12/05/2019 14:12 GMT+7

Tìm cách dẹp nạn 'cho vay thả ga, đòi nợ khủng bố'

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Thay vì cho vay bằng tiền mặt thoải mái như hiện nay, tới đây công ty tài chính chỉ được phép cho khách hàng vay tiền mặt tối đa 30% tổng dư nợ, nếu như quy định mới của Ngân hàng Nhà nước được ban hành.

Tìm cách dẹp nạn cho vay thả ga, đòi nợ khủng bố - Ảnh 1.

Nhân viên một tư vấn cho khách hàng mua điện thoại - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngân hàng Nhà nước nên siết lại quy trình thẩm định khả năng trả nợ của khách hàng. Đây mới chính là điểm mấu chốt để giảm rủi ro cho công ty tài chính cũng như giảm tình trạng cho vay tràn lan, rồi đòi nợ bằng cách khủng bố, đe dọa

Chuyên gia NGUYỄN TRÍ HIẾU

Dự thảo sửa đổi thông tư 43 quy định cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính (CTTC) được đưa ra lấy ý kiến, ngoài bổ sung quy định chỉ được phép cho khách hàng vay tiền mặt trực tiếp tối đa 30% tổng dư nợ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) còn quy định CTTC chỉ được cho vay tiền mặt đối với những khách hàng đã và đang vay tại CTTC đó và có lịch sử trả nợ tốt.

Đua cho vay vì lợi nhuận cao

Giải thích lý do bổ sung các quy định này, NHNN cho rằng việc giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt cho khách hàng vay có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay, quy định này nhằm hướng cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, hiệu quả hơn.

Hoạt động cho vay tiêu dùng trên thị trường đã phát triển hơn 10 năm qua. Trong giai đoạn đầu, các CTTC không cho vay bằng tiền mặt, mà chỉ cho khách hàng vay mua hàng hóa nhằm phục vụ nhu cầu đời sống như xe máy, điện thoại, tivi, tủ lạnh... Người vay cũng phải có số tiền nhất định ban đầu.

Tuy nhiên, những năm gần đây hoạt động cho vay tiền mặt của các CTTC phát triển chóng mặt, nhiều người chưa từng vay cũng được chào mời, quá trình xét duyệt ngày càng được đẩy nhanh để cạnh tranh với các ứng dụng (app) cho vay ngang hàng mọc lên như nấm sau mưa.

Điều kiện để được vay tiền mặt khá thoáng, người vay chỉ cần sao kê bảng lương 3 tháng gần nhất, hóa đơn điện, nước sinh hoạt, chứng minh được có thu nhập hằng tháng 3-4,5 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, việc cho vay tiền mặt mang lại lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với cho vay mua sắm các mặt hàng tiêu dùng vì các CTTC được hưởng trọn lãi suất.

Trong khi cho vay mua hàng hóa, CTTC phải "ăn chia" với các cửa hàng, trung tâm điện máy, phải khuyến mãi lãi suất nên lợi nhuận còn lại không bao nhiêu. Về rủi ro, tất nhiên cho vay tiền mặt rủi ro cao hơn, nhưng do lãi suất cho vay cao nên CTTC sẵn sàng đánh đổi và phần lãi thu được dư sức bù đắp.

Theo dữ liệu của Công ty chứng khoán HSC, các CTTC lớn trên thị trường đều đang có tỉ trọng cho vay tiền mặt cao hơn mức mà NHNN giới hạn trong dự thảo thông tư mới.

Có CTTC đang cho vay tiền mặt lên tới 80%, còn các CTTC khác cho vay với tỉ lệ khoảng 40% và 50%, chưa kể một tỉ lệ khá lớn khách hàng vay tiền mặt là người mới vay lần đầu - điều mà NHNN đề xuất cấm.

Ngoài việc kiểm soát ở khâu cho vay, cơ quan quản lý nên chú trọng khâu quản lý sau cho vay của công ty tài chính để tránh tình trạng đòi nợ phản cảm, gây bức xúc dư luận như đã diễn ra thời gian qua

Chuyên gia BÙI QUANG TÍN

Cho vay thả ga, đòi nợ khủng bố

Nhiều chuyên gia nhận định với việc NHNN siết lại hạn mức giải ngân tiền mặt ở mức 30% dư nợ và không cho phép CTTC cho vay tiền mặt với những khách hàng không có thông tin tín dụng, hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC dự báo sẽ giảm mạnh.

Trên thực tế, có nhiều lý do buộc NHNN phải quản chặt hơn việc cho vay tiền mặt tại các CTTC. Thời gian qua, cùng với bùng nổ về cho vay tiền mặt, rất nhiều phản ảnh của khách hàng liên quan đến việc CTTC áp lãi vay "cắt cổ", cho vay thả ga rồi sau đó đòi nợ khủng bố.

Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, anh Nguyễn Anh Tuấn (Sóc Trăng) cho biết sau khi trả nợ xong món vay mua trả góp điện thoại, anh tiếp tục được mời chào vay tiền mặt. Do đang kẹt tiền làm ăn, anh đồng ý vay 20 triệu đồng trong vòng 12 tháng, tiền được gửi qua tài khoản và anh đến rút tại ngân hàng.

"Tin tưởng nhân viên tư vấn nên tôi không đọc kỹ hợp đồng, đến khi về nhà mới tá hỏa là khoản vay kéo dài đến 24 tháng, mỗi tháng tôi phải trả khoảng 1,5 triệu đồng hoặc hơn. Tổng cộng trong vòng 24 tháng, tiền lãi phải trả gần bằng số tiền gốc" - anh Tuấn phản ảnh.

Sau nhiều lần khiếu nại nhưng không được, anh Tuấn đành phải trả theo yêu cầu của CTTC. Đến nay khoản vay đã kéo dài 8 tháng nhưng tháng nào cũng vậy, trước hạn đóng gốc và lãi 10 ngày là nhân viên CTTC bắt đầu "khủng bố" anh bằng điện thoại để nhắc nợ.

"Mỗi ngày họ gọi hàng chục cuộc bằng những số khác nhau. Các số này đều chặn chiều gọi đến nên tôi không thể gọi lại được" - anh Tuấn bức xúc.

Anh V., quản lý một xưởng gỗ tại Đồng Nai, cũng cho biết bị một nhân viên lấy số điện thoại làm số tham chiếu để vay tiền CTTC rồi nghỉ việc, khiến anh liên tục bị CTTC gọi điện thoại, nhắn tin đòi nợ. "Dù tôi đã nói không vay tiền nhưng phía CTTC vẫn liên tục "khủng bố" điện thoại yêu cầu phải trả nợ" - anh V. bức xúc.

"Siết" như thế nào cho phù hợp?

Theo các chuyên gia, việc có quá nhiều phản ảnh của người vay về hoạt động của CTTC cũng là lý do khiến NHNN phải đề xuất các biện pháp nhằm siết lại hoạt động này. Tuy nhiên, siết lại hoạt động cho vay như thế nào cho hợp lý lại là câu chuyện gây tranh luận.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng ở góc độ chính sách, việc hạn chế giải ngân bằng tiền mặt nhằm giảm rủi ro cho CTTC, đồng thời cũng hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế. Tuy nhiên, cần xem hạn mức 30% đã hợp lý chưa.

"Quan trọng nhất vẫn là phải thẩm định khả năng trả nợ của người vay. Đây mới chính là điểm mấu chốt để giảm rủi ro cho CTTC cũng như giảm tình trạng cho vay tràn lan, rồi đòi nợ bằng cách khủng bố, đe dọa. Muốn vậy, NHNN nên siết chặt quy trình thẩm định của CTTC" - ông Hiếu đề nghị.

Ngoài ra, theo chuyên gia Bùi Quang Tín, cùng với việc kiểm soát các CTTC ở khâu cho vay, cơ quan quản lý nên chú trọng khâu quản lý sau vay để tránh tình trạng đòi nợ phản cảm gây xôn xao dư luận như đã diễn ra thời gian qua.

Phải cung cấp đủ thông tin

Góp ý cho dự thảo thông tư sửa đổi thông tư 43, Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) cho rằng việc quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC cần được cân nhắc kỹ để bảo đảm cân bằng.

Nếu buông lỏng quản lý có thể gây ra những hậu quả tiêu cực như lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, đòi nợ bằng các biện pháp không phù hợp, mất an ninh trật tự... Nhưng nếu siết quá chặt hoạt động này sẽ thúc đẩy hoạt động ngầm của thị trường, tạo cơ hội cho các cá nhân, tổ chức cho vay không có giấy phép phát triển và có thể gây hậu quả xã hội lớn hơn.

Do đó, VCCI đề nghị NHNN phải quy định rõ việc cung cấp đầy đủ thông tin về quyền và nghĩa vụ của hai bên. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về nghĩa vụ cung cấp thông tin của CTTC cho khách hàng.

Ngoài ra, NHNN cần lập chuyên trang về hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC, trong đó có đầy đủ thông tin về khung lãi suất, quy định nội bộ, thông tin liên lạc, văn bản pháp luật liên quan...

Công ty tài chính sẽ không được hưởng lãi suất nếu mập mờ

TTO - Khi xảy ra tranh chấp, nếu công ty tài chính không xuất trình được bản sao “Những điều cần biết trước khi vay tiêu dùng” theo mẫu của Ngân hàng Nhà nước và có chữ ký của khách hàng thì không được hưởng lãi suất của khoản vay.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp