09/11/2016 14:21 GMT+7

Tiêu thụ hàng gian, xử lý ra sao?

YẾN TRINH
YẾN TRINH

TTO - Các đối tượng phạm pháp lợi dụng việc mất cảnh giác của khách hàng để mua bán, tiêu thụ hàng gian hoặc không rõ nguồn gốc.

Trong khi đó các chuyên gia pháp lý cảnh báo đối với hàng hóa có giá trị, người mua phải mua “chính chủ” và có cam kết của người bán...

Ngày 3-11, anh C.V.T. đã trình báo Công an P.7 (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) sự việc một nam thanh niên rao bán chiếc máy quay phim mà anh bị mất cách đó không lâu.

Mua đi bán lại hàng gian

Trước đó vào tháng 5-2016, anh C.V.T. - công tác tại một cơ quan báo chí ở TP.HCM - bị trộm vào phòng trọ lấy mất một số tài sản, trong đó có máy quay phim chuyên dụng trị giá 54 triệu đồng.

Đến ngày 3-11, anh T. phát hiện có một người tên M. rao bán chiếc máy quay giống của anh trên trang mạng.

Sau khi liên hệ với người bán, anh T. hẹn gặp, xem số xêri và xác định đây đúng là chiếc máy quay của mình.

Sau khi anh trình báo sự việc cho Công an P.7, Q.Phú Nhuận (nơi anh đăng ký tạm trú), công an đã triệu tập M. để làm rõ. M. khai nhận đã mua máy này từ một đối tượng khác với giá 30 triệu đồng và giờ đăng bán lại với giá 42 triệu đồng.

M. cũng cho biết đã tự ý cạo bỏ logo nơi làm việc của anh T. in trên thân máy, và nghe đối tượng đó nói máy là hàng “chôm chỉa” nhưng vẫn mua.

Cơ quan công an đã tạm giữ máy quay phim và tiến hành điều tra, truy tìm đối tượng trộm cắp, đồng thời xem xét dấu hiệu hình sự của M. để xử lý.

Bên cạnh việc cố tình mua bán, tiêu thụ hàng gian, nhiều người cũng gặp rắc rối khi vô tình mua phải tài sản do người khác trộm cắp mà có.

Phổ biến là các loại xe máy, điện thoại, máy tính xách tay... được rao bán ở các chợ đồ cũ, trên các trang mạng. Không ít trường hợp ham của rẻ mua về xài được vài ngày thì bị công an triệu tập vì tài sản đó là tang vật trong một vụ trộm cắp, cướp giật.

Tiêu thụ hàng gian là phạm pháp

Tiến sĩ Phan Anh Tuấn, trưởng bộ môn luật hình sự ĐH Luật TP.HCM, cho biết theo thông tư liên tịch số 09/2011, nếu chứng minh được M. biết rõ là chiếc máy quay phim do trộm cắp mà vẫn mua thì M. phạm tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Theo ông Tuấn, chứng cứ để xác định hành vi của M. chính là việc M. đã khai nhận mua máy này từ một đối tượng rồi bán lại. Đồng thời M. đã tự ý cạo bỏ logo trên thân máy, biết đó là hàng trộm cắp nhưng vẫn mua.

Theo điều 250 Bộ luật hình sự, hành vi của M. có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Ông Tuấn cũng lưu ý do không bắt được đối tượng đã bán máy cho M. để kiểm tra lời khai và nếu không tìm ra các chứng cứ khác để buộc tội M. thì phải cẩn trọng khi truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn đối tượng đã bán máy cho M. có thể bị truy cứu về tội trộm cắp tài sản, nhưng khó để xác định chính xác đối tượng này vì đây chỉ là lời khai của M.. Theo quy định tại điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự, đó không được coi là chứng cứ duy nhất để buộc tội đối tượng này.

Đối với một số trường hợp “tình ngay lý gian” mua phải hàng gian, người lỡ mua bị công an triệu tập nên khai báo cụ thể rằng mình không biết đây là tài sản do người khác phạm tội mà có. Việc chứng minh một người là có tội hay không thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng.

Còn theo luật sư Huỳnh Văn Nông, khi mua các tài sản có đăng ký quyền sở hữu (như ôtô, xe máy...), người mua nên mua từ chính chủ (đứng tên trên giấy tờ đăng ký).

Đối với loại tài sản này nếu người bán không phải là người đứng tên hoặc có thẩm quyền bán, mà người mua vẫn mua thì có thể bị truy tố về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Khó chứng minh hành vi phạm tội

Theo ông Tuấn, để xử lý hành vi tiêu thụ hàng gian, cơ quan tố tụng phải chứng minh người đó biết rõ tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn tiêu thụ. Khi bị phát hiện, họ thường khai không biết rõ nguồn gốc tài sản.

“Đây là một dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan nên rất khó chứng minh, nếu họ có khai là biết rõ thì cơ quan chức năng cũng phải kết hợp với các chứng cứ khác để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này” - ông Tuấn nói.

Luật sư Nông cho rằng việc xử lý người có hành vi tiêu thụ hàng gian chỉ diễn ra khi cơ quan điều tra chứng minh được ý thức của người tiêu thụ biết rõ tài sản do trộm cắp mà có hoặc người tiêu thụ buộc phải biết tài sản mình mua là hàng do người khác phạm tội mà có.

Bên cạnh đó, việc mua bán, tiêu thụ hàng gian hiện nay khá phổ biến, từ các nguồn như chợ đồ cũ, xe máy cũ, hàng thanh lý từ các tiệm cầm đồ...

Theo ông Tuấn, chỉ trừ một số tài sản mua bán bắt buộc phải kèm theo giấy tờ tùy thân, còn lại các tài sản khác được mua bán dễ dàng đã tạo điều kiện cho việc tiêu thụ hàng gian.

“Biện pháp tốt nhất là quy định khi mua bán tài sản có giá trị từ 1 triệu đồng phải kèm theo hóa đơn, cam kết ghi rõ người mua bán. Việc này nhằm hạn chế phần nào việc mua bán, tiêu thụ đồ gian” - ông Tuấn nói.

Các chuyên gia pháp lý đề xuất các cơ quan chức năng cần tuyên truyền người dân không mua bán hàng gian, hàng không rõ nguồn gốc, kèm theo việc phổ biến pháp luật về chế tài đối với những hành vi này.

Cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra thường xuyên việc chấp hành quy định pháp luật về cầm cố tài sản đối với những cửa hàng kinh doanh, dịch vụ cầm đồ... để ngăn chặn hành vi tiêu thụ hàng gian.

Để tránh rắc rối khi mua tài sản, người mua nên biết người bán có quyền bán tài sản đó cho mình hay không (có phải chính chủ hay người được ủy quyền hợp pháp không). Trường hợp tài sản có nguồn gốc bất minh thì không nên mua.

Luật sư Huỳnh Văn Nông

YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp