Tiết dạy kiểu chuyển đổi số của cô Cao Thị Nguyệt, giáo viên Trường THCS Tân Bình, quận Tân Bình, TP.HCM, diễn ra ngày 2-4 với học sinh lớp 6/14. Đây là tiết dạy bộ môn lịch sử và địa lý, bài Thực hành - phân tích biểu đồ nhiệt độ và lượng mưa.
Tại tiết dạy này, cô Cao Thị Nguyệt đã sử dụng hàng loạt các phần mềm miễn phí như Quizizz, ClassDojo, Padlet… Đặc biệt nhất là khi cô Nguyệt sử dụng phần mềm Quizizz để cho học sinh làm bài tập theo kiểu trắc nghiệm.
Các học sinh không cần phải sử dụng điện thoại thông minh. Thay vào đó, cô giáo phát cho mỗi học sinh một tờ giấy A4 đã có mã QR chính là tên và số thứ tự của học sinh trong lớp.
Ngoài ra, bốn góc của hình vuông trên tờ giấy còn tượng trưng cho các đáp án a, b, c, d. Trước mỗi câu hỏi của giáo viên, học sinh chọn đáp án nào thì giơ góc đó lên. Cô Nguyệt đứng trên bục giảng sử dụng điện thoại có kết nối Internet để quét mã QR của từng học sinh. Ngay lúc đó, kết quả học sinh trả lời đúng hay sai sẽ báo ngay về máy của giáo viên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, thạc sĩ Cao Thị Nguyệt, giáo viên môn lịch sử và địa lý Trường THCS Tân Bình, cho biết: "Phần mềm Quizizz trước đây có điểm hạn chế là khi áp dụng trên lớp học thì các học sinh phải sử dụng điện thoại thông minh có 3G. Điều này gây trở ngại vì một số học sinh không có điện thoại thông minh, một số em có điện thoại thông minh nhưng lại không có kết nối Internet…
Tuy nhiên, khoảng một năm trở lại đây, phần mềm này có tính năng mới nên học sinh có thể làm bài trên giấy, rất thuận tiện đối với những trường khó khăn. Không những thế, giáo viên chỉ cần in một bộ mã và sử dụng cho nhiều lớp khác nhau".
Chuyển đổi số chỉ là một trong nhiều hình thức dạy học
Được biết, tiết dạy của cô Nguyệt là tiết dạy minh họa cho chuyên đề cấp thành phố "Tăng cường hiệu quả giảng dạy các dạng bài thực hành môn lịch sử và địa lý khối 6, 7, 8 theo định hướng phát triển năng lực học sinh".
Buổi chuyên đề có sự tham dự của đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cùng hơn 60 chuyên viên, giáo viên cốt cán đến từ các trường THCS trên địa bàn TP Thủ Đức và 21 quận, huyện.
Trong đó, hình thức dạy học kiểu chuyển đổi số chỉ chiếm một phần trong quá trình dạy học của giáo viên. Thạc sĩ Cao Thị Nguyệt giải thích: "Đặc thù của các bài thực hành địa lý thường khá khô khan, khó thu hút học sinh. Đặc biệt là việc dạy học sinh vẽ, phân tích, nhận xét các loại biểu đồ".
Có lẽ vì vậy mà cô Nguyệt đã sử dụng nhiều hình thức dạy học tích cực như: phương pháp "lẩu băng chuyền", cho học sinh sắm vai, làm việc nhóm…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận