Ông Lê Phong Linh trình HĐXX một số tập truyện Thần đồng Đất Việt - Ảnh: TUYẾT MAI
Trước đó, phiên toà xét xử vụ tranh chấp giữa nguyên đơn là ông Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh) và bị đơn là Công ty TNHH truyền thông giáo dục và giải trí Phan Thị (gọi tắt là Công ty Phan Thị) và bà Phan Thị Mỹ Hạnh (giám đốc Công ty Phan Thị) đã kết thúc phần hỏi, chuyển sang tranh luận.
Tuy nhiên, do ông Linh nhập viện nên HĐXX đã ngừng phiên tòa đến sáng nay.
Tại tòa, hai bên mất nhiều thời gian để tranh luận về dấu ấn cá nhân trong tác phẩm. Phía bị đơn cho rằng ông Linh không nói lên được phong cách, dấu ấn cá nhân với bốn nhân vật thì không thể là tác giả.
Về quyền làm tác phẩm phái sinh, bị đơn đề nghị HĐXX làm rõ biến thể có phải là tác phẩm phái sinh hay không và cần triệu tập Cục Bản quyền tác giả tham gia phiên tòa.
Đối đáp lại, phía nguyên đơn cho rằng Cục Bản quyền tác giả đã có văn bản nói rõ nếu phán quyết của tòa cho rằng việc cấp giấy là sai thì cục sẽ thu hồi. Việc triệu tập Cục Bản quyền tác giả chỉ làm kéo dài vụ việc và không cần thiết.
Theo phía nguyên đơn, không thể kiểm chứng hình ảnh trong đầu bà Hạnh là như thế nào, bằng lời nói thì làm sao có thể mô tả chính xác để họa sĩ vẽ lại đúng ý. Giả sử ông Linh vẽ theo mô tả của bà Hạnh thì ông Linh vẫn là tác giả vì ông Linh là người đã định hình và vẽ ra các nhân vật này. Đồng thời, luật sư cũng nhấn mạnh Công ước Berne không có thuật ngữ dấu ấn cá nhân.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của ông Linh cho rằng trường hợp người chép lại bài thơ giúp nhà thơ mù thì ngôn ngữ đã định hình xong trong đầu nhà thơ, còn người viết chỉ là người chép lại, không phải là tác giả. Nhưng đối với tác phẩm tạo hình thì khác, người góp ý cho người khác vẽ thì không phải là tác giả. Trên thế giới không có tác phẩm hội họa nào có đồng tác giả đối với cả người góp ý.
Bà Phan Thị Mỹ Hạnh tranh luận bổ sung - Ảnh: TUYẾT MAI
Tranh luận bổ sung, bà Phan Thị Mỹ Hạnh cho rằng việc Cục Bản quyền tác giả không có trách nhiệm trong vụ án này là không đúng, bởi Cục Bản quyền tác giả đã cấp giấy chứng nhận cho tập thể tác giả và bị đơn chỉ biết căn cứ vào giấy này.
Về chuyện nguyên đơn so sánh việc thay đổi 1 nốt nhạc trong bài hát với hình vẽ trong truyện tranh, theo bị đơn là khập khiễng. Bà Hạnh cho rằng bản chất nhân vật truyện tranh hoàn toàn khác với nhân vật trong hội họa ở chỗ trong truyện tranh thì trong tranh có truyện, trong truyện có tranh, trên gương mặt của nhân vật phải thể hiện phong thái nhân vật, như gương mặt "Trạng Tý" phải toát lên sự thông minh và phải phù hợp với cốt truyện.
Bà Hạnh cũng phản bác quan điểm cho rằng trên thế giới chưa công nhận đồng tác giả ở lĩnh vực này. Theo bà Hạnh, khi xây dựng nhân vật "Người nhện", người đọc chỉ biết đến tác giả là Stan Lee nhưng trên thực tế đó là sản phẩm do Stan Lee và Steve Ditko là đồng tác giả và có nhiều tác giả vẽ nên các hình ảnh khác nhau.
Khi tranh luận, nguyên đơn dẫn chứng câu chuyện về nhân vật Tin Tin, tuy nhiên câu chuyện Tin Tin không đúng với bản chất của Thần đồng Đất Việt bởi từng phần của Tin Tin được xuất bản trên báo, sau đó độc giả yêu thích nên các nhà sản xuất mới tập hợp lại và xuất bản thành tập. Trong khi đó, khi ông Lê Linh đến làm việc ở Công ty Phan Thị, ông Linh và nhóm êkíp đã phải ngồi lại cùng nhau bàn bạc, thực hiện.
Trước khi HĐXX nghị án, đại diện VKSND TP.HCM đề nghị HĐXX ngừng phiên tòa để đại diện VKS chuẩn bị nội dung phát biểu.
HĐXX quyết định ngừng phiên tòa và sẽ bắt đầu vào lúc 8h30 ngày 27-8.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận