Tom hiện kinh doanh vật liệu lợp, người được sinh ra từ dự án “Ngân hàng gây giống tinh trùng” của Graham xuất hiện trên chương trình “This is life with Lisa Ling” - Ảnh: This is life with Lisa Ling |
Robert K. Graham, triệu phú làm giàu nhờ phát minh vật liệu không vỡ làm kính thuốc, đã thành lập ngân hàng tinh trùng gây giống thiên tài từ những năm 1980 -1999, nhằm tạo ra những đứa bé thông minh, khỏe mạnh, giúp xã hội ngày càng tăng trưởng.
Đây là “ngân hàng” đầu tiên trong lịch sử rao bán tinh trùng của những người đoạt giải Nobel hay các nhà vô địch thế vận hội Olympic. Tuy nhiên, một bí mật động trời được giữ kín trong vòng 25 năm khiến cả thế giới ngỡ ngàng, người hiến tặng tinh trùng phần lớn là sinh viên đại học.
Julianna McKillop, người làm việc cùng Graham trong khoảng từ 1980 - 1985, nhớ lại cô lên xuống thường xuyên vùng West Coast tìm kiếm những sinh viên ưu tú từ các trường đại học tại đây.
Những bí mật được tiết lộ
Trong chương trình “This is life with Lisa Ling” phát sóng ngày 8-10 vừa rồi, vài nhân chứng sống từng thực hiện dự án “Ngân hàng tinh trùng gây giống thiên tài” cùng Graham và một vài “sản phẩm” được sinh ra từ dự án đã tiết lộ những bí mật chôn kín bấy lâu.
Theo New York Times, những phụ nữ tiếp nhận tinh trùng “thiên tài” từ dự án Graham chỉ tốn khoảng 50 USD cho phí đăng ký và 10 USD/tháng cho phí lưu trữ tinh trùng và vận chuyển.
Những phụ nữ đăng ký nhận tinh trùng buộc phải kết hôn (tuy nhiên từng có một trường hợp ngoại lệ dành cho bà mẹ độc thân) và không phải qua bất kỳ bài kiểm tra IQ hay di truyền nào.
Người hiến tinh trùng không phải là những thiên tài kiệt xuất như Graham cam kết, ngoài ra họ đều là người da trắng. Danh tính người hiến tặng tinh trùng phần lớn được giữ kín, nhưng theo David Plotz, tác giả cuốn Nhà máy thiên tài: Lịch sử lạ lùng ngân hàng tinh trùng gây giống thiên tài, cho biết: “Graham từng thừa nhận phần lớn người hiến tinh trùng là người da trắng. Tuy nhiên, bản thân ông luôn chối rằng rõ ràng tôi không phải là kẻ phân biệt chủng tộc cuồng tín".
Ngân hàng tinh trùng đã “sản xuất” ra 215 đứa trẻ. Hầu hết đứa bé được sinh ra từ dự án này có quá trình học tập khá tốt. Tuy nhiên, khi trưởng thành họ bình thường, không có những thành tựu nổi bật.
Ví dụ như Tom kinh doanh vật liệu lợp, Leandra là ca sĩ opera, Courtney là vũ công còn Logan có biểu hiện chứng tự kỷ. Nhưng phần lớn có điểm chung là những người sinh ra từ dự án này chịu nhiều áp lực lớn.
Tom cho biết: “Lúc nào tôi cũng nghĩ rằng mình phải làm điều gì đó xứng đáng với món quà mình nhận được".
Tuy nhiên, bà Adrience, mẹ của Leandra, Courtney và Logan, cho biết: “Những tinh trùng thiên tài không đảm bảo sự hạnh phúc và thành công cho chúng".
Mở đường các ngân hàng tinh trùng hiện nay
Graham từng tuyên bố: “Tôi muốn cải thiện vốn gen của con người. Vốn gen càng tốt, cá thể hưởng gen có những biểu hiện càng tốt và ngược lại. Vì vậy, phần lớn người hiến tặng tinh trùng trong dự án của tôi là những người có chỉ số IQ cao ngất ngưởng, các nhà khoa học đoạt giải Nobel hay các nhà vô địch thế vận hội.”
Không ngạc nhiên, dự án kỳ dị này đã gây làn sóng tranh luận dữ dội trong giới truyền thông. Họ cho rằng dự án này mang tính phân biệt chủng tộc, tương tự chủ thuyết về giống thượng đẳng Arier của Joseph Arthur De Gobineau từng xảy ra trong thời kỳ Đức quốc xã.
Dự án của Graham vẫn tiếp tục thực hiện mãi đến năm 1999.
Nhìn lại, dự án Graham đã mở đường cho nhiều ngân hàng tinh trùng hoạt động ngày nay. Nhiều cặp vợ chồng muốn xác định rõ danh tính người hiến tặng tinh trùng.
Bên cạnh đó, quá trình sàng lọc cá nhân hiến tặng tinh trùng được chú trọng hơn. Ví dụ như tại FairFax Cryobank, trong số những người đàn ông hiến tinh trùng chỉ khoảng dưới 1% đạt tiêu chuẩn” - bà Michelle Ottey, giám đốc phòng thí nghiệm, cho biết.
“Đó là một quá trình sàng lọc nghiêm ngặt, chương trình này đòi hỏi những tinh trùng thuộc dạng chất lượng cao” - bà giải thích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận