Một phụ nữ chỉnh khẩu trang cho con khi đến nhà ga Hán Khẩu để đón chuyến tàu đầu tiên rời Vũ Hán ngày 8-4 - Ảnh: AFP
Giữa tháng 3, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo nước này đã qua đỉnh dịch COVID-19, với số ca nhiễm mới liên tục ít đi. Còn Hàn Quốc, từng là một trong những điểm nóng với hơn 10.300 ca nhiễm, nay đã kiểm soát được tình hình.
Xác định cuộc chiến trường kỳ còn phía trước đến khi thế giới tìm được văcxin và thuốc điều trị, hai quốc gia Đông Bắc Á này đã có những điều chỉnh phù hợp sau khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch.
Chỉ cần cả thế giới chưa kết thúc (dịch) thì Trung Quốc sẽ chưa kết thúc.
Trang Liên Hợp Tảo Báo ngày 8-4 dẫn lời ông Tăng Quang
Tạo ra những thay đổi bền vững
Tại Trung Quốc, cuộc sống dần trở lại bình thường, với cột mốc đáng chú ý nhất là dỡ bỏ phong tỏa tâm dịch Vũ Hán ngày 8-4. Gần đây, nhiều cửa hàng ở Vũ Hán đã mở lại và thường dựng các quầy hàng ở phía trước để khách hàng có thể mua rau củ, rượu, thuốc lá và nhiều hàng hóa khác mà không phải bước vào bên trong. Ở Bắc Kinh, chính quyền yêu cầu tăng cường quản lý công tác phòng chống dịch ở các nhà hàng, quán bar…
Tại Hàn Quốc, theo kênh NBC News, người ta đã nhìn thấy nhiều người đứng xếp hàng bên ngoài các quán ăn trong suốt giờ ăn trưa, những con phố cũng đông trở lại, có một số người đeo khẩu trang và một số người không đeo.
Tuy nhiên, người dân vẫn được khuyên duy trì cảnh giác. "Ngay lúc này, mối nguy hiểm lớn nhất của chúng ta chính là trở nên tự mãn" - giáo sư Ki Moran đến từ Trung tâm Ung thư quốc gia Hàn Quốc nhắc nhở.
Giáo sư Ki cho biết Hàn Quốc đang vạch ra các kế hoạch và nỗ lực tìm ra những cách để Hàn Quốc có thể thực hiện "giãn cách mỗi ngày", nhằm tạo những thay đổi mang tính bền vững hơn trong lối sống thường ngày so với các biện pháp tạm thời.
Chẳng hạn, thay vì cho tất cả trẻ em đến trường cùng lúc, thì biện pháp thay thế là cho một nửa học qua mạng và một nửa học ngoài đời thực để giảm số học sinh trong lớp. Trong khi đó, bàn ăn trưa cho học sinh sẽ được xếp theo hình dích dắc thay vì sát nhau như trước đây.
"Chúng ta không thể trì hoãn toàn bộ hệ thống giáo dục trong một năm. Việc hi vọng sẽ phát triển được văcxin sớm là quá lạc quan. Chúng ta phải nhìn nhận thực tế và lên kế hoạch" - bà Ki nói.
Một ví dụ khác cho thấy Hàn Quốc đang tìm cách "sống chung với lũ" ra sao: ngày 15-4 tới, hàng chục triệu người Hàn Quốc sẽ bỏ phiếu để bầu ra các thành viên tại Quốc hội gồm 300 ghế. Hàn Quốc vẫn xúc tiến bỏ phiếu, bất chấp nhiều nước như Anh và Ethiopia đã hoãn các cuộc bầu cử do COVID-19.
Tuy nhiên, để thích nghi tình hình, Ủy ban Bầu cử quốc gia Hàn Quốc cho biết sẽ thường xuyên khử trùng tất cả 14.330 điểm bỏ phiếu, kiểm tra thân nhiệt tại các cửa ra vào, yêu cầu đeo khẩu trang, bao tay, đứng cách xa nhau khi xếp hàng… Nhiều cử tri nhiễm bệnh sẽ bỏ phiếu qua thư điện tử.
Chưa phải chiến thắng cuối cùng
Báo New York Times ngày 8-4 đã có bài viết về tình hình tại Trung Quốc với tiêu đề: "Trung Quốc kết thúc lệnh phong tỏa Vũ Hán, nhưng cuộc sống bình thường là giấc mộng xa vời". Trang Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc cũng cảnh báo người dân không ăn mừng quá sớm vì ngày dỡ bỏ phong tỏa Vũ Hán "không đánh dấu chiến thắng cuối cùng".
"Việc mở lại Vũ Hán không có nghĩa là dỡ bỏ mọi báo động và cũng không có nghĩa là nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch" - La Bình, một quan chức tham gia chống dịch ở Vũ Hán, nêu rõ.
Các quan chức Trung Quốc cho biết dù đã dỡ phong tỏa, nhiều biện pháp khắt khe vẫn sẽ duy trì. Chẳng hạn những người dân có mã xanh trên điện thoại di động - tức cho thấy khỏe mạnh - mới được phép quay lại làm việc. Nhiều thành phố khác đang tăng cường ngăn chặn các ca nhiễm "nhập" từ nước ngoài và tình trạng lây bệnh từ các ca không biểu hiện triệu chứng.
Ông Tăng Quang, nhà dịch tễ học hàng đầu tại Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, nhận định Trung Quốc vẫn chưa chứng kiến sự kết thúc của dịch COVID-19, mà chỉ là "bước vào một giai đoạn mới".
Phó giáo sư Jason Kindrachuk đến từ Đại học Manitoba ở Canada nhận định thật khó để biết được cuộc sống thường ngày sẽ trở lại bình thường như thế nào, cho đến khi bào chế được văcxin và cho đến khi chính phủ các nước biết được mức độ miễn dịch trong cộng đồng dân cư của họ.
"Mối lo với virus này chính là nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội ra sao để bạn không (vô tình) tái châm ngòi cho tình trạng lây lan của virus và rồi quay về điểm xuất phát chống dịch" - ông chia sẻ.
Số ca nhiễm ở Đông Nam Á vượt mốc 15.000
Tổng số ca nhiễm ở các nước Đông Nam Á đã vượt mốc 15.000 người sau khi có thêm hàng trăm ca nhiễm mới ở Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Số ca nhiễm của khu vực hiện nay là 15.335 người.
Bộ Y tế Indonesia ngày 8-4 cho biết đã có thêm 218 ca nhiễm mới tại nước này trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.956 người, trong đó có 240 người chết và 222 người hồi phục. Nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực - Malaysia tiếp tục là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á với tổng số ca nhiễm tính tới ngày 8-4 là 4.119 người.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nhanh ngẫu nhiên một người dân ở thủ đô Jakarta của Indonesia ngày 8-4 - Ảnh: AFP
Trong một thông báo ngày 8-4, Bộ Y tế Philippines cũng cho biết dịch bệnh đã cướp thêm 5 sinh mạng ở nước này, nâng tổng số ca tử vong ở Philippines lên 182 người. Tổng số ca nhiễm tại Philippines hiện đang ở con số 3.870 người, chỉ xếp sau Malaysia.
Tại Thái Lan, 3 ca tử vong mới ghi nhận tới trưa 8-4 đều là người nước ngoài, nâng tổng số ca tử vong lên con số 30. Tổng số ca nhiễm tại xứ chùa tháp là 2.369 người, trong đó có 888 người đã khỏi bệnh và cho xuất viện. Chính phủ Thái Lan đang áp dụng các biện pháp chống dịch mạnh tay, ngoài ban bố giờ giới nghiêm, nhà chức trách cũng quyết định siết chặt việc kiểm soát đi lại vào các thành phố lớn. Điển hình như Pattaya, chỉ những ai có giấy tờ đang làm việc hoặc sống tại thành phố này mới được phép đi qua các chốt kiểm soát. (BẢO DUY)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận