Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Myanmar Htin Kyaw và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith (từ trái qua) tại phiên khai mạc (25-10) Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về Mekong tại Hà Nội - Ảnh: QUỲNH TRUNG |
Ông Richard Samans - thành viên ban điều hành WEF đồng thời là người điều phối phiên khai mạc hội nghị - cho rằng có cơ hội lớn để kết nối các kỹ năng, nguồn lực và cấu trúc khác nhau ở khắp khu vực Mekong và biến nó thành những sự kết nối mới đầy sức mạnh.
Đó là lý do tại sao chủ đề của phiên khai mạc là “Tìm kiếm sự hiệp lực: Các lãnh đạo khu vực chia sẻ tầm nhìn về Mekong”.
Tìm kiếm sự hiệp lực
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thông qua Hội nghị WEF về khu vực Mekong lần này, Việt Nam mong muốn các nước, các doanh nghiệp Mekong đối thoại với các doanh nghiệp WEF về các ý tưởng, biện pháp tăng cường đối tác công tư, phát triển hợp tác kinh doanh, đầu tư mang lại lợi ích cho tất cả các bên.
Theo Thủ tướng, các nước Mekong xác định mục tiêu phát triển trở thành một khu vực hòa bình, ổn định về an ninh - chính trị, năng động và kết nối về kinh tế, bền vững về môi trường và hài hòa về xã hội. Và để hiện thực hóa mục tiêu này, Thủ tướng đề xuất một số nội dung.
Đầu tiên, các nước Mekong cùng các đối tác trong và ngoài khu vực cần tiếp tục đẩy mạnh kết nối giao thông trên các hành lang kinh tế tiểu vùng như hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế phía Nam...
Thứ hai, các nước Mekong cùng với các nước ASEAN cần hợp tác tạo thuận lợi cho lưu chuyển thương mại, đầu tư và du lịch qua biên giới, đơn giản hóa và hài hòa quy trình, thủ tục trên các tuyến hành lang kinh tế.
Thứ ba, các nước Mekong không thể chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giản đơn, mà cần mở rộng đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.
Thứ tư, phát triển bền vững và bao trùm phải là mục tiêu hàng đầu trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu cùng với hoạt động khai thác thiếu bền vững nguồn nước sông Mekong, đang đặt ra thách thức lớn đối với môi trường, an ninh lương thực và phát triển bền vững của khu vực Mekong, bao gồm cả đồng bằng sông Cửu Long - nơi đang xuất khẩu khoảng 7-8 triệu tấn gạo hằng năm.
Tổng thống Myanmar Htin Kyaw cho rằng dù ngày nay, các quốc gia Mekong đang mở cửa nhanh chóng, thực hiện cải cách dưới nhiều hình thức khác nhau và hưởng lợi của đầu tư và thương mại xuyên biên giới nhưng vẫn còn nhiều thách thức, bao gồm nâng cấp cơ sở hạ tầng, kỹ năng phát triển và xây dựng năng lực, nâng cao năng suất và sự cạnh tranh, giảm khoảng cách phát triển giữa các quốc gia láng giềng.
Một vấn đề khác chính là bảo đảm các quốc gia Mekong khai thác dòng sông Mekong một cách cùng có lợi để duy trì sự phát triển bền vững cho tất cả.
Vừa bổ sung, vừa cạnh tranh
Trong khi đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết ông nhìn thấy khu vực Mekong có tiềm năng trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu và khu vực trong những thập kỷ tới, có thể mang lại các lợi ích phù hợp cho các quốc gia liên quan về chuỗi cung ứng và giá trị. Việc liên kết các mạng lưới sản xuất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển công nghệ thông qua vai trò được dẫn dắt bởi các nền công nghiệp dẫn đầu như Thái Lan và Việt Nam.
Theo ông Hun Sen, 5 quốc gia ở khu vực Mekong phải chú trọng duy trì hòa bình và ổn định khu vực và đó là ưu tiên quan trọng nhất.
Trong phần thảo luận sau đó, người điều phối Richard Samans đặt câu hỏi cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Sự phát triển năng động và nhanh chóng của Việt Nam đem lại lợi ích nào cho các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam - PV) và các nước Mekong?
Quan trọng hơn nữa là ngài Thủ tướng nhìn nhận như thế nào về các lợi thế mang tính bổ sung, bổ trợ lẫn nhau giữa các nước Mekong?”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết các nước Mekong vừa có sự hợp tác, vừa có sự bổ sung cho nhau, vừa có sự cạnh tranh lành mạnh.
Ví dụ, các nước Mekong đều có lợi thế sản xuất và xuất khẩu gạo, dệt may, da giày, thủy sản... Những điểm chung này là cơ sở để hợp tác nâng cao chất lượng, giá trị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chia sẻ quan điểm với Thủ tướng Hun Sen là khu vực Mekong nằm giữa hai thị trường khổng lồ là Trung Quốc và Ấn Độ, điều này là lợi thế để các nước CLMV đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông thủy sản sang Trung Quốc và Ấn Độ.
Tiềm năng lớn về du lịch Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ tại sao các công ty nước ngoài lại quan tâm đến khu vực Mekong, ông Tony Fernandes - chủ Hãng hàng không giá rẻ AirAsia - cho biết ngoài việc có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực ASEAN, Mekong còn có rất nhiều tiềm năng về du lịch khi người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới chưa có dịp nhìn thấy khu vực này. “Trong vài tháng vừa qua, tôi đã đến Hội An, Đà Nẵng, TP.HCM và Hà Nội. Chúng tôi nhìn thấy những cơ hội khổng lồ về phát triển du lịch. Ngoài ra còn có cơ hội khổng lồ dành cho các doanh nghiệp sản xuất. Chúng ta thấy rất nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ Mekong. Tôi cũng đã mua rất nhiều sản phẩm thực phẩm từ khu vực này cho hãng hàng không của chúng tôi” - vị doanh nhân người Malaysia nói. |
Hội nghị WEF về Mekong là sáng kiến của Việt Nam được WEF và các nước Mekong ủng hộ. Với chủ đề tổng thể “Phát triển khu vực Mekong: đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và kết nối”, hội nghị gồm 5 phiên họp tập trung thảo luận nhiều vấn đề về phát triển và hội nhập của các nước Mekong như tầm nhìn, định hướng phát triển khu vực Mekong, huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, du lịch, thúc đẩy công nghiệp hóa và phát triển bền vững trong khu vực Mekong trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận