14/11/2016 12:02 GMT+7

Tìm cách phát triển bứt phá

MAI HƯƠNG thực hiện (maihuong@tuoitre.com.vn)
MAI HƯƠNG thực hiện ([email protected])

TTO - Bên lề Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới, GS.TS Nguyễn Đức Khương, 38 tuổi, đang công tác tại CH Pháp, trao đổi với Tuổi Trẻ một số giải pháp xây dựng phát triển đất nước và TP.HCM.

GS.TS Nguyễn Đức Khương - Ảnh: THUẬN THẮNG
GS.TS Nguyễn Đức Khương - Ảnh: THUẬN THẮNG
“Theo tôi, hiện nay trí thức, chuyên gia của Việt Nam được đào tạo tốt, càng ngày càng dành sự quan tâm nhiều đến vận mệnh đất nước. Chúng tôi ý thức rõ Việt Nam là nơi mà mình có trách nhiệm phải đóng góp, chia sẻ cho sự phát triển 
GS.TS NGUYỄN ĐỨC KHƯƠNG

Ông Khương nói: “Thời gian làm việc với các sở ngành, cơ quan nhà nước tại TP.HCM của chúng tôi chưa nhiều nhưng trong cảm nhận của tôi cũng như nhiều anh chị em người Việt Nam ở nước ngoài, quyết tâm của TP.HCM là rất lớn và ấn tượng.

Lãnh đạo thành phố đang rất mong muốn xây dựng và triển khai nhiều dự án quan trọng để nâng cao chất lượng sống của người dân. Tôi cho đó là hướng đi đúng.

Nhìn thấy quyết tâm này, đồng cảm và nhận thấy khả năng có thể đóng góp công sức, chúng tôi đã chủ động liên hệ với Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và UBND TP.HCM để đề xuất một số việc cần thiết nhằm kết hợp nguồn lực trong và ngoài nước để giúp thành phố tiến nhanh hơn”.

Bứt phá để phát triển

* Ông có thể nói rõ hơn về các lĩnh vực hợp tác với TP.HCM?

- Ông Thăng đề nghị Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam (AVSE) của chúng tôi suy nghĩ và đồng hành với thành phố trên ba lĩnh vực.

Thứ nhất, xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở để phục vụ người dân có thể theo dõi sự phát triển của thành phố, cung cấp thông tin cho nhà đầu tư biết các khu vực cần kêu gọi đầu tư, biết hiệu quả từng lĩnh vực đầu tư và thiết lập hệ thống chỉ số để tổ chức hoạch định chính sách và lãnh đạo thực hiện.

Hiện các sở ngành đều có dữ liệu nhưng chưa được kết nối và chưa đồng bộ, do vậy nhà hoạch định chính sách không có cơ sở để lựa chọn phương án tối ưu.

Lĩnh vực thứ hai là nghiên cứu cơ chế thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Chúng tôi không quan niệm phải tìm cơ chế đặc thù hay thay đổi các cơ chế đã và đang vận hành vì việc này cần có nghiên cứu tổng thể trong chiến lược quốc gia.

Trước mắt, chúng tôi đề xuất tìm phương cách, chọn phương án làm việc khoa học hơn, hiệu quả hơn. Quan trọng là thay đổi cách làm và tìm hướng gỡ khó.

Thứ ba là suy nghĩ cùng thành phố làm sao thúc đẩy chất lượng giáo dục - đào tạo. Tất cả những việc này chúng tôi đang tích cực triển khai.

* Theo ông, khác biệt lớn nhất giữa nước phát triển và nước đang phát triển nằm ở đâu?

- So sánh giữa một nước phát triển và một nước đang phát triển - cụ thể như Việt Nam và Pháp, sự khác biệt mấu chốt không phải là vấn đề nguồn lực hay chênh lệch trình độ - mặc dù chênh lệch trình độ là đương nhiên vì chúng ta đi sau họ.

Cái khác nhau đáng suy nghĩ nhất chính là phương pháp, họ có phương pháp làm việc mang lại hiệu quả cao hơn ta, giúp giảm lãng phí về nguồn lực, thời gian.

Lấy ví dụ về giáo dục, thời gian gần đây chất lượng giảng dạy và nghiên cứu ở nước ta đã có rất nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, trong sự đi lên đó, Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa so với các nước phát triển bởi vì họ cũng đang đi lên và còn đi nhanh hơn ta nhờ tiến bộ khoa học và công nghệ.

Câu chuyện ấy mới thúc đẩy tôi tìm hiểu tại sao chúng ta chưa bứt phá được, vì chỉ có bứt phá chúng ta mới có thể thu hẹp được khoảng cách.

Theo tôi, hiện nay trí thức, chuyên gia của Việt Nam được đào tạo tốt, càng ngày càng dành sự quan tâm nhiều đến vận mệnh đất nước. Chúng tôi ý thức rõ Việt Nam là nơi mà mình có trách nhiệm phải đóng góp, chia sẻ cho sự phát triển.

Xác định mũi nhọn để đột phá

* Theo ông, Việt Nam cần làm gì để cải thiện tình hình?

- Việt Nam có nhiều thách thức nhưng nổi lên nhất vẫn là vai trò, vị thế về kinh tế của Việt Nam trên bảng tổng sắp của thế giới. Trong vòng 30 năm trở lại đây, sự thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn của Việt Nam là rất đáng ghi nhận.

Theo dõi kỹ sẽ thấy dường như sự thay đổi diễn ra hằng ngày hằng giờ. Nhưng khi thế giới xếp hạng các nền kinh tế dựa trên thu nhập bình quân đầu người thì chúng ta vẫn nằm trong tốp có thứ hạng từ 125-140 (tùy theo tổ chức đánh giá như IMF, Ngân hàng Thế giới, Liên Hiệp Quốc) trên tổng số gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng.

Có nghĩa là cuộc sống của chúng ta đã thay đổi, nhưng vị trí nền kinh tế của ta không thay đổi gì nhiều.

Nhiều bạn bè ở các nước có nói với chúng tôi rằng Việt Nam có nhiều mặt hàng xuất khẩu trong top 10 thế giới như gạo, cà phê, hạt tiêu... Như vậy vị trí nền kinh tế của các bạn chưa tương xứng với tiềm năng mà các bạn đang có. Vì thế chúng ta phải biết cách phát huy những cái số 1 của mình.

Phải có cách thức động viên doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cho ra thành phẩm cuối cùng có giá trị cao hơn.

* Nhiều giải pháp được nhắc tới nhưng dường như chúng ta chưa có đủ đội ngũ giỏi để thực hiện?

- Theo tôi, giải quyết bài toán về nguồn nhân lực là giải pháp có tính quyết định. Sinh viên của ta cần chủ động nâng cao khả năng tự học và biết cách đặt câu hỏi để trao đổi và học hỏi kinh nghiệm.

Không có câu hỏi nào là vô lý, không có câu hỏi nào là không hay. Chủ động cho ý kiến và hỏi những chuyện mình còn khúc mắc thì sẽ nhanh tiến bộ.

Trong cuộc sống, trong tất cả các lĩnh vực, trong quyết định chính sách và thực hiện chính sách, trong đầu tư phát triển kinh tế... luôn luôn cần đặt ra những câu hỏi. Đặt ra được câu hỏi trúng vấn đề thì mới mong có cơ hội tìm ra giải pháp đúng.

Còn nếu không biết đặt câu hỏi, không có thói quen phản biện và nhìn vấn đề từ nhiều góc thì cơ hội để có giải pháp tốt là rất ít. Không biết hỏi thì không biết vấn đề nằm ở đâu. Bản thân mình cũng chưa biết vấn đề của mình đang là gì.

Ông Khương hiện là phó giám đốc nghiên cứu và hợp tác khoa học quốc tế, trưởng khoa tài chính thuộc Học viện Quản lý và quản trị kinh doanh Paris (IPAG Business School), chủ tịch Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam (AVSE) với nòng cốt tại Pháp và mạng lưới trên toàn thế giới.

Là người được xếp 7/200 chuyên gia kinh tế trẻ hàng đầu của thế giới do RePEc bầu chọn tháng 2-2016.

TP.HCM có tiềm năng để phát triển thành thành phố bền vững

Các thành phố trên thế giới được xếp vào thành phố bền vững không nhiều. TP.HCM có tiềm năng để thực hiện điều đó, đi từ quyết tâm được thể hiện qua mong muốn của lãnh đạo thành phố về xây dựng chiến lược đô thị thông minh - là nền tảng để phát triển thành phố bền vững.

Một vấn đề cần quan tâm là phải có sân chơi cho các chủ thể tham gia trong công cuộc xây dựng đô thị bền vững đó. Ví dụ như ở Paris có ngân sách mở cho giai đoạn 2016-2020 đầu tư cho các ý tưởng sáng kiến bảo vệ môi trường sống.

Ví dụ một khu vực dân cư muốn xây dựng khuôn viên cây xanh, thành phố lập một hội đồng có sự tham gia của người dân để lựa chọn. Các dự án được chọn có tính khả thi thì thành phố sẽ cho thực hiện với điều kiện kinh phí vận hành sau đó không quá lớn.

Người dân được đưa ra ý kiến, được tham gia việc xây dựng môi trường sống chứ không chỉ làm bằng ý chí chủ quan của lãnh đạo thành phố. Ngoài ra, thành phố cũng tham khảo ý kiến người dân trên một số dự án quan trọng liên quan đến dân sinh và hệ sinh thái.

Người dân phải có độ tương tác và có cơ chế tham gia góp ý kiến vào những quyết sách của thành phố. Nếu tạo ra phong trào ấy thì sẽ tạo ra sự thay đổi nhanh, căn cơ.

 

MAI HƯƠNG thực hiện ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp