Những quầy hàng cuối cùng còn kinh doanh trước khi thương xá Tax đóng cửa - Ảnh: Dũng Tuấn |
Sáng cùng ngày, tại khu vực lầu 1 và tầng trệt, khách du lịch, người đi sắm lác đác, vài người thờ ơ lướt qua. Quần áo, giày dép treo đầy trên kệ, dù đã được treo những tấm biển giảm giá 70% từ nhiều ngày nhưng trước khi đóng cửa hàng vẫn ngồn ngộn.
Giày dép, phụ kiện được giảm hết cỡ, từ gần 1 triệu đồng/món hàng xuống còn 200.000-300.000 đồng. Tại các quầy mỹ phẩm, trang sức, nhân viên đang tập trung đóng gói hàng vào các thùng cactông lớn để vận chuyển.
Nhân viên một quầy trang sức cho biết hàng hóa bán không hết sẽ được đưa về công ty và chia cho các chi nhánh khác để bán. “Tạm thời đưa hàng về công ty theo chính sách, mai mốt mở chi nhánh mới ở đâu chúng tôi cũng chưa rõ” - nhân viên này cho hay.
Khu vực siêu thị hàng hóa trống trơn, quầy kệ cũng đã được tháo dỡ, đưa đi hết khỏi trung tâm thương mại.
Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị Nguyễn Thị Thu Hồng, tiểu thương bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại lầu 2, thống kê lại số hàng tồn để chuẩn bị dọn quầy, đóng sạp khi thương xá Tax đóng cửa.
“Bán kém lắm anh ạ. Khách du lịch giờ có ai vào mua nữa đâu, đành bán đổ bán tháo chịu lỗ thôi” - chị Hồng than thở.
Theo chị Hồng, tranh thủ bán cho hết ngày hôm nay và sáng mai rồi mới dọn hàng đem về nhà trên đường Lê Quang Định (Q.Bình Thạnh) để bán lai rai do vẫn chưa tìm được mặt bằng phù hợp để kinh doanh.
Nhiều tiểu thương cho biết cũng không thể vào các trung tâm thương mại tại khu vực trung tâm Q.1, TP.HCM do giá cho thuê quá đắt đỏ.
Theo một số tiểu thương, mặt bằng tại Vincom hiện có giá cho thuê 50-70 USD/m2, trong khi tại Lucky Plaza (đường Nguyễn Huệ) được “hét” tới 250 USD/m2 nên không thể kham nổi. Một số mặt bằng khác thì không thuận lợi để kinh doanh những mặt hàng mỹ nghệ vốn kén người sử dụng.
“Trước mắt tôi sẽ đưa hàng về nhà, rồi tìm địa điểm sau chứ biết tính thế nào. Phương án thuê mặt bằng tại các tòa nhà xung quanh sẽ được tính toán thật kỹ vì giá mặt bằng quá cao trong khi kinh doanh hàng hóa thì chậm, chưa biết thế nào” - anh Hoàng, chủ quầy đồ cổ, mỹ nghệ, nói.
Nhiều tiểu thương kinh doanh tại khu mỹ nghệ, đồ cổ cho biết giá mặt bằng, địa điểm kinh doanh “kén” người mua khiến các chủ quầy vẫn chưa tìm được địa điểm ưng ý, nhiều người đem hàng về nhà để kinh doanh.
Với mặt bằng được thương xá Tax giới thiệu là các siêu thị Satra Phạm Hùng (Q.8) và siêu thị Sài Gòn (Q.10), theo anh Hoàng, không thể buôn bán được.
“Đồ mỹ nghệ, đồ cổ phần lớn dành cho khách du lịch, người nước ngoài. Về những địa điểm đó làm sao tụi tôi kiếm được khách” - anh Hoàng cho biết.
Trong khi đó, đại diện thương xá Tax cho biết không có số liệu thống kê về lượng tiểu thương di chuyển sang siêu thị Satra Phạm Hùng và siêu thị Sài Gòn để kinh doanh vì thương xá Tax chỉ làm nhiệm vụ giới thiệu, còn tiểu thương tự liên hệ với các đơn vị này để thực hiện thuê quầy, sạp kinh doanh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận