Joe Exotic - kẻ thống trị trong vương quốc loài hổ - Ảnh: Netflix
Thật khó tin khi biết rằng giữa cơn đại dịch đang cuốn phăng mọi thứ ở Mỹ bỗng có một bộ phim không liên quan gì đến dịch bệnh, nói về chủ đề động vật hoang dã, nhưng lại trở thành “hiện tượng”. Tiger King (gắn nhãn 18+), phim tài liệu điên rồ nhất từng được quay và thậm chí dữ dội hơn cả thế giới tự nhiên.
Ngay từ khi xuất hiện, Tiger King (Vua Hổ) đã ngay lập tức thống trị các diễn đàn mạng xã hội và báo chí cả ở góc độ điện ảnh, thời sự lẫn chính trị.
Dành 5 năm để đeo bám các nhân vật, hai nhà làm phim Rebecca Chaiklin và Eric Goode dường như đã dự cảm được một điều gì đó vượt sức tưởng tượng của họ sẽ diễn ra khi thâm nhập giới kinh doanh sở thú tư nhân ở Mỹ.
"Mèo lớn" - tiền lớn
Cả hai tìm đến Joe Exotic - chủ sở thú Greater Wynnewood, kẻ tự nhận mình là Vua Hổ, và quả thật sở hữu đến 187 con hổ, sư tử, báo vây quanh mỗi ngày.
Joe có tất cả những tính cách nổi loạn nhất mà cả những tay nuôi thú khác phải e dè: hoang tưởng, vĩ cuồng, đời sống tình dục phóng khoáng, thích trở nên nổi tiếng, súng giắt bên hông và sẵn sàng nã đạn vào bất cứ ai đe dọa gã.
Đối thủ của Joe Exotic là Carole Baskin - người sáng lập tổ chức bảo vệ động vật hoang dã Big Cat Rescue. Carole Baskin liên tục tấn công Joe, phản đối hành vi lai giống các loài "mèo lớn" (hổ, báo, sư tử, sư hổ), lôi nhau ra tòa. Ngược lại, Joe lên kế hoạch ám sát Carole và đối mặt án tù.
Cuộc đối đầu quyết liệt, vô tiền khoáng hậu đã lọt vào ống kính hai nhà làm phim. Chỉ cần lơi mắt khỏi 7 tập phim chỉ một vài phút, người xem sẽ bỏ qua tình tiết gay cấn về cái chết bí ẩn của chồng Carole, những vụ lừa lọc lẫn nhau để chiếm đoạt sở thú, kế hoạch kiếm tiền tinh vi từ động vật.
Tiger King là cuộc lật tẩy một thế giới ít người được chạm đến. Phim đã ghi lại khoa ngôn và cả lời tự thú trắng trợn của những kẻ trong giới.
Chủ các sở thú tư nhân sẽ chẳng bao giờ tự nhận mình nuôi hổ, sư tử để kinh doanh nếu không muốn vấp phải sự phản ứng gay gắt từ cộng đồng. Luôn cho rằng hành động của mình xuất phát từ tình yêu động vật hoang dã và muốn bảo vệ chúng, các sở thú đã hợp thức hóa việc nuôi nhốt, lai tạp, buôn bán và kiếm tiền từ các loài "mèo lớn".
Bhagavan Antle, sở hữu lượng thú khổng lồ không thua kém Joe Exotic, đã hỗ trợ các đoàn phim Hollywood tạo ra hàng loạt cảnh quay về loài hổ. Antle cũng thừa nhận rằng bất cứ ai có một con hổ cũng tự nhận thấy mình quyền lực chẳng kém gì chúng và điều đó cũng lý giải vì sao những cô gái tìm đến khi gã có món "trang sức" đắt giá nhất.
Những tay nuôi thú biết đám đông muốn điều gì: được một lần chạm vào loài động vật uy quyền (đã bị giam cầm) này - Ảnh: NETFLIX
Cuộc đối đầu quyết liệt của giới nuôi hổ
Liên tục xoay quanh cuộc phỏng vấn với nhân viên của các sở thú, hai đạo diễn đã khơi ra bí mật đằng sau những chiếc lồng. Điều kiện nuôi nhốt thú tệ hại, những con hổ bị ngược đãi từ khi chúng vừa sinh ra cho đến khi hết giá trị lợi dụng và bị bắn bỏ, nhân viên chỉ nhận 100 USD mỗi tuần.
Bất chấp điều đó, mỗi ngày mở cửa các sở thú này đón cả ngàn khách tham quan. Nuôi hổ đã trở thành ngành siêu lợi nhuận. Carole Baskin đã đứng lên chống lại những sở thú như vậy.
Nhưng bộ phim bỗng khiến người xem chưng hửng khi nhà sản xuất chương trình truyền hình Rick Kirkham nói Joe Exotic hay Carole Baskin cũng đều xấu xa như nhau.
Tiger King không phải bộ phim quảng bá cho bất cứ sở thú nào, và vì vậy từ khu vực nuôi hổ lổm nhổm rác rưới cho đến những chiêu trò hình ảnh của Carole đều được đưa trọn vẹn vào phim. Thế nên mới có chuyện Carole giãy nảy lên khi Tiger King vừa được Netflix phát hành và cho rằng hai đạo diễn đã xuyên tạc, bôi nhọ cô.
Nuôi hổ là "cuộc chiến vương quyền" mà trong đó những con thú đã bị biến thành thứ vũ khí chung cho cả hai phe. Vào thời điểm Carole sắp trình dự luật bảo tồn hổ lên quốc hội, Bhagavan Antle bước vào căn phòng nghị trường với hàng chục hổ con xinh xắn để các nghị sĩ chụp hình chung.
Dĩ nhiên, sẽ không có chuyện họ bỏ phiếu thông qua dự luật khi vừa được vui vẻ với những con hổ xong.
Những con hổ bị giam hãm trong một thời đại nhân loại tự hào nhất về ý thức bảo vệ động vật hoang dã - Ảnh: NETFLIX
Nhốt hổ bằng mạng xã hội
Đỉnh điểm của sự mâu thuẫn đã dẫn đến vụ mưu sát Carole mà kẻ chủ mưu là Joe Exotic. Vào tháng 1-2020, Joe nhận bản án 22 năm và đe dọa sẽ phanh phui toàn bộ đường dây mua bán "mèo lớn" gã đã tham gia bấy lâu. Joe có những bằng chứng Bhagavan Antle đặt những chú hổ con quá tuổi tham gia các sự kiện vui chơi vào phòng khí gas, để chúng chết ngạt rồi ném xác vào lò hỏa táng.
Những chia sẻ mang tính trả thù trên phim của Joe Exotic sau khi xộ khám đã khiến nước Mỹ bàng hoàng. Nhưng "chả ai thắng cả. Những người liên quan ra vẻ họ vì quyền động vật, dù không con vật nào được hưởng lợi từ cuộc chiến. Không một con nào" - một nhân viên sở thú của Joe nhận định.
Tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật lớn nhất thế giới PETA chỉ xuất hiện vào thời điểm cuối phim, nghe lời tự thú của Joe Exotic và không hề có cuộc điều tra độc lập, nghiêm túc nào xảy ra trước đó.
Sở thú Greater Wynnewood của Joe bị sang nhượng, những cái khác tranh nhau mọc lên và lại có hàng người đứng xếp hàng mua vé dài dằng dặc. Những tay nuôi "mèo lớn" biết điều gì cuốn hút khán giả của họ: trong thời đại mạng xã hội, ai lại không muốn được chụp hình với một con hổ?
Tiger King khiến người xem phải tự vấn chính mình rằng bộ phim cuốn hút họ vì vẻ đẹp của loài "mèo lớn", quyền lực của những tay nuôi thú hay sự thật phũ phàng đằng sau các sở thú. Và có phải chúng ta đã tự nhốt chính mình và giam những con hổ bằng mạng xã hội chứ không phải bằng bất cứ cái lồng nào?
Đáng tiếc, câu trả lời cảm động nhất trong phim lại là lời của Vua Hổ Joe Exotic: "Các loài vật có vui không? Chẳng ai biết. Vài tuần trước, tôi vừa chuyển hai con tinh tinh đến trung tâm bảo tồn vượn ở Florida. Chúng đã ngồi trong mấy cái chuồng đặt cạnh nhau hơn 10 năm. Khi được thả ra vườn lớn trong hai ngày, chúng đã ôm lấy nhau. Tôi đã tước đoạt điều đó khỏi chúng trong mười năm ư? Đúng vậy…".
Tiger King có thể là một bộ phim có rất nhiều câu chuyện giật gân, một cánh cửa mở toang vào thế giới của những tay nuôi thú.
Tiger King là “cuộc chiến vương quyền” trong giới nuôi hổ giữa Carole Baskin (trái) và Joe Exotic (phải)
Thế nhưng, không ai ngờ những câu chuyện này lại xảy ra vào thế kỷ 21, thời đại mà con người tự hào vì sự tiến bộ, lòng nhân ái không chỉ dành cho chính nhân loại mà còn đối với tất cả những loài vật khác. Có 5.000-10.000 con hổ đang bị nhốt ở Mỹ, trong khi chưa đến 4.000 con tồn tại trong tự nhiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận