03/04/2019 09:07 GMT+7

Tiết kiệm điện, đâu chỉ tiết kiệm tiền

KIM NGÂN
KIM NGÂN

TTO - Nắng nóng, giá điện tăng, chi phí tiền điện có thể tăng thêm. Tiết kiệm điện để tiết kiệm tiền nhưng cũng góp phần bảo vệ môi trường. Điều này ai cũng hiểu nhưng đã quên thực hiện…

Tiết kiệm điện, đâu chỉ tiết kiệm tiền - Ảnh 1.

Tập thói quen tắt các thiết bị điện không sử dụng khi ra khỏi phòng - Ảnh: NGUYỆT NHI

Giờ Trái đất năm 2019 (20h30-21h30 thứ bảy 30-3-2019), thông điệp từ Bộ Công thương là "tiết kiệm năng lượng là mũi tên trúng hai đích, vừa giúp nâng cao tính hiệu quả của cuộc sống, của nền kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái đất.

Nếu chúng ta sử dụng điện và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hơn, nền kinh tế nói chung, hiệu quả sản xuất kinh doanh sẽ tăng và gánh nặng về chi phí điện năng cho mỗi gia đình sẽ giảm...".

Bạn đã biết tiết kiệm điện chưa?

Từ buổi "tắt đèn Giờ Trái đất" lần đầu tiên cách đây 10 năm, tại Việt Nam có nhiều hoạt động hưởng ứng hoạt động này. Đến nay, chưa thể khảo sát, đo lường để xem hoạt động quảng bá, phổ biến, tuyên truyền này hiệu quả so với mục tiêu "sử dụng điện và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hơn". Với những hoạt động tắt đèn, thắp nến, chưa chắc xã hội đã biết tiết kiệm thật sự.

Có thể tạm kiểm tra hiệu quả ban đầu bằng các hóa đơn tiền điện mỗi tháng, và sau mỗi lần tăng giá điện (như vụ tăng giá điện 8,36% mới từ tuần trước) làm những mốc khảo sát... để xem người dân có tự ý giảm sử dụng điện không.

Bao nhiêu lần tăng giá điện, người dùng phải chi trả tiền điện cao hơn nhưng rồi không ai tự ý tiết giảm việc dùng điện. Kỳ sau lại tăng giá tiếp và mọi người lại móc tiền túi chi trả nhiều hơn nữa cho tiền điện. Giá điện tăng, chỉ số tiêu thụ cũng ngày càng tăng, tiền điện tăng dần, tăng nhanh. Nhưng mấy ai tiết kiệm điện, trước hết vì túi tiền của mình? Và điện lại tăng giá.

Nếu người dân giảm tiêu thụ, tác động có thể sẽ khác. Tự tiết kiệm điện cũng là cách người dân lên tiếng với ngành điện về việc "dừng vụ tăng giá nhé"! Thay vì phải thích nghi (hoặc chịu đựng) việc tăng giá điện đến mức mỗi nhà phải chi trả tiền triệu cho việc xài điện như hiện nay, chi bằng cần thay đổi thói quen sử dụng điện sao cho tối ưu, vì chính lợi ích của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan.

Tập thói quen tiết kiệm điện

Người dùng điện, đa số đang sống với thu nhập công nhân, viên chức, cần hiểu rằng giá điện tăng 8,36% trong thực tế sẽ tăng bao nhiêu, tính theo cách dùng điện cố hữu của chúng ta và hóa đơn tiền điện sắp tới sẽ là bao nhiêu.

Vậy có thể làm gì để không phải chi trả thêm quá nhiều, thâm vào thu nhập chưa dư dả? Có thể tắt đèn, tắt máy lạnh khi không cần mở không? Người nội trợ, giúp việc nhà vốn hay mở đèn sáng trưng cả nhà khi dọn dẹp trong khi chỉ cần làm phòng nào bật đèn phòng đó... "Tắt quạt, đèn khi ra khỏi phòng" - khẩu hiệu quen thuộc này nhiều người vẫn quên không làm.

Văn phòng làm việc xem như ngôi nhà thứ hai. Và việc tắt điện ở đó dường như còn chưa được "chăm chút" như là ở nhà. Bạn (và đồng nghiệp) có thể tận dụng ánh sáng và khí trời thay vì mở đèn, bật máy lạnh? Nếu không gian làm việc buộc phải mở máy lạnh, bạn có kiểm soát nhiệt độ vừa phải giúp tiết kiệm năng lượng, hạn chế lượng khí thải CO2 và ngăn ngừa bệnh tật?

Những việc nhỏ này không phải là chuyện từng cá nhân. Để thay đổi, giờ không còn là việc tuyên truyền nữa. Xưa rồi. Giờ phải là giáo dục để thay đổi ý thức hành vi tiêu dùng điện.

Đây là chuyện nguồn năng lượng quốc gia. Cơ quan quản lý nhà nước và ngành điện cần có những yêu cầu cụ thể về việc sử dụng điện để dần thành thói quen của người lớn và giáo dục con trẻ, bắt đầu từ chính con em mình tạo thành thói quen tiết kiệm điện. Không chỉ có tính giá điện, tăng giá điện, cần có giải pháp định hướng xã hội tiết kiệm nguồn năng lượng điện.

Nhiều cách giảm tiền điện hằng tháng

Có thể xem Singapore là hình mẫu phát triển của ta. Từ hàng chục năm trước, khi chưa có cuộc vận động "Giờ Trái đất", họ đã yêu cầu người dân thực hiện những cách tiết kiệm năng lượng, bảo vệ túi tiền của các bạn. Vài thói quen mới rất dễ học:

* Giảm tải cho máy lạnh: nhiệt độ ở 25oC là đủ, điều chỉnh tăng nhiệt độ sẽ giảm chi tiền điện, rửa lưới lọc mỗi tháng để máy lạnh không phải làm việc "nặng" hơn, không khí sạch, mát hơn.

* Sử dụng quạt để làm mát. Một bộ điều hòa không khí thông thường sử dụng năng lượng gấp 20 lần so với quạt trần.

* Tắt các thiết bị gia dụng khi không sử dụng: Tivi, máy tính tiếp tục sử dụng năng lượng cho đến khi bạn tắt chúng ở ổ cắm trên tường. Tắt ổ cắm trên tường có khả năng cắt giảm 10% năng lượng tiêu thụ ở nhà.

* Tủ lạnh: hãy mua kích cỡ cần dùng và đừng nhét đầy các khoang tủ khiến khí lạnh không lưu thông được.

* Máy giặt: giặt khi đầy tải.

* Máy tính/laptop: Để tiết kiệm năng lượng (và tiền), hãy cho máy tính "nghỉ đông" ở chế độ "ngủ" hay "tắt".

KIM NGÂN

KIM NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp