Bốn năm trôi qua kể từ ngày chuyến bay mất tích, bí mật vẫn còn bao trùm - Ảnh: AFP
Viết trên báo The Australian, chuyên gia hàng không Byron Bailey, với 45 năm kinh nghiệm lái máy bay, cho rằng câu trả lời chỉ có thể là mọi cuộc tìm kiếm đã chọn sai địa điểm vì bám vào giả thiết đầy lỗ hổng là không còn ai điều khiển chiếc máy bay trong những giờ cuối của cuộc hành trình.
Cơ quan An toàn giao thông Úc (ATSB) hiện vẫn giữ quan điểm này dù ngày càng có nhiều chuyên gia độc lập lên tiếng phản bác.
Cố chấp gây tốn kém
Theo luồng ý kiến mới, mọi dấu hiệu đều chỉ ra rằng chính cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah đã không tặc chiếc máy bay và điều khiển nó cho đến những giây cuối cùng. Nơi MH370 đâm xuống biển có thể nằm xa hơn về phía tây nam so với vùng tìm kiếm ban đầu.
Đến thời điểm ngày 20-3-2018, một chiếc tàu ngầm không người lái của công ty thăm dò đại dương Ocean Infinity có trụ sở tại Anh vẫn đang quần thảo khu vực nam Ấn Độ Dương.
Ocean Infinity khẳng định "sẽ không lấy tiền nếu không tìm ra MH370", tuy nhiên vùng tìm kiếm mới nằm xa hơn về phía bắc so với khu vực ban đầu và vẫn dựa trên giả thiết mất tích của ATSB.
Thân nhân hành khách trên chuyến bay MH370 kỷ niệm 4 năm ngày nó mất tích ở Kuala Lumpur - ảnh: REUTERS
Tuần trước, báo cáo tìm kiếm của Chính phủ Malaysia cho thấy tàu thăm dò Seabed Constructor đã quần nát gần hết "Site 1" - tức khu vực khoanh vùng số 1, nơi ATSB và CSIRO (Tổ chức Nghiên cứu công nghiệp và khoa học khối thịnh vượng chung của Úc) nhận định chiếc Boeing 777 chở 239 người đang nằm yên nghỉ.
Chiếc Seabed Constructor hiện đang di chuyển lên phía bắc.
Giả thiết "chuyến bay ma" của ATSB dựa trên lập luận rằng phi công có thể đã bất tỉnh, ví dụ do áp suất trong khoang lái giảm đột ngột, và cú đâm nhanh chóng xuống biển của MH370 xảy ra khi nhiên liệu đã cạn hoàn toàn.
Nhưng theo giới quan sát, cú rơi của MH370 có thể được giải thích dễ dàng nếu hình dung một viên phi công đang điều khiển máy bay và cố tình chúc mũi nó xuống.
Người ta chỉ trích ATSB không có bất cứ quan chức nào là phi công chuyên nghiệp, và cũng không thèm nhờ sự tư vấn của các chuyên gia.
Một chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines - Ảnh: Newshub
Khả năng máy bay bị cố tình chuyển hướng
Chuyến bay MH370 khởi hành từ sân bay Kuala Lumpur (Malaysia) sau nửa đêm ngày 8-3-2014, đích đến là thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc)
Chưa đầy một giờ sau khi cất cánh, trên không phận Biển Đông, chiếc may bay đột ngột biến mất khỏi màn hình radar. Mọi thứ xảy ra chỉ 2 phút sau khi cơ trưởng nói câu "chúc ngủ ngon" với Đài kiểm soát không lưu Kuala Lumpur.
Một chiến dịch tìm kiếm điên cuồng diễn ra trong tuần tiếp theo ở Biển Đông, nhưng bỗng nhiều diễn biến mới kỳ lạ xuất hiện.
Phân tích dữ liệu radar quân sự của Malaysia, người ta bất ngờ thấy chiếc Boeing đã quay đầu và bay ngược lại không trình, xuyên qua bán đảo Mã Lai, vượt qua đảo Penang gần phía bắc đảo Sumatra thuộc Indonesia rồi... biến mất vào hư không.
Từ đó có thể thấy chiếc máy bay đã được điều khiển bởi một cá nhân chuyên nghiệp, nếu không nó đã tự bay đến Bắc Kinh theo hệ thống lập trình sẵn. Nói cách khác, ai đó đã thay đổi hệ thống máy tính quản lý chuyến bay.
Một người đàn ông đi ngang qua bức họa vẽ chuyến bay MH370 mất tích - Ảnh: REUTERS
Trong thông điệp trực tuyến đầu tiên trên truyền hình, Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố "đây là một trường hợp có sự can thiệp cố ý của con người". Tuy nhiên, sau đó chính quyền Malaysia trở nên im lặng như tờ.
Theo nhà phân tích Byron Bailey, điều khó hiểu là khi ATSB tham gia vụ việc, cơ quan này lập tức tung ra giả thiết phi công bất tỉnh, do áp suất thay đổi hoặc hỏa hoạn, dù phi công chuyên nghiệp luôn được huấn luyện định kỳ để xử lý các tình huống này.
Ngoài ra, một nhóm nhà khoa học ở Anh đã có một phát hiện tuyệt vời, trong đó họ nhận ra chiếc MH370 dù mất liên lạc vẫn tự động trao đổi tín hiệu với vệ tinh viễn thông định kỳ mỗi giờ, từ đó cho thấy nó đã bay thêm 7 giờ.
Nếu cơ trưởng Zaharie đang điều khiển chiếc máy bay, có lẽ ông ta không biết về sự trao đổi tín hiệu đó.
Cố tình không tìm được máy bay?
Theo luật quốc tế, Malaysia chịu trách nhiệm điều tra vụ mất tích của MH370. Úc được yêu cầu trợ giúp và nước này đồng ý phụ trách cuộc tìm kiếm đầu tiên, sự khó hiểu cũng bắt đầu từ đây.
Tại sao ATSB khoanh vùng tìm kiếm dựa trên kịch bản phi công ngất xỉu trong khi vô số bằng chứng cho thấy cơ trưởng Zaharie không tặc chiếc máy bay? Cơ quan này liên tục từ chối phản hồi các ý kiến của giới phi công chuyên nghiệp bao gồm cơ trưởng Simon Hardy (hãng British Airways) và Mike Keane (easyJet).
Theo tính toán của họ, trong kịch bản Zaharie điều khiển máy bay, MH370 phải nằm xa hơn về phía tây nam so với vùng tìm kiếm của ATSB.
Viên cơ trưởng này hẳn đã tính toán rất kỹ nhằm tránh bị phát hiện (tắt radar dự phòng, ngắt liên lạc, bay theo một tuyến khác thường sâu vào vùng biển hẻo lánh...). Việc sai viên phi công phụ làm việc lặt vặt bên ngoài buồng lái cũng nằm trong kế hoạch.
Các chuyên gia hàng không nghi Zaharie đã giảm áp suất trong cabin, đẩy hành khách vào giấc ngủ sâu và cuối cùng là cái chết do thiếu oxy. Điều này ngăn cản mọi người liên lạc qua điện thoại với mặt đất khi máy bay bay ngang qua Malaysia.
Khi tất cả đã chết, Zaharie chỉ đơn giản điều chỉnh lại áp suất và bay nốt quãng còn lại của hành trình trong sự thoải mái.
Thực tế, thông tin do Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã tìm thấy từ phần mềm giả lập bay trong máy tính của Zaharie cho thấy ông này đã vạch ra trước một đường bay tương tự, chứng tỏ một sự chuẩn bị rất kỹ từ đầu đến cuối.
Để chiếc MH370 "biến mất" hoàn toàn, Zaharie đã không để nó rơi từ độ cao vài ngàn mét với vận tốc 1.000km/h xuống mặt biển, cú rơi sẽ tạo ra vô số mảnh vụn trôi trên mặt nước suốt nhiều tháng sau.
Nhà khoa học Anh Robin Stevens, một nhà điều tra độc lập vụ MH370, tính toán thời gian MH370 hết nhiên liệu trùng hợp với lúc mặt trời mọc tại khu vực đó. Nó có nghĩa Zaharie đã hạn chế tối thiểu ánh sáng để tránh bị phát hiện bởi tàu thuyền, nhưng vẫn đủ tầm nhìn cho một cú rơi có kiểm soát.
Thân nhân hành khách trên chuyến bay MH370 kỷ niệm 4 năm ngày máy bay mất tích ở Kuala Lumpur - Ảnh: REUTERS
Theo ý kiến chung của nhiều chuyên gia hàng không kỳ cựu, từ những phân tích trên, một động cơ sâu thẳm và đen tối hơn bắt đầu lộ diện. Một vài người thậm chí không ngần ngại đã chỉ ra rằng Malaysia không có lợi gì trong chuyện tìm thấy MH370.
Trách nhiệm pháp lý và các hậu quả chính trị sẽ vô cùng lớn nếu người ta chứng minh cơ trưởng MH370 tỉ mỉ lên kế hoạch không tặc và giết chết 238 người. Thậm chí bây giờ đã đủ bằng chứng để khởi động một cuộc điều tra hình sự quy mô.
Nếu cuộc tìm kiếm mở rộng về phía bắc của công ty Ocean Infinity không mang lại kết quả nào (dự kiến tháng 6 hoặc 7), chính phủ Malaysia sẽ cớ để công bố báo cáo cuối cùng và đóng lại hồ sơ.
Việc Ocean Infinity bám lấy lập trường của ATSB đã dự báo trước một cuộc tìm kiếm vô ích.
Nhà điều tra độc lập Dawna Kaufmann nhận xét bây giờ chỉ mong có một chính trị gia đủ can đảm bước ra lật tung mọi thứ thì thân nhân các hành khách trên chuyến MH370 mới mong có được một cuộc điều tra đàng hoàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận