Phân loại rác thải trước khi xả ra môi trường để đảm bảo môi trường bền vững - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Người quen của tôi bị thú cưng cắn rách chiếc quần vải đũi yêu thích. Thoáng nghĩ đến việc mua cái mới, nhưng rồi lại thôi. Cô tự hỏi: vải làm từ gì, dệt thế nào, nhuộm ra sao... Mặt đất sẽ "lõm" đi một ít để tạo ra những thứ mới. Và rác thải từ đồ đã qua sử dụng thải ra môi trường ngày càng nhiều hơn, độc hại hơn.
Tôi cũng luôn hỏi chính mình trước khi bỏ đi một món đồ. Bỏ đi rất dễ, mua cái mới cũng đơn giản với nhiều người, nhưng sự hao hụt tài nguyên thiên nhiên thì khó bù đắp. Nên nhiều khi tôi đã chùn tay, không muốn bỏ đi những đồ vật cũ.
Những miếng vạt giường cũ có thể chế thành kệ giày, đôi ba thùng sơn cũ giờ thành thùng chứa enzyme hoa quả, bồ kết để làm chất tẩy rửa. Những lõi giấy, nắp chai cùng ít giấy báo, vài hạt cơm dẻo được hóa phép thành con rối. Bìa carton cũ đi kèm sợi dây giày cũ biến ra con cá, chiếc lá... để cô bé 4 tuổi học cách khâu vá.
Bạn tôi, ngày mới đi làm, thỉnh thoảng phải mua thiết bị văn phòng phẩm, hầu hết làm từ nhựa. Máy in cùng mực in, giấy in... toàn những thứ gây thiệt hại đáng kể cho thiên nhiên. Tôi từ khi di chuyển nhiều, trên những chuyến bay, chuyến tàu vẫn nghĩ mình đã góp phần tiêu tốn bao nhiêu tài nguyên.
Hành trình của tôi có tạo ra tác động đủ lớn để trả hết nợ với đất khi mà người ta lấy đi nguyên liệu, đốt nhiên liệu để sản xuất, có thu hồi lại được lượng phát thải do những thứ đó tạo ra không?
Rồi bạn tôi lặng lẽ canh trang sát lề, dùng giấy cả hai mặt để số lượng cây bị đốn, lượng nước sạch được dùng - nước bẩn bị thải ra trong quá trình làm giấy ít đi. Còn tôi chịu khó cuốc bộ, đạp xe, len lỏi trên xe buýt nhiều hơn và cố gắng thu xếp càng ít những chuyến bay càng tốt.
Chúng tôi cùng nghĩ: tiền không trả lại được những cánh rừng nguyên sinh bị chặt đốt để độc canh cọ, bạch đàn, cao su nhằm tạo ra nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của con người.
Tiền không giúp xử lý được hết vi nhựa ra khỏi đại dương, không kéo được khí thải về lại lòng đất, không trả về sức khỏe cho những người khuyết tật dị dạng tâm thần do phải dùng nước thải dệt nhuộm ô nhiễm. Và còn nhiều, nhiều điều nữa, chúng ta không trả được.
Nhưng chỉ chúng tôi, những cá nhân đơn lẻ không đủ tạo nên tác động lớn nào. Vì vậy chúng tôi vừa hành động vừa thủ thỉ với bạn bè, với họ hàng, cùng họ điều chỉnh dần những hành vi, thói quen sinh hoạt, tiêu dùng.
Thỉnh thoảng được bạn tặng vài món đồ nhưng không thích hoặc chưa phù hợp để mặc, thay vì để phí phải nghĩ cách để biến chúng trở nên thích hợp hơn. Tôi và nhóm bạn tự học cách để biến đồ cũ thành món đồ yêu thích của riêng mình. Chúng tôi chia sẻ với mọi người về công thức tự làm kem đánh răng từ vỏ cam, vỏ trứng, bột than tre, dầu dừa, baking soda, các loại trà thảo mộc...
Một người bạn khác chịu khó tìm kiếm và giới thiệu vài chỗ mua những sản phẩm được trồng, chế biến hoàn toàn thuận theo tự nhiên, tại nhà, gói ghém bằng tấm lòng hướng đến trái đất nên nói không với túi nylon, tìm loại giấy tái chế phù hợp cho thực phẩm.
Cứ thế, mỗi người như một con chim ruồi cứ làm phần việc của mình, ngậm một chút nước thả vào đám cháy to.
Mỗi người không ai có thể trả ngay lập tức những thiệt hại cho thiên nhiên. Nhưng nói không với những mong muốn không thật cần thiết, điều chỉnh dần hành động của bản thân cũng là tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận