Phóng to |
Dơi mặt quỷ Murina Beelzebub là loài mới được phát hiện ở Việt Nam - Ảnh: HNHM/Fauna & Flora International. |
AFP ngày 18-12 trích báo cáo về các loài mới phát hiện năm 2011 của Quỹ Bảo vệ thiên nhiên hoang dã (WWF), đồng thời cũng cảnh báo tình trạng mất rừng, việc xây dựng các nhà máy thủy điện trên sông Mekong đang đe dọa sự đa dạng sinh thái của khu vực.
Điều này có nghĩa nhiều loài mới được phát hiện đang vật vã để duy trì sự tồn tại của mình. Tiểu vùng Mekong bao gồm Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Việt Nam, Lào và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). “Tin tốt là có nhiều phát hiện mới. Tin xấu là việc duy trì môi trường ổn định và công tác bảo tồn ngày càng khó khăn” - Nick Cox, giám đốc chương trình đa dạng loài tiểu vùng Mekong của WWF, nói với AFP.
Cuộc sống của một số loài như dơi mũi ống (nhỏ xíu, có màu sắc sậm trên cơ thể được đặt tên khoa học là Murina Beelzebub) được phát hiện ở VN phụ thuộc rất nhiều vào rừng nhiệt đới. Do đó, đời sống của chúng gặp nhiều nguy hiểm vì tình trạng chặt phá rừng hiện nay. Báo cáo cho biết chỉ trong khoảng 40 năm, 30% rừng ở tiểu vùng Mekong đã biến mất. Các loài khác như trăn đuôi ngắn tìm thấy ở Myanmar cũng đang đối mặt với nguy cơ biến mất vì nạn săn bắt trộm lấy thịt, da và sở thích nuôi những loài vật lạ của con người.
Danh sách mới của WWF có 21 loài bò sát và 5 loài lưỡng cư, còn lại chủ yếu gồm các loài thực vật. Cho dù những phát hiện này khẳng định tính đa dạng sinh học rất đặc sắc của khu vực, tương lai của những loài này đều đang gặp nguy hiểm. WWF cũng nhắc tới đập Xayaburi đang được xây dựng ở Lào “là mối đe dọa lớn” tới sự đa dạng sinh học của khu vực và cuộc sống của hơn 60 triệu dân hạ lưu Mekong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận