ nhỉnh hơn đầu chiếc đũa con, năm cánh trắng muốt. Hương thơm của loài hoa này đặc trưng, dịu nhẹ vượt xa cả hoa nhài. Thường nhật, doanh trại hiếm thấy hoa bởi núp sau tán lá xanh um tùm. Nhưng vào mỗi độ sáng sớm, các chiến sĩ vẫn thường nhặt được hoa mai rụng khắp quanh gốc", anh Vĩnh nói.
Thượng úy Vĩnh mang ra một hộp toàn bạch mai phơi khô. Chúng tôi cẩn thận đón lấy, đưa lên mũi, cảm nhận hương sắc thoảng nhẹ vẫn còn đây dù đã pha lẫn mùi nắng bụi.
Theo chân thượng úy Vĩnh, chúng tôi được tận mắt thấy cây bạch mai mà mình từng ao ước được gặp gỡ. Gốc bạch mai phát triển xanh tốt, có hai nhánh lớn, bên trên lại phân thêm nhiều cành nhánh khác nhau. Bạch mai tán rộng, xanh um tùm, nhìn lên chỉ thấy một màu xanh ngát, chẳng rõ hoa đâu nhưng cứ phảng phất một mùi hương thơm nhẹ.
Thượng úy Vĩnh cho hay nhiều người từng xin chiết để nhân giống, nhưng chẳng mấy ai thành công. Chúng tôi thầm tự hỏi phải chăng loài "thế thượng vô song phẩm, nhân gian đệ nhất chi" (Phẩm chất vô song miền hạ giới, nhân gian đệ nhất nhánh mai này - PV) quả đã thụ bẩm linh khí nơi trời mà chẳng trồng chốn khác được như ông Trịnh Hoài Đức miêu tả.
Dưới tán xanh, chúng tôi bắt chước dáng điệu của Đào Tiềm "phủ cô tùng nhi bàn hoàn" (đứng mân mê cây tùng lẻ loi, thơ thẩn mãi - PV) để mong tìm lấy một đóa trắng hồn băng chất ngọc giữa nền lá biếc. Nhưng chẳng may mắn như thi sĩ Đông Hồ, chúng tôi ngậm ngùi đứng trông theo tán lá xanh, cố nheo mắt tìm mà chẳng thấy một điểm trắng hằng ao ước.
Bao nhiêu dĩ vãng trôi qua, bao phen thời cuộc đổi dời, cánh bạch mai từng rơi vào ao mực nghiên son của những tay "rượu thánh thơ thần" vẫn đứng lặng lẽ, tỏa nét kiều diễm vào sắc nước hương trời, hòa lẫn chung cảm hứng của người đem lòng yêu lấy điều xưa cũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận