Sơ chế thanh long xuất khẩu đi Nhật Bản tại Công ty Goodlife (Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM) |
Dù xuất khẩu trái cây VN năm sau cao hơn năm trước nhưng tình trạng ùn ứ, dư thừa vẫn thường xảy ra. Ngay những loại trái cây như thanh long, vải, xoài... đã xuất khẩu được vào các thị trường khó tính cũng không phải là ngoại lệ.
Từ khi thị trường Mỹ mở cửa cho trái thanh long VN vào năm 2008, đã có thêm nhiều thị trường mới mở ra và nhiều loại trái cây tươi của VN đã vào được các siêu thị tại Mỹ, Nhật, EU...
Năm 2015 trái vải VN có thêm hai thị trường khó tính là Mỹ và Úc. Tuy nhiên, để trở thành một nguồn tiêu thụ đối trọng với các thị trường lớn khác như Trung Quốc thì không phải dễ. Dù tăng trưởng liên tục nhưng số lượng xuất khẩu trái cây vào các thị trường này vẫn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.
Tăng nhanh nhưng số lượng nhỏ
Giữa cái nắng gay gắt đầu tháng 5, ông Tôn Cẩm Huy (Châu Thành, Tiền Giang) đang tất bật cùng công nhân phân loại những trái thanh long vừa hái ngoài trang trại để kịp chuyển lên TP.HCM. Đây là lô hàng mà ông Huy cung cấp cho một đơn vị xuất khẩu đi Mỹ.
Những trái thanh long được chọn phải có vẻ ngoài bắt mắt với những chiếc tai to và dày (đặc điểm mà khách hàng tại Mỹ ưa chuộng) và có trọng lượng 450 - 750 gam/trái.
Cách đây hơn bốn năm, ông Huy được một công ty xuất khẩu cho biết đang cần nguồn thanh long chất lượng cao để xuất khẩu đi Mỹ.
Sau khi tìm hiểu, ông Huy nhận thấy trồng thanh long đi Mỹ không vất vả hơn nhiều so với thanh long thường, chỉ phải thực hiện đúng cam kết không sử dụng các loại hóa chất mà phía Mỹ cấm cũng như công nhân làm vườn phải ghi nhật ký canh tác hằng ngày.
Công nhân phải có kỹ thuật chăm sóc để tai của trái thanh long vừa to vừa dày mới được thị trường Mỹ chấp nhận. Ngược lại, thanh long xuất đi Mỹ bán được giá cao hơn khoảng 5.000 đồng/kg so với hàng Trung Quốc.
Sau khi trồng thử 1ha tại huyện Châu Thành có hiệu quả, ông Huy tiếp tục mở rộng trang trại, hiện đã có gần 7ha thanh long.
“Hiện tôi đang bán cho đơn vị xuất đi Mỹ với giá 23.000 đồng/kg tại vườn, nhưng bán cho thương lái đưa đi Trung Quốc giỏi lắm được 17.000 đồng/kg. Nhu cầu của khách hàng vẫn còn mà mình làm không xuể vì không đủ lực để quản lý nên không dám mở rộng” - ông Huy cho biết.
Chiều 2-5, tại kho sơ chế và đóng gói thanh long của Công ty Hugo ở huyện Bình Chánh, hàng chục công nhân đang hối hả dỡ thanh long từ những chiếc cần xé để đưa vào khu rửa và hong khô trước khi đưa vào khu đóng gói, bảo quản. Còn phải trải qua công đoạn chiếu xạ ở nhà máy chiếu xạ nữa những trái thanh long này mới đủ điều kiện xuất khẩu đi Mỹ.
Ông Vương Đình Khoát, tổng giám đốc Công ty Hugo, cho biết hiện xuất khẩu thanh long bằng đường hàng không cho khách hàng Mỹ đang tăng lên nhanh chóng. Nếu như trước đây công ty xuất khẩu khoảng hai container mỗi tháng thì hiện nay đã lên đến trên 40 container mỗi tháng.
“Ngoài trang trại tự đầu tư, chúng tôi phải liên kết với một số hộ dân trong vùng mới có đủ thanh long để xuất khẩu” - ông Khoát nói. Dự kiến năm 2015 Công ty Hugo sẽ xuất khẩu trên 400 tấn thanh long đi Mỹ.
Xuất khẩu thanh long nói riêng và trái cây vào các thị trường khó tính nói chung đã tăng nhanh trong những tháng đầu năm nay.
Số liệu từ Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (đơn vị phụ trách quản lý chất lượng trái cây xuất khẩu vào thị trường khó tính của Cục Bảo vệ thực vật) cho thấy tính từ đầu năm đến ngày 15-4, các doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu trên 1.746 tấn thanh long, chôm chôm, xoài và nhãn vào Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, tăng mạnh so với cùng kỳ.
Từ năm 2008 đến nay (khi thị trường khó tính đầu tiên là Mỹ mở cửa), xuất khẩu trái cây tươi của VN vào nhóm các thị trường này đều tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu sang các thị trường này vẫn chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với tổng sản lượng trái cây xuất khẩu.
Doanh nhân Mike Dodds đến tận vườn nhãn ở Đồng Tháp để tìm mua hàng xuất khẩu về Anh - Ảnh: Trần Mạnh |
Cần giải pháp đột phá
Sau khi đã có hợp đồng dài hạn xuất khẩu chôm chôm vào thị trường Anh, ông Phùng Văn Hiền, giám đốc Công ty xuất khẩu Trái cây nhiệt đới (Bến Tre), đang tìm hiểu xuất khẩu loại trái cây này và trái nhãn sang thị trường Mỹ.
Dù biết trái cây VN nhiều loại thơm ngon hơn của Thái Lan nhưng để xuất khẩu vào các thị trường mà hàng Thái đã có mặt, doanh nghiệp cũng phải cẩn trọng.
“Hiện tôi đang nhờ người quen sang Thái tìm hiểu tình hình mùa vụ của họ để biết cách mà né, chứ hàng VN mình sao cạnh tranh được với hàng Thái khi họ thu hoạch chính vụ” - ông Hiền cho biết.
Các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây VN cho biết Thái Lan đã có kinh nghiệm xuất khẩu trái cây trước VN hàng chục năm. Họ đầu tư rất bài bản cho mẫu mã, chủng loại bao bì phù hợp với từng thị trường cụ thể.
Các doanh nghiệp và Chính phủ Thái Lan cũng liên kết chặt chẽ với nhau để quảng bá các loại trái cây trọng điểm của họ tại các thị trường cụ thể để người tiêu dùng hiểu và sử dụng nhiều thêm sản phẩm trái cây Thái Lan. Nhưng điều quan trọng nhất, Thái Lan có hẳn một chương trình trọng điểm quốc gia về xuất khẩu trái cây.
Theo đó, họ hỗ trợ tới 50% cước phí vận chuyển bằng đường máy bay cho các lô hàng trái cây tươi của doanh nghiệp để giảm giá bán. “Trong xuất khẩu trái cây bằng đường hàng không, cước phí chiếm một phần rất lớn nên những ưu đãi này của Chính phủ Thái Lan đã tạo cho doanh nghiệp của họ lợi thế cạnh tranh rất lớn với các đối thủ khác” - ông Hiền cho biết.
Còn ông Vương Đình Khoát cho rằng do Trung Quốc mỗi năm nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn thanh long của VN nên đa số nhà vườn thanh long tại VN đều trồng theo tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Trung Quốc, tức là mạnh ai nấy trồng thay vì có những quy trình kiểm soát chất lượng cụ thể.
Đến khi Trung Quốc tạm ngưng mua nông dân không biết bán đi đâu. “Có những lúc chúng tôi không đủ hàng để xuất khẩu sang Mỹ nhưng ở Bình Thuận nông dân đổ thanh long ra đường” - ông Khoát nhớ lại vụ thanh long hồi giữa năm ngoái.
Tuy nhiên, ông Khoát cũng thừa nhận để nâng số lượng bán hàng cho Mỹ từ vài ngàn tấn lên vài chục ngàn tấn mỗi năm là hết sức khó khăn mà chỉ riêng doanh nghiệp không thể làm nổi.
Hiện thanh long và chôm chôm đã vào được các siêu thị tại Mỹ, nhưng chủ yếu vẫn phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng gốc châu Á.
“Cần phải có những kế hoạch quảng bá bài bản, kết hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp để người tiêu dùng các thị trường khó tính chấp nhận sử dụng những loại trái cây VN” - ông Khoát cho hay.
Sau khi lựa chọn được gần một nửa số hàng đủ tiêu chuẩn giao cho doanh nghiệp xuất khẩu đi Mỹ, ông Huy gom số hàng còn lại rồi điện thoại cho một thương lái quen đến mua xô.
“Chỉ 50-60% số trái thanh long thu hoạch đợt này đủ tiêu chuẩn làm hàng đi Mỹ, còn lại vẫn phải bán cho các công ty xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc thương lái xuất khẩu sang Trung Quốc. Mùa khô kết quả còn vậy chứ đến mùa mưa thì lượng hàng đủ tiêu chuẩn đi Mỹ còn ít hơn nhiều do nhiều dịch bệnh” - ông Huy cho biết.
Cơ cấu xuất khẩu trái cây VN rất mất cân đối giữa thị trường cao cấp và thị trường trung cấp, trong đó thị trường Trung Quốc vẫn chiếm đến 70 - 80%. Đa số trái cây xuất sang Trung Quốc đều theo đường tiểu ngạch và không có hợp đồng rõ ràng, tiềm ẩn rủi ro cho cả doanh nghiệp và người trồng. Trong khi đó tại các thị trường cao cấp, trái cây VN cũng không dễ tăng thị phần do cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu khác đã có hàng chục năm kinh nghiệm như Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Ấn Độ... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận