NSƯT Đức Thịnh: “Với tần suất xuất hiện liên tục thì chắc chắn nghệ sĩ hài sẽ không có nhiều cái hay và giá trị cho khán giả”. Trong ảnh: NSƯT Đức Thịnh (bìa phải) và các nghệ sĩ hài Thu Trang, Trấn Thành, Trường Giang trong chương trình Đấu trường tiếu lâm - Ảnh: Điền Quân Media |
“Theo tôi, tất cả đều là nạn nhân của vòng xoáy hiện nay. Có nhiều người phải chịu trách nhiệm chứ không riêng gì nghệ sĩ. Mỗi bên, mỗi phía nên tự nhìn nhận lại mình. Bản thân nghệ sĩ nên giữ lòng tự trọng để làm nghề tốt hơn, đem lại bầu không khí nghệ thuật lành mạnh, tốt đẹp |
Trước đó, trên Facebook của mình, NSƯT Đức Thịnh đã có nhìn nhận về vấn đề hài nhảm đang gây bức xúc dư luận thời gian qua: “Tất cả nằm ở hai khía cạnh từ lâu mình đã nhìn thấy, đó là sự quá tải và áp lực tiếng cười!”.
Đâu rồi thời hoàng kim
* Anh cho rằng để xảy ra tình trạng công chúng gọi là hài nhảm trên sóng truyền hình nhiều năm qua là do áp lực từ sự quá tải. Quá tải là thế nào, thưa anh?
- Thời gian qua, các nhà sản xuất, đài truyền hình thường xuyên mời vài ba gương mặt sao hài có rating cao gấp nhiều lần những người còn lại nhằm bảo đảm an toàn về mặt doanh thu, quảng cáo. Thực sự những bạn trẻ như Trấn Thành, Trường Giang... cũng có tài, linh hoạt, phù hợp với một số chương trình. Lúc đầu họ cũng làm tốt, đạt hiệu quả cao nhưng vấn đề là họ bị quá tải.
Với tần suất xuất hiện liên tục thì chắc chắn nghệ sĩ hài sẽ không có nhiều cái hay và giá trị cho khán giả. Hiện tại, mọi thứ đều phải làm nhanh, gấp, gọn. Một tuần phải quay 30 số nên ai cũng phải hối hả chạy theo, vậy sự chỉn chu làm sao mà có. Một tiểu phẩm tập có 1-2 ngày sao mà hay được.
* Nhóm hài của anh và Thái Hòa ngày xưa diễn nhiều tiểu phẩm hài rất ấn tượng. Có một số tiểu phẩm đến tận bây giờ trong các live show hài vẫn sử dụng như Ăn mày, Những tay đua kiệt xuất...
- Ngày xưa tôi tự thấy mình kỹ tính mà gặp ông Thái Hòa ổng còn kỹ hơn cả tôi. Ban đầu chúng tôi diễn hài để có thể sống, tồn tại với nghệ thuật. Nhưng làm riết đâm ra yêu và đam mê.
Hài là môn khó, đâu dễ tìm ra cái gì đó hay ho. Có thể nói những năm diễn hài giúp chúng tôi trưởng thành rất nhiều trong nghề nghiệp. Để diễn hài tốt đòi hỏi phải có đam mê - tập luyện - đầu tư - tài năng.
Tụi tôi tự viết kịch bản, tự đạo diễn cho tiết mục của mình luôn. Hồi đó tôi sợ viết tiểu phẩm hài lắm, khó trời ơi. Tôi đọc báo thường xuyên, chú ý thấy có những tin tức thời sự mà mình có thể lẩy ra viết hài là bắt tay làm liền.
Một tiểu phẩm hài quan trọng nhất là tình huống hài, tiếp đó người viết phải lồng ghép một thông điệp, ý nghĩa nào đó để phát triển tiểu phẩm, còn mảng miếng hài là trong quá trình tập, từ tài năng của mình, diễn viên sẽ bung ra. Để có thể tạo tiếng cười ý nhị thì quá trình tập luyện quan trọng lắm!
Hồi đó, mỗi lần tập tiết mục mới là ông Hòa ổng hành tôi lên bờ xuống ruộng, lật đi lật lại vấn đề, trăn trở coi mảng miếng này có thực sự phù hợp chưa... Với một tiểu phẩm, chúng tôi phải tập mất ít nhất 2 tuần mới dám đem ra trình làng với khán giả.
Chính sự đầu tư như thế nên làng hài TP đã có thời kỳ hoàng kim từ năm 2000-2010. Lúc đó, TP có khoảng 40 nhóm hài, vì tính cạnh tranh cao nên nhóm nào cũng phải ráng o bế tiết mục của mình cho hay để bầu sô chú ý và mời diễn.
Tài năng đến đâu cũng cần kịch bản tốt
* Anh nói anh sợ viết tiểu phẩm hài vì khó khăn quá, thế nhưng có vẻ như trong các game show hài hiện nay, khâu kịch bản không được chú trọng?
- Đó là vấn đề cần quan tâm. Kịch bản cho các game show hài hiện nay rất bị xem nhẹ và làm qua loa vì có lẽ các nhà sản xuất nghĩ rằng khán giả chỉ cần nhìn thấy ngôi sao diễn trò là được. Nhưng trò của các ngôi sao cũng có giới hạn.
Ngôi sao dù tài năng đến đâu cũng cần có những kịch bản tốt. Vì quan niệm sai lầm của nhà sản xuất nên họ xem nhẹ, trả nhuận bút kịch bản hài rẻ. Lực lượng viết tốt mất dần vì chuyển qua làm việc khác hoặc viết mà không đầu tư, viết đại cho đủ trang, vô tình trút gánh nặng sang vai của các ngôi sao
* Vậy theo anh, có giải pháp nào cho hài bớt nhảm?
- Tôi nghĩ nhà sản xuất, nhà đài nên tính toán hợp lý cho tần suất xuất hiện của một ngôi sao. Hiện theo tôi ước tính có khoảng 15-20 gương mặt nghệ sĩ hài (cả cũ lẫn mới) có thể đảm nhận những vị trí quan trọng trong các game show.
Tất nhiên, thời gian ban đầu phải có sự hi sinh, phải đầu tư kịch bản kỹ lưỡng cho sự xuất hiện những gương mặt mới này để khán giả quen dần, họ sẽ phải tập thói quen xem nội dung chứ không phải ngôi sao.
Điều này, ở lĩnh vực điện ảnh đang có nhiều tín hiệu vui, những phim bán được vé không trông cậy nhiều vào ngôi sao mà nhờ kịch bản có đầu tư, có nội dung tốt. Ngược lại, các ngôi sao làng hài cũng nên biết từ chối khi mình đã thực sự quá tải để không rơi vào tình trạng mắt nhắm mắt mở, nói mà không trau chuốt!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận