Kỳ 1: Kỳ 2:
Phóng to |
Ông Trương Minh Du bắt đầu hành trình tìm cha từ năm 1975 - Ảnh: Quốc Việt |
Gương mặt hằn dấu cuộc đời đã ngả bóng chiều ở tuổi 80 của ông Trương Minh Du vẫn không kìm được nỗi buồn khi nhắc kỷ niệm người cha liệt sĩ. Suốt từ ngày tập kết ra Bắc năm 1954, ông không ngừng ngóng vọng hình bóng cha theo đoàn quân Nam tiến. Rồi khi biết tin cha đã hi sinh, ông vẫn đau đáu mong ngày được nhìn lại cha dù chỉ là nắm xương tàn...Cha phương Nam, con đất Bắc
Bần thần hồi tưởng quá khứ, ông Du kể quê hương mình ở xứ Huế nắng cháy da và mưa dầm nhão đất. Người cha liệt sĩ Trương Minh Thuyên của ông đã xuôi Nam từ năm 1944 khi con vừa tròn 10 tuổi. Khi đi, cha chỉ nói với mọi người là vô Nam làm ăn. Nhưng sự thật cha đã âm thầm theo đoàn quân đi kháng chiến chống Pháp. Thời kỳ đó, chuyện quốc sự cách mạng phải thật bí mật, để lộ ra người nhà sẽ rất khổ.
Ông Thuyên cứ thế biền biệt hút bóng, không một lần được về thăm vợ con. Thời kỳ khó khăn, người bác phải phụ nhận nuôi ông Du. Rồi đến ngày tập kết, họ ngược ra đất Bắc trong lúc tin ông Thuyên hi sinh hay mất tích đâu đó ở miền Nam cũng lan về. Bà nội ông Du ở Huế thương xót con, khăn gói đi tìm rồi cũng biệt tăm trong thời loạn lạc. Suốt 20 năm chiến tranh chia lìa Nam - Bắc, ông ở Hà Nội nhưng vẫn luôn cố gắng tìm kiếm thông tin cha. Có đoàn nào từ Nam ra, ông đều tìm cách dò hỏi thông tin về các trận đánh của người cha Trương Minh Thuyên. Hầu hết đều ái ngại lắc đầu, nhưng một số thông tin cũng lờ mờ cho biết hình như ông Thuyên đã hi sinh trong lúc giao tranh với quân Pháp từ năm 1954 ở chiến trường miền Nam.
Ngậm ngùi với thông tin ít ỏi này, ngay sau ngày đất nước thống nhất, ông Du bắt đầu nỗ lực tìm cha. Ông đi dọc từ Quảng Trị vào, gặp quản trang liệt sĩ, đơn vị quân sự nào cũng dò hỏi tên Trương Minh Thuyên. Thời kỳ khó khăn, những chuyến đi tìm cha của ông đều phải cố gắng rất lớn với những tháng ngày ăn nhờ ở đậu khắp nơi. Một hôm, ông nhận được thông tin hình như bà nội và cha ông đã gặp nhau và có thời gian ở làng Vĩnh Hi. Sau ngày hòa bình, việc sáp nhập địa phương, thay đổi địa danh làm mọi thứ xáo trộn. Ông Du lại mới biết miền Nam từ sau ngày 30-4-1975, việc tìm kiếm một cái làng nào đó mà không rõ huyện, tỉnh là cực kỳ khó khăn.
Ông cứ mỏi mòn đi tìm, đi tìm và không ngừng hi vọng...
Phóng to |
Gia đình ông Du xin mẫu hài cốt để giám định ADN - Ảnh tư liệu gia đình |
Trả lại tên cho cha
Một ngày ông tìm đến tỉnh Thuận Hải (Ninh Thuận và Bình Thuận bây giờ). Người cán bộ địa phương nghe ông hỏi làng Vĩnh Hi thì ồ lên: “Chắc anh đến đúng rồi. Gần Phan Rang có làng biển Vĩnh Hi đẹp lắm. Nghe kể có nhiều người miền ngoài vào lập nghiệp”. Ông Du nghẹn mừng, theo chỉ dẫn của anh ta tìm đến làng Vĩnh Hi. Suốt nhiều ngày nán lại đây, ông dò hỏi tên bà nội và cha. Nhiều người đều lắc đầu không biết, nhưng nói có một bà cụ người Huế đã ở và mất tại làng này.
Đến một buổi chiều ông Du đi ngang qua ngôi nhà nằm khuất sau rặng phi lao. Tự nhiên ông có linh cảm kỳ lạ như ai đó níu chân mình lại. Lát sau, người nhà đi ra cũng ngỡ ngàng nhìn ông. Cảm giác ngờ ngợ thân quen. Khi ông vừa nhắc tên Thuyên, người nhà liền ồ lên xúc động: “Ông Thuyên, tức ông Thợ Mười, đã từng ở đây mà”. Họ nói nhìn ông rất quen vì có gương mặt giống người xưa. Một cựu chiến binh ở làng từng đi tù Côn Đảo cũng kể đã hoạt động cách mạng với “anh Thợ Mười, người Huế”. Ông xúc động hỏi tên thật Thợ Mười, người đó trả lời chính xác là Trương Minh Thuyên!
Ông Du ứa nước mắt mừng vì lần được bước đường cha đi. Nhưng dấu vết tới đây lại đứt đoạn. Người cựu chiến binh bị đi đày, mất liên lạc bạn. Ông Thuyên sau cũng rời làng đi. Dọc dài đất nước tìm cha không biết bao nhiêu lần, đến được đây lại rơi vào ngõ cụt, ông Du ngậm ngùi về lại Hà Nội!
Cha vẫn biệt tăm...
Nỗ lực tìm cha gần như tuyệt vọng, nhưng ông Du vẫn không nguôi ấp ủ. Bất cứ khi nào có điều kiện, ông lại lần dò tìm kiếm. Con ông lớn lên cũng góp sức tìm ông nội cùng cha. Họ sưu tra tài liệu, hỏi han khắp nơi, kể cả những người được cho là có năng lực đặc biệt trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ... Một ngày đầu năm 2010, tức sau 35 năm, ông Du đã ròng rã đi tìm cha, bất ngờ một người quen báo cho ông biết hài cốt cha ông có thể đang nằm ở nghĩa trang liệt sĩ liên huyện Châu Thành, Tân Trụ, tỉnh Long An...
Bồi hồi nhớ kỷ niệm này, ông Du xúc động: “Mình như người mò mẫm trong đêm tối, có ánh sáng le lói nào thì bám vào để không tắt hi vọng. Cha đã hi sinh từ thời kháng Pháp, nếu để lâu quá chẳng biết còn gì nữa mà tìm!”. Ông Du cùng vợ và các con lại tất tả vào Nam. Họ đến nghĩa trang liệt sĩ Châu Thành, Tân Trụ, nhờ cô quản trang dẫn ra mộ được chỉ báo. Mọi người đang khấp khởi hi vọng thì nghẹn lại khi thấy tấm bia đề liệt sĩ chưa xác định được tên tuổi. Bóng cha biệt tăm suốt từ năm 1944 đến đây lại chừng rơi vào bóng tối!
Ông Du lên phòng lao động - thương binh và xã hội huyện, rồi sở trình bày trường hợp cha mình. Ở Long An đúng là có trận đánh năm 1954 tại khu vực miếu Bà Cố ở huyện Châu Thành, mà ông Du phong thanh nghe cha mình có tham chiến. Khi hỏi người già ở địa phương thì ba người xác nhận thông tin có liệt sĩ giống Trương Minh Thuyên trong trận đánh này. Đặc biệt, một bà cụ khi nhìn thấy ông Du cũng ngỡ ngàng kể từng biết anh lính Huế rất giống ông đã ở đây. Tuy nhiên cũng có người lại kể các thông tin mâu thuẫn...
Cuối cùng, ông Du đề nghị xin lấy mẫu hài cốt ở ngôi mộ đã được chỉ báo để giám định ADN. Khi nắp mộ mở ra, không ai kìm được nước mắt khi nhìn người yên nghỉ chỉ còn nắm xương bạc màu. Cũng may những chiếc răng hàm vẫn còn nguyên vẹn, phần hài cốt mà ông Du được các nhà giám định ADN hướng dẫn nên lấy mẫu vì nó bền nhất. Ông Du khấn vái trước mộ: “Nếu đúng là cha thì gia đình nhà mình được đoàn tụ. Còn nếu không thì sẽ xin trả lại phần hài cốt đã mạo phạm, để tạ lỗi vong linh liệt sĩ nào đó đang nằm dưới”.
Mang ba răng hàm của hài cốt đến trung tâm phân tích di truyền Gentis ở Hà Nội, ông xin giám định ADN xác định huyết thống. Phó giám đốc Ngô Đức Phương ra tiếp và khẳng định sẽ làm hết mình cho liệt sĩ. Do hài cốt đã lâu trong điều kiện môi trường tác động nhiều nên phải giám định ADN ty thể theo dòng mẹ. Mẫu xét nghiệm đối chứng là móng tay người con của chị liệt sĩ Thuyên để xác định huyết thống theo dòng mẹ ông Thuyên truyền xuống...
Suốt gần tháng sau, ông Du mất ăn mất ngủ đợi kết quả. Nếu không phải thì quá ngậm ngùi vì hành trình tìm cha của ông đã đằng đẵng hàng chục năm. Ông giờ cũng đã về chiều ở tuổi 80 rồi, chắc không thể còn tìm kiếm được nữa!
Kết quả: chính xác! Cả nhà vỡ oà hạnh phúc. Ông tâm sự cả gia đình nước mắt cứ rơi, khi được đặt bia cha liệt sĩ Trương Minh Thuyên lên ngôi mộ đã hàng chục năm im lìm dưới dòng chữ không tên!
_____________
ADN đã nối lại nhịp cầu đoàn tụ nhưng nhiều trường hợp cũng cho kết quả không chính xác huyết thống, kể cả trường hợp đã nhận hài cốt về lập mộ, thờ cúng. Thật ngậm ngùi nhưng dù sao cũng an ủi là không để sự nhầm lẫn tiếp diễn...
Kỳ tới: Những kết luận ngậm ngùi!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận