03/03/2012 16:13 GMT+7

Tiêu tiền cũng cần có văn hóa

SƠN KHÊ
SƠN KHÊ

TTO - Sau khi mở diễn đàn "Lối sống vật chất có lên ngôi?" tiếp theo câu chuyện đám cưới "khủng" ở Hà Tĩnh, Tuổi Trẻ Online nhận được nhiều ý kiến tham gia diễn đàn với nhiều ý kiến khác nhau về một lối sống "thịnh hành".

Theo bạn, người lắm tiền có cần lưu tâm đến văn hóa tiêu tiền? Nếp nghĩ "tiền ai nấy xài", miễn không vi phạm pháp luật liệu có thật hợp lý?... Mời bạn đọc theo dõi và chia sẻ.

rS9cuczG.jpgPhóng to

Không gian trang trọng của lễ cưới tập thể vào cuối năm 2011 tại TP.HCM. Mỗi đôi bạn chỉ trả 1 triệu đồng cho tất cả chi phí cưới - Ảnh: Thanh Đạm

Năm ngoái, người anh họ của tôi lo hôn sự con gái đầu lòng. Để chuẩn bị cho việc hệ trọng, anh đến nhà tìm tôi hỏi ý kiến về hình thức tổ chức và cách đãi tiệc. Tôi khuyên chỉ nên tổ chức giản dị, chọn lọc khách mời cho đúng với mối quan hệ, các món ăn dọn ra cần đầy tô đĩa và ngon miệng là được, chớ vẽ vời cầu kỳ.

Sở dĩ tôi khuyên như vậy vì gia đình anh đang còn rất chật vật, túng bấn. Vả lại sui gia là người cùng làng, đều làm nông như nhau. Mối quan hệ của anh không rộng và khách mời đa số là nông dân nên họ chỉ quan tâm đến chuyện “ăn chắc, mặc bền”. Với hoàn cảnh như thế, không nhất thiết phải theo đòi người ta làm cho “hoành tráng” nhằm lấy le với đời, để rồi phải mang nợ về sau. Anh nghe xong im lặng, rồi nói lảng sang chuyện khác.

Ngày đến dự lễ vu quy con anh, tôi hết sức ngỡ ngàng trước hình thức tổ chức. Hoa giấy, chữ nghĩa và nhân ảnh bằng mút xốp mua từ tiệm tạp hóa về, dán lòe loẹt khắp nơi trông rất chướng mắt. Thậm chí những chữ “song hỉ” đỏ chói còn bị quay ngược đầu xuống. Ban nhạc “đồng quê” quá bốc, mở âm li tối đa khiến đôi tai mọi thực khách bị tra tấn, chẳng ai trao đổi được gì trong suốt buổi tiệc.

Các món ăn bày trên bàn mới là điều đáng để nói. Anh chơi quá sang theo lối nhà hàng ở thành phố khi dọn nhiều món hải sản đắt tiền. Trong khi ấy, do bị trùng đám với nhiều nhà khác trong làng nên số khách đến dự thiếu hẳn gần sáu bàn trên tổng số 30 bàn dọn ra. Xem qua tình hình, tôi biết tiền mừng anh thu vào sẽ bị âm nặng.

Một tháng sau tiệc cưới ấy, chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau. Trong câu chuyện, anh có phàn nàn về sự “thất thu”, phải bán tạ tiêu để bù lỗ gần chục triệu. Số tiền này ở nông thôn kể ra là lớn. Tôi chẳng hề ngạc nhiên bởi đã tiên đoán trước, chỉ thấy tội nghiệp cho anh do quá hãnh tiến, vì đua theo hào nhoáng giả tạo cho “bằng chị bằng em” mà quên mất mình là ai, địa vị trong xã hội đứng ở chỗ nào? Bài học khiêm tốn này anh phải trả học phí khá cao!

Người cháu gọi tôi bằng cậu, hiện đang là tổng giám đốc một tập đoàn lớn, có vài căn nhà trị giá hằng triệu đôla, vẫn thường xuyên hỗ trợ cho những tổ chức từ thiện, giúp học sinh nghèo trong Nam ngoài Bắc số tiền từ vài chục đến hàng trăm triệu. Thế nhưng bình thường chỉ xài cái điện thoại Nokia đời… cũ rích màn hình đen trắng. Theo anh: “Điện thoại suy cho cùng chỉ có chức năng gọi và nhắn tin là quan trọng nhất. Các tích hợp khác trong đó nhiều khi không dùng đến, nhất là với người bận rộn. Do vậy xài điện thoại quá đắt tiền là lãng phí vô nghĩa, bị nhà sản xuất lôi kéo vào cuộc chơi hao hụt túi tiền mà không nhận biết".

Kể hai câu chuyện này, tôi muốn qua đó độc giả có một sự so sánh trong hai người bà con của tôi ai thật sự là người khiêm tốn, ai là người biết rõ giá trị đồng tiền, ai là người khôn ngoan đáng học hỏi.

Hiện tượng “tiêu dùng quá đà” đang nổi lên trong một xã hội còn đầy dẫy khó khăn, còn quá nhiều người nghèo khó đói ăn cần cấp thời cứu trợ, chính là một hồi chuông cảnh báo nhân văn của nhiều người đang bị mai một, phải được ghìm cương lại để giúp những kẻ ấy có định hướng sống cho đúng.

Vàng bạc, áo quần, của cải đắt tiền, tiện nghi hiện đại, nhà cửa khang trang… cần thiết vô cùng, nó giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại lợi ích tuyệt vời cho người sử dụng. Tuy nhiên, xin hãy nhớ cho tất cả những thứ ấy chỉ là vật ngoại thân. Chúng không thể làm tăng thêm giá trị cho người sở hữu nó nếu bản thân chủ nhân không có giá trị.

Giá trị của con người nằm ở bên trong tâm hồn, biểu lộ ra qua cách cư xử đầy tính nhân bản với đồng loại. Nếu hai người cùng cởi xiêm y lụa là, gỡ trang sức đắt tiền ra khỏi cơ thể, thì bề ngoài họ sẽ như nhau. Nhưng ai trong số đó có giáo dục, có văn hóa, đã được trau dồi đạo đức thì tức khắc ta sẽ nhận ra họ qua các hành vi cao đẹp.

Người nào tôn vinh vật chất một cách mù quáng, coi trọng đồng tiền hơn tình nghĩa và đua đòi hưởng thụ một cách ích kỷ thì chắc chắn cũng vô cùng kiêu ngạo, không có chiều sâu nội tâm, sẽ hời hợt trước nỗi khổ đau của đồng loại, thiếu nền tảng sống cho ra con người. Đối tượng loại này rất dễ bị kẻ xấu lôi kéo vào vòng tội lỗi. Cũng có khi chính họ chủ động nghĩ ra mọi thủ đoạn ma giáo hòng lừa gạt, trộm cắp, tham ô tài sản của người khác nhằm có tiền để thỏa mãn những nhu cầu vật chất không biết giới hạn trong họ.

Lại có người vì đầu óc trống rỗng, tài năng thấp kém nên phải mượn đến gấm lụa, vòng vàng, điện thoại iPhone, xe hơi… để “nhát ma” người đối diện, hạng người này luôn áp dụng câu “quen sợ dạ, lạ sợ áo quần”.

Thương thay! Dù họ bề ngoài thoạt trông có vẻ sang trọng, nhưng thật sự kẻ ấy chỉ đáng được gọi bằng hai từ “trọc phú” mà thôi. Sẽ bất hạnh cho xã hội vô cùng khi có nhiều “trọc phú” xuất hiện.

Tin tức nông dân sau một đêm ngủ dậy bỗng đổi đời, các cậu ấm, cô chiêu con đại gia, con quan chức lớn ăn chơi trụy lạc, no cơm ấm cập sinh ra dâm dật đủ trò… Để rồi kết cuộc rầm rập kéo nhau vào tù, băng hoại tâm hồn, tàn lụi thân xác vẫn còn là tin nóng hổi hiện nay.

Mong rằng những ý kiến này sẽ góp phần cảnh tỉnh những ai còn mù quáng trước sự hào hoáng giả tạo của danh vọng, đeo đuổi phù vân của tiếng khen. Hãy biết điểm dừng để không rơi vào vực thẳm.

Khi xài tiền, làm ơn nghĩ đến những người khó khăn

Là một sinh viên, tôi cật lực đả kích lối suy nghĩ kiểu "họ có tiền thì họ dùng" hay "pháp luật có cấm đâu". Đúng, luật pháp không cấm những chuyện này và tiền đó cũng là của họ nhưng làm ơn hãy nghĩ đến những cụ già lang thang bán vé số, những em nhỏ bị chăn dắt ăn xin, những gia đình có người bệnh hiểm nghèo mà suy nghĩ lại. Đất nước ta cần những người giàu có về văn hóa, tinh thần, đạo đức để đi lên chứ không cần những người "giàu" như thế...

Tổ chức một đám cưới hàng chục tỉ đồng ở một tỉnh thuộc loại nghèo nhất nước như thế là thể hiện sự "có học", cần phải tuyên dương hay sao? Nếu ai còn tư tưởng ủng hộ thì xin hãy nghĩ nếu người thân mình đang gặp tai nạn, phải đi cấp cứu mà giữa đường gặp hàng chục chiếc siêu xe đám cưới gây kẹt xe, tắc đường như thế thì các bạn nghĩ sao?

Tiêu tiền phải có văn hóa

Tài năng của con người giúp họ kiếm được bội tiền. Tài năng ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng chứ không hạn hẹp trong phạm vi học vấn!

Nhưng tiêu tiền thì phải có văn hóa. Hình như chúng ta mới chỉ có "văn hóa kiếm tiền" nhưng chưa có "văn hóa tiêu tiền". Sự trọng hình thức đã ăn sâu bám rễ. Ở tầm thấp thì có người thà bán xe đạp để đi xe ôm, còn ở tầm cao thì là những đám cưới bạc tỉ như thế này.

Mời bạn đọc chia sẻ ý kiến xung quanh câu chuyện đám cưới "khủng" trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây hoặc gửi về email [email protected] (vui lòng gõ có dấu tiếng Việt).

SƠN KHÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp