Phóng to |
Sau khi không được lãnh đạo tỉnh Đồng Nai trả lời thỏa đáng, tiểu thương chợ Tân Hiệp đã giăng biểu ngữ yêu cầu giải quyết quyền lợi của họ - Ảnh: Hà Mi |
Nhưng hầu hết tiểu thương đều không đồng ý xây chợ mới. Cuộc đối thoại chưa có câu trả lời xác đáng nên khi vừa rời hội trường, gần 100 tiểu thương tiếp tục giăng biểu ngữ đòi quyền lợi.
“Cứ bố trí chỗ cũ cho tiểu thương”
Mở đầu cuộc lấy ý kiến, ông Trịnh Tuấn Liêm - quyền chủ tịch UBND TP Biên Hòa - thông báo: “Sau khi đưa ra nhiều phương án, Ban thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã thống nhất chọn một khu đất (góc ngã tư đường Đồng Khởi - Phan Trung, TP Biên Hòa) gần vị trí kinh doanh cũ của tiểu thương để làm lại chợ mới theo mô hình chợ truyền thống Tân Hiệp trước đây, đồng thời bố trí tiểu thương đúng vị trí như cũ”. Theo ông Liêm, phương án xây chợ mới đã được tính toán kỹ nên mong muốn bà con tiểu thương đồng thuận. TP cũng kèm theo chính sách hỗ trợ 5 triệu đồng tiền di dời ở chợ tạm về nơi mới và cộng thêm thời gian sử dụng sạp năm năm.
Đối thoại nhiều lần chưa có kết quả Chợ truyền thống Tân Hiệp nằm ở góc đường Nguyễn Ái Quốc - Đồng Khởi. Năm 2008, TP Biên Hòa yêu cầu tiểu thương di dời ra chợ tạm để xây dựng Trung tâm thương mại kết hợp với chợ truyền thống Tân Hiệp, đồng thời cam kết bố trí lại đúng vị trí cho tiểu thương. Trong quá trình xây dựng, trung tâm thương mại bị “biến dạng” trong thiết kế, trái với cam kết cùng tiểu thương. Từ đó, tiểu thương đã khiếu kiện khắp nơi đòi quyền lợi. Tỉnh Đồng Nai và TP Biên Hòa đến nay đã đối thoại nhiều lần nhưng vẫn chưa có kết quả. |
Tuy nhiên, hầu hết tiểu thương không đồng tình việc xây dựng chợ mới. Tiểu thương Đào Thị Phương Thảo nói: “Giá trị sạp chợ cũ mà tiểu thương từng kinh doanh có lợi hơn rất nhiều lần vị trí mà thành phố tính xây mới. Phải bố trí lại đúng nơi cũ cho tiểu thương chúng tôi”. Tương tự, tiểu thương Trần Thị Hiền cũng nói: “Khi yêu cầu chúng tôi dời về chợ tạm để làm trung tâm thương mại kết hợp với chợ truyền thống, các anh đã hứa với chúng tôi là bố trí đúng tầng trệt, công bằng, hợp lý. Giờ hứa sao phải làm vậy, chứ không ai muốn đến nơi xây mới đâu!”.
Cuộc đối thoại, lấy ý kiến hàng trăm tiểu thương cho phương án xây chợ Tân Hiệp mới có lúc trở nên căng thẳng. Bà Nga, một tiểu thương, bức xúc: “Năm năm rồi ra chợ tạm để nhường chỗ làm trung tâm thương mại chợ Tân Hiệp. Chúng tôi đợi ngày trở về nơi cũ nhưng các anh làm sai thiết kế, thất hứa với tiểu thương. Bây giờ cần thực hiện cam kết, bố trí tiểu thương chúng tôi vào đúng vị trí cũ.”
“Mong tiểu thương đồng thuận”
Trước nhiều ý kiến phải bố trí tiểu thương về đúng chỗ cũ mà không cần xây chợ mới, ông Trịnh Tuấn Liêm giải thích: “Chúng tôi đã từng nhận thiếu sót, không chối cãi nữa. Tỉnh và thành phố đã thấy làm sai với cam kết, không lấy ý kiến của tiểu thương khi thay đổi thiết kế trung tâm thương mại kết hợp với chợ truyền thống Tân Hiệp. Mục tiêu xây chợ mới là ổn định, phát triển, tránh khiếu kiện và đây cũng là quyền lợi lâu dài của tiểu thương. Do vậy chúng tôi mong bà con suy nghĩ, đồng thuận. Nếu để vụ việc này kéo dài mãi thì thiệt hại vẫn thuộc về bà con”. Theo ông Liêm, yêu cầu của tiểu thương phải đập trung tâm thương mại hiện hữu, sửa chữa và bố trí đúng vị trí như ban đầu cho tiểu thương sẽ rất khó về mặt kỹ thuật cũng như kinh doanh lâu dài.
Mặc dù ông Liêm giải thích nhưng hàng trăm tiểu thương vẫn nhất quyết phải bố trí về nơi cũ như cam kết chứ không cần xây chợ mới. Tiểu thương cũng yêu cầu TP Biên Hòa đưa ra ngay cam kết: “Bao giờ tiểu thương đang ở chợ tạm được quay về kinh doanh ở nơi cũ?”. Tuy nhiên, lãnh đạo TP Biên Hòa cho hay đây là vấn đề hết sức khó khăn, đối thoại “vẫn chưa gặp nhau” nên còn phải báo cáo Tỉnh ủy Đồng Nai xin ý kiến.
Nhưng tiểu thương vẫn không đồng ý, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái có mặt trong cuộc lấy ý kiến phải đưa ra lời cam kết. Ông Thái nói: “Thưa bà con tiểu thương, lỗi của các cơ quan chức năng tôi đã nhìn thấy và thay mặt tỉnh nhận lỗi với bà con rồi. Bây giờ là bàn đến phương án xây chợ mới. Đây là phương án tốt nhất tính đến thời điểm hiện nay. Cuộc họp đối thoại chưa có tiếng nói chung nhưng tôi vẫn mong bà con suy nghĩ, cân nhắc lợi ích cá nhân và xã hội để giải quyết cho ổn thỏa chứ đừng để kéo dài nữa”. Sau khi ông Thái phát biểu, cuộc đối thoại cũng bị dừng lại sớm hơn thời gian dự kiến. Tiểu thương vây quanh hội trường, sau đó kéo ra đường Nguyễn Ái Quốc và tiếp tục giăng biểu ngữ đòi chính quyền các cấp phải giải quyết dứt điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận