Ở một khía cạnh khác, tiểu thuyết lịch sử là sự hoài nghi, là "tính khả năng của lịch sử" được các nhà văn gợi mở ra, tin hay không tùy bạn.
Tiểu thuyết lịch sử là một dòng văn học được công chúng yêu thích nhưng cũng kén người đọc.
Đối với nhà văn chọn đề tài lịch sử làm khung sườn cho sáng tạo văn học của mình lại càng khó khăn, đòi hỏi họ cần phải có kiến thức sâu rộng về nhiều mặt, đặc biệt cần phải gắn kết một cách logic giữa sự thật lịch sử và nghệ thuật tưởng tưởng.
Một cảnh trong phim Tam Quốc cơ mật, bộ phim truyền hình được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Mã Bá Dung
Khi lịch sử mang đôi cánh tưởng tượng
Trên tấm nền của lịch sử Việt Nam vẫn còn đó muôn vàn những chi tiết thú vị đợi các bạn dệt thành tiểu thuyết.
Những người yêu lịch sử Việt, liệu bạn đã sẵn sàng viết ra sự tưởng tượng của mình?
Đại văn hào Alexandre Dumas được coi là bậc thầy của tiểu thuyết lịch sử với nhiều tác phẩm lớn như: Ba người lính ngự lâm, Hai mươi năm sau, Những quận chúa nổi loạn, Hoàng hậu Margot...
Ông từng ví von rằng: "Lịch sử là chiếc đinh treo, là chiếc khung để tôi dán lên đó bức tranh của mình".
Có lẽ cũng giống như Alexandre Dumas, nhiều người mong muốn biến lịch sử trở thành những chiếc đinh để treo lên đó tác phẩm văn học của mình, nhưng không phải ai cũng thành công với dòng tiểu thuyết lịch sử.
Ở Trung Quốc, tiểu thuyết lịch sử vẫn là dòng văn học thịnh hành, vào thập niên 90 nhà văn - nhà nghiên cứu lịch sử Nhị Nguyệt Hà đã có một số tác phẩm văn học gây tiếng vang như: Khang Hy đại đế, Hoàng đế Ung Chính, Hoàng đế Càn Long... những bộ tiểu thuyết lịch sử công phu này sau đều được chuyển thể thành phim truyền hình vang tiếng một thời.
Khi văn học mạng phát triển, không ít các nhà văn trẻ đã lựa chọn đề tài lịch sử để phóng tác. Họ gắn cho lịch sử đôi cánh của sự tưởng tượng. Điều đáng nói ở đây là với nhiều độc giả thì tiểu thuyết lịch sử trở thành một cách học lịch sử nhẹ nhàng, gần gũi và thi vị.
của Thái Lan hay Tam Quốc cơ mật của Trung Quốc đều là những cuốn tiểu thuyết đại diện cho quan điểm hiện đại về quá khứ xa xôi.
Vai Hán Hiến Đế do diễn viên Mã Thiên Vũ đảm nhiệm
Mã Bá Dung và câu chuyện Tam Quốc cơ mật
Khi đọc Tam Quốc cơ mật, có lẽ đa số độc giả sẽ hâm mộ Mã Bá Dung. Anh dùng nghệ thuật ngôn từ vẽ nên một bức tranh sống động về góc khuất trong thời Tam Quốc.
Nếu ở trong Tam Quốc diễn nghĩa, trận chiến Quan Độ gay cấn được La Quán Trung tập trung miêu tả, thì Mã Bá Dung lại đưa độc giả đến cùng thời điểm đó nhưng là ở phía hậu phương của quân Tào, nơi mà vị vua Hán Hiến Đế - nhân vật vốn mờ nhạt trong Tam Quốc diễn nghĩa lại trở thành một ngôi sao sáng bằng trí tuệ và lòng nhân ái của mình.
Mã Bá Dung sinh năm 1980 du học ở New Zealand, năm 2005, Mã Bá Dung bắt đầu sáng tác văn học, sau đó nghỉ việc lựa chọn sống cuộc đời tự do và cẩu thả theo ý thích văn chương của mình.
Khi giới thiệu về cuốn Tam Quốc cơ mật Mã Bá Dung từng viết: "Bộ tiểu thuyết Tam Quốc cơ mật không phải là lịch sử thực sự, nó chỉ có thể coi là một truyền kỳ, một phỏng đoán hoặc giả nói đây là một câu chuyện có thể đã từng xảy ra".
Mã Bá Dung đạt nhiều giải thưởng văn học danh tiếng tại Trung Quốc, nhiều người coi anh như một chuyên gia về lịch sử, bản thân Mã Bá Dung thì nói: “Tôi cùng lắm chỉ là một nhà trí thức”
Ở góc độ lịch sử, các nhân vật trong Tam Quốc cơ mật như: Hán Hiến Đế, hoàng hậu Phục Thọ, Đổng Thừa, Tư Mã Ý, Dương Tu, Quách Gia, Giả Hủ, Trương Tú... đều là những nhân vật lịch sử có thật.
Điều mới mẻ trong tác phẩm này đó là Mã Bá Dung xây dựng một cục diện ở góc độ khác với Tam Quốc diễn nghĩa, đó là cuộc chiến chính trị giữa thế lực của Tào Ngụy và Hán Hiến Đế, cuộc chiến không nằm trên chiến trường những cũng cực kỳ tàn khốc, là cuộc chiến xoắn não của những mưu sĩ như: Tư Mã Ý, Quách Gia, Mãn Sủng, Dương Tu...
Mã Bá Dung nói rằng Hán Hiến Đế là nhân vật anh yêu thích nhất trong lịch sử thời Tam Quốc. Ở góc độ nhìn nhận của Mã Bá Dung thì đây là một vị vua cực kỳ thông minh, hiểu biết, nhân hòa.
Chính vì thế mà anh muốn dùng ngòi bút của mình để xây dựng nên hình tượng của một vị vua dù chịu nhiều ủy khuất thì cũng có thể đổi lấy vài giây phút huy hoàng, cho dù điều đó cũng chỉ là sự tưởng tượng mà thôi.
Nội dung Tam Quốc cơ mật của Mã Bá Dung giống như một lời giải đố. Nó lý giải về sinh tồn của vị vua cuối cùng của triều nhà Hán, lý giải về mối quan hệ giữa Tào Phi và Hán Hiến Đế, lý giải cho việc Tào Tháo ra lệnh giết Dương Tu…
Thông qua tiểu thuyết của mình Mã Bá Dung đưa ra "tính khả năng của lịch sử", chúng ta có quyền hoài nghi và tất nhiên cũng có quyền tưởng tượng về những điều có thể đã xảy ra trong lịch sử.
Cặp đôi diễn viên Pope và Bella góp phần tạo nên thành công của Nhân duyên tiền định
Rompaeng viết Nhân duyên tiền định để thấy lịch sử không nhàm chán
Hiện nay, các nhà văn trẻ của dòng tiểu thuyết lịch sử tạo nên sự mới mẻ ở chỗ họ thổi vào tác phẩm góc nhìn và quan điểm của thời đương đại.
Tại Thái Lan, Rompaeng là một nhà văn được yêu thích. Đặc biệt, sau khi Nhân duyên tiền định được chuyển thể từ tác phẩm của cô đã nổi tiếng vượt qua biên giới Thái Lan.
Ở cuốn tiểu thuyết này, Rompaeng có cách mở đề bằng cách cho nữ chính xuyên không trở về quá khứ. Nhân duyên tiền định thành công ở chỗ nó đựa các yếu tố như: bối cảnh lịch sử, bản sắc văn hóa Thái, câu chuyện tình yêu lãng mạn vào trong tác phẩm.
Nhà văn Janyavee Sompreeda với bút danh Rompeang có thể chính là nguyên mẫu của nàng Ketsurang trong Nhân duyên tiền định. Cuốn tiểu thuyết vừa tái bản với số lượng 20.000 cuốn nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của độc giả
Tôi muốn xóa bỏ cách nghĩ của nhiều người khi cho rằng lịch sử là nhàm chán, bằng cách thêu dệt nó trong một tác phẩm hư cấu và làm cho câu chuyện đó trở nên vui vẻ. Khi cảm thấy vui vẻ, mọi người sẽ dễ dàng đắm mình vào trong câu chuyện hơn.
Nhà văn Rompaeng bày tỏ quan điểm
Cuốn Nhân duyên tiền định được Rompeang viết cách đây khoảng 10 năm. Nhưng trước khi bắt tay vào viết Nhân duyên tiền định, cô mất đến ba năm để nghiên cứu về lịch sử của Xiêm La (tức Siam) vào thế kỷ 17.
Rompeang thu thập thông tin từ nhiều nguồn như tài liệu trong thư viện, internet. Cô nghiên cứu cả những chi tiết lịch sử được ghi chép trong mô tả của Simon de la Loubere, vị đại sứ người Pháp được vua Louis XIV cử đến Siam vào năm 1687, những câu chuyện xung quanh Constantine Phaulkon, cũng như những câu chuyện văn học có liên quan khác.
Nhân duyên tiền định hiện là phim truyền hình ăn khách nhất tại Thái Lan. Đồng thời bộ phim góp phần đưa độc giả Thái thêm yêu thích dòng tiểu thuyết lịch sử.
Bản thân tác giả cũng đến Ayutthaya và tỉnh Lop Buri rất nhiều lần để nghiên cứu về ngôn ngữ địa phương và các công trình kiến trúc tiêu biểu. Chính vì vậy mà những chi tiết trong tiểu thuyết Nhân duyên tiền định đều trở nên chân thực và phong phú.
Tuy nhiên, nhà văn Rompaeng vẫn khẳng định cô chỉ cố gắng để giới thiệu một câu chuyện lãng mạn và hài hước dựa trên lịch sử. Về cơ bản đây là một cuốn tiểu thuyết chứ không phải là một ghi chép lịch sử.
"Nhìn lại những điều đã xảy ra trong quá khứ dựa trên câu chữ được lịch sử viết lại, đâu mới là sự thật? Đâu không phải? Chúng ta mãi chẳng bao giờ biết được" Rompaeng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận