Mọi người xếp hàng vào thăm khu hầm mộ của Chúa Jesus - Ảnh: AP
Các chuyên gia đã phân tích lớp vữa trát trên bề mặt hầm mộ cũng như phiến đá cẩm thạch phủ trên hầm mộ và rút ra kết luận khu hầm mộ này còn giữ lại những vết tích của công trình ban đầu có niên đại gần 1.700 năm.
Theo trang National Geographic, giới khảo cổ cho rằng khu Nhà thờ Mộ thánh Chúa (Holy Sepulchre) được những người La Mã phát hiện và đưa nó trở thành một địa chỉ thiêng vào khoảng năm 326 sau Công nguyên.
Trong nhiều thế kỷ, khu hầm mộ này đã trải qua các vụ tấn công bạo lực, hỏa hoạn và động đất. Năm 1009 nhà thờ này đã bị phá hủy hoàn toàn, sau đó được xây lại.
Thực tế đó đã khiến nhiều học giả hiện đại nghi ngờ về việc liệu đó có thể là nơi cất giữ thi hài của chúa Jesus khoảng 17 thế kỷ trước hay không.
Nhưng nay, các kết quả kiểm nghiệm mới đã xác nhận các phần di tích còn lại ở khu hầm mộ đá vôi bên trong nhà thờ là vết tính của khu hầm mộ do những người La Mã cổ đại xây dựng, tức có niên đại gần 1.700 năm.
Các mẫu vữa trát lấy từ phần giữa bề mặt đá vôi ban đầu của hầm mộ với phiến đá cẩm thạch phủ bên trên có niên đại khoảng năm 345 sau Công nguyên.
Các công nhân gỡ bỏ phiến đá cẩm thạch đặt trên hầm mộ Chúa - Ảnh: AP
Mặc dù các chuyên gia khảo cổ học vẫn chưa thể khẳng định được khu hầm mộ này có phải là nơi chôn cất thi hài của Chúa Jesus hay không, nhưng các chứng cứ mới về niên đại cho thấy công trình xây dựng hầm mộ này ban đầu rơi vào khoảng thời đại của hoàng đế Constantine, vị vua La Mã đầu tiên cải đạo sang Kito giáo. Hoàng đế Constantine trị vì La Mã từ năm 306 đến khi mất là năm 337.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận