Nhiều sạp, kiốt tại chợ Tân Phú 1, Q.Tân Phú (TP.HCM) đóng cửa kín mít, không buôn bán - Ảnh: Tiến Long |
Tình cảnh đó đang diễn ra tại hai khu chợ Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh và chợ Tân Phú 1, P.Tân Thành, Q.Tân Phú (TP.HCM).
Mới 8g sáng khu nhà lồng của chợ Tân Phú 1 vắng hoe. Trong bốn mặt cửa vào nhà lồng, chỉ có cửa vào hàng thịt có người ra vào. Còn ba mặt khác buôn bán quần áo, tạp hóa và hàng cá thỉnh thoảng mới xuất hiện một vài khách tới hỏi mua.
Nhiều sạp, kiôt đóng cửa kín mít, trên cửa còn dán đầy giấy thông báo sang nhượng. Trái hẳn với khung cảnh đìu hiu đó, bốn mặt đường phía ngoài nhà lồng chợ lại tấp nập. Từ hàng quần áo, thịt, cá, rau củ... đều đông đúc người mua bán.
Bà Trần Thị Mai, tiểu thương bán quần áo ở chợ Tân Phú 1, cho biết bà đã bán ở đây 14 năm. Lúc trước chợ chưa xây, nền nhà thấp, lối đi lại rộng thoáng nên khách vào xem nhiều.
Từ năm 2010, chợ được đầu tư xây dựng mới, các bậc thang vào nhà lồng chợ nâng lên cao, lối đi giữa các sạp thu hẹp nên khách chỉ mua ngoài đường mà không vào nhà lồng. “Chú nhìn thấy đó từ ngoài đường đến đây chưa đầy 10m mà khách chẳng thèm vào mua” - bà Mai thở dài.
Tình cảnh này xảy ra tương tự tại chợ Vĩnh Lộc, H.Bình Chánh. Cả chợ có 400 sạp thì có gần 50% sạp bỏ trống. Tuy giờ cao điểm nhưng lượng người đến chợ mua bán rất lèo tèo. Nhiều tiểu thương buôn bán ế ẩm phải đóng cửa sạp.
Số khác đành bỏ trống sạp, kiôt để ra đường thuê mặt bằng bán. Bà Trần Mỹ Dung, tiểu thương bán quần áo, cho biết dù đã buôn bán ở chợ sáu năm nay nhưng do ế ẩm nên bà phải bỏ sạp ra đường thuê nhà dân buôn bán.
Ông Trần Văn Dũng, trưởng ban quản lý chợ Vĩnh Lộc, cho biết hiện nay chợ chỉ hoạt động cầm chừng do sức mua yếu. Ban quản lý chợ nhiều lần phản ảnh lên UBND xã, chính quyền có ra quân dẹp tình trạng buôn bán tự phát nhưng được thời gian thì tình trạng này lại tiếp diễn.
“Trước mắt ban quản lý hỗ trợ giảm chi phí thuê mặt bằng cho tiểu thương. Về lâu dài phải chờ vào việc chính quyền mở rộng con đường trước khu chợ và giải quyết tình trạng buôn bán tự phát thì mới hi vọng kéo người dân vào chợ được” - ông Dũng nói.
Còn bà Lê Thị Sao, phó trưởng Phòng kinh tế Q.Tân Phú, cho biết từ năm 2010 đến nay đã nhiều lần nhận được phản ảnh của tiểu thương buôn bán trong nhà lồng chợ Tân Phú 1. Việc tiểu thương trong nhà lồng chợ buôn bán không được là do cách bố trí gian hàng không phù hợp. Các ngành hàng sắp xếp chưa hợp lý.
Mặt khác, hiện nay chợ Tân Phú 1 tiếp giáp với bốn trục đường đều diễn ra tình trạng buôn bán tự phát. Người dân có thói quen mua ngoài đường cho thuận tiện nên không vào chợ. Sắp tới, Phòng kinh tế tham mưu UBND quận duy tu, cải tạo mặt nền chợ, sắp xếp lại vị trí ngành hàng cho phù hợp. Đặc biệt, kiên quyết giải tỏa người dân kinh doanh lấn chiếm lối đi xung quanh chợ.
Trong khi đó, theo ông Võ Trường Thành - phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, chính quyền địa phương thường xuyên ra quân xử lý tình trạng buôn bán tự phát tại các trục đường. Tuy nhiên, về lâu dài để giải quyết triệt để tình trạng này, UBND xã sẽ kiến nghị UBND huyện lập một khu chợ để tập trung người buôn bán tự phát vào đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận