Một học sinh Trường THPT Phan Huy Chú thắp nhang cho các liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn - Ảnh: TRẦN HUY
Hành trình này là chương trình học trải nghiệm của liên môn ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng. Đây là năm thứ ba Trường THPT Phan Huy Chú thực hiện hành trình trên.
Hát và khóc giữa Trường Sơn
Các bạn học sinh được lần lượt đến các địa chỉ đỏ như cầu Hiền Lương, ngã ba Đồng Lộc, thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, quê hương Bác Hồ, nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp...
Ở mỗi địa danh, học sinh được nghe kể về nhân vật lịch sử, xem phim tư liệu và hiện vật được trưng bày...
Hát và khóc giữa Trường Sơn, trước những ngôi mộ chung của các liệt sĩ, hay khi xem tái hiện những năm tháng gian khổ mà hào hùng của quân dân ở dải đất miền Trung thời chiến tranh là cảm xúc đáng nhớ của nhiều học sinh.
Bài học không do các thầy cô trực tiếp giảng hay đọc từ sách vở, mà do chính học sinh tự cảm nhận trong không gian trải dài của "tiết học".
Ở ngã ba Đồng Lộc, nhiều gương mặt học sinh thẫn thờ trước di ảnh của những nữ liệt sĩ hi sinh ở độ tuổi các em bây giờ. Những giọt nước mắt đã rơi khi các em xem những vật dụng mà các liệt sĩ để lại: đôi dép nhỏ, mảnh áo, lá thư viết cho mẹ...
"Em thấy mình thật sướng khi sinh ra ở thời bình. Không thể tưởng tượng được những thế hệ trước đã phải trải qua những mất mát, gian khổ, khốc liệt đến thế" - một học sinh lớp 12B1 nói khi xem hình ảnh những thanh niên xung phong cắm tiêu sau các loạt bom, để chuẩn bị phá bom mở đường ở ngã ba Đồng Lộc.
"Các em hãy đặt tay lên ngực trái và hát bằng trái tim mình" - thầy hiệu trưởng Hà Xuân Nhâm nhắc các học sinh trước đài tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Và Quốc ca vang lên, không có cảnh kéo cờ như các lễ chào cờ đầu tuần ở trường, thay vào đó, hơn 300 học sinh và thầy cô giáo mặc trên người chiếc áo mang màu cờ Tổ quốc.
Những bài học mà các thầy cô dạy cho học sinh trong suốt hành trình chỉ gói gọn trong các lời nhắc khẽ: "Các em chia nhau ra thắp nhang nhé, đừng để sót một ngôi mộ nào lạnh lẽo", "Đừng vứt rác", "Không nói bậy ở đây nhé"...
Hay trong lời chia sẻ của thầy hiệu trưởng khi đứng trước bạt ngàn những ngôi mộ: "Dù thầy trò trường ta có thành tích thế nào thì về đây thầy cũng không dám kể. Bởi cố gắng nào cũng vô cùng bé nhỏ so với công lao và sự hi sinh của các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống cho hôm nay".
Cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên dạy văn Trường THPT Phan Huy Chú, kể năm trước cũng có chuyến đi như thế này, một học sinh đã khóc khi hết nhang mang theo mà vẫn còn những ngôi mộ chưa được thắp hương.
Theo cô Kim Anh, những giọt nước mắt như thế là một trải nghiệm cần thiết với người trẻ, nhất là khi bận rộn với cuộc sống hiện đại thường khiến các bạn dễ vô tâm.
Học cuốc đất, chiết cành
Học sinh được các chuyên gia ở Học viện nông nghiệp Việt Nam hướng dẫn cách chiết cây - Ảnh: TRẦN HUY
Nhiều học sinh lên xe ra về với những câu chuyện về "cuộc chiến cắm cờ", "cuộc chiến sơn cầu" ở vĩ tuyến 17. Học sinh cũng được trải nghiệm khi giao lưu và tổ chức hoạt động vui chơi với các em bé người Pa Cô ở Quảng Trị trong các trường tiểu học, THCS.
"Em không nghĩ một chiếc áo ấm lại ý nghĩa như thế với các em bé khó khăn" - một học sinh lớp 12B2 nói sau buổi giao lưu trên. Và đúng như các thầy cô ở Trường Phan Huy Chú mong muốn, hoạt động tặng quà từ thiện trong chuyến đi còn để học sinh thấm thía, trân trọng hạnh phúc mà các em đang có.
Theo cô Ngô Thị Thành - phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường THPT Phan Huy Chú, trong tuần học trải nghiệm, ở mỗi khối học sinh sẽ được học một nội dung, với một hành trình khác nhau.
Song song với hành trình của khối 12, các học sinh khối 10, 11 được đến các làng nghề, thực tập việc chăm sóc cây xanh ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam hay học trong bảo tàng...
"Có những em lần đầu được dạy cầm cuốc xới đất, phân biệt các loại phân hóa học, quy trình chiết cành. Cũng có em bị đứt tay, xây xát do dụng cụ lao động. Nhưng các em hào hứng với tiết học lắm. Có phụ huynh sau khi xem ảnh đã gửi lời cảm ơn nhà trường và mong các con được học nhiều buổi học ý nghĩa như thế" - cô Thành tâm sự.
Sản phẩm báo cáo sau các chuyến trải nghiệm của học sinh sẽ được chấm điểm và chọn báo cáo trước toàn trường, với các hình thức đa dạng: bài viết, thơ, kịch, tiết mục ca múa nhạc, các bài trình bày có ứng dụng công nghệ thông tin...
Nhưng theo nhiều phụ huynh cùng đi trong "hành trình tri ân" vừa qua, thì thành quả con mình nhận được không chỉ là các bản báo cáo chấm điểm, mà là những hiểu biết và cảm xúc có được trên những chặng đường.
Làm được nhờ tự chủ
Trường THPT Phan Huy Chú là trường công lập đầu tiên của Hà Nội thực hiện tự chủ tài chính, tự chủ trong xây dựng kế hoạch dạy học. Nhờ đó mà mô hình hành trình trải nghiệm cho học sinh đã được thực hiện thành công.
Với những mô hình giáo dục như trên, mọi chi phí đều nằm trong kinh phí của nhà trường, chủ động cân đối mà không phải lo lạm thu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận