21/07/2017 12:02 GMT+7

Tiếp tục mở cửa xả đáy thủy điện Hòa Bình

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sáng 21-7 quyết định mở thêm cửa xả đáy thứ 3 của hồ thủy điện Hòa Bình vào sáng 22-7.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu vận hành hồ chứa khoa học để đảm bảo an toàn- Ảnh: TUẤN PHÙNG
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu vận hành hồ chứa khoa học để đảm bảo an toàn- Ảnh: TUẤN PHÙNG

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sáng 21-7, Trưởng Ban chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã quyết định mở thêm cửa xả đáy thứ 3 của hồ thủy điện Hòa Bình vào sáng 22-7 để đảm bảo an toàn cho hồ.

Trước đó, do mưa lớn liên tục cả tháng nên lượng nước về hồ nhiều, chiều 18-7 hồ Hòa Bình đã mở 1 cửa xả đáy khi mực nước lên đến 106,19m. Đến sáng 19-7, hồ Hòa Bình  xả tiếp cửa đáy thứ 2 và phát điện hết công suất toàn bộ 8 tổ máy.

Tuy nhiên, đến 8h ngày 21-7, mực nước hồ Hòa Bình vẫn ở mức 106,32m, cao hơn mực nước cho phép 5,32m và cao hơn mực nước so với thời điểm mở cửa xả đầu tiên vào ngày 18-7.

Còn hồ thủy điện Sơn La cũng mở 1 cửa xả đáy vào sáng 19-7, đồng thời phát điện hết công suất toàn bộ 6 tổ máy khi mực nước lên đến 201,90m.

Đến 8h ngày 21-7 mực nước hồ Sơn La còn 201,07 m, giảm 0,83m so với thời điểm trước khi mở cửa xả. Tuy nhiên, mực nước của hồ vẫn cao hơn mực nước cho phép là 3,77m.

Theo ông  Trần Quang Hoài,  Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, sau 2 ngày vận hành xả lũ với tổng dung tích xả 277 triệu m3, mực nước hồ Sơn La xuống chậm (khoảng 0,42m/ngày). Mực nước hồ Hòa Bình tăng cao hơn so với trước khi xả lũ  là do lưu  lượng nước về hồ vẫn lớn hơn tổng lưu lượng xả và phát điện: tổng dung tích xả đáy khoảng 657 triệu m3, tổng dung tích phát điện khoảng phát điện khoảng 981 triệu m3.

Ông Hoài cho biết việc xả lũ không gây ảnh hưởng đến 194 điểm xung yếu về đê điều của 13 tỉnh thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Hệ thống đê vẫn an toàn và các điểm xung yếu vẫn được tổ chức theo dõi sát sao, sẵn sàng các phương án xử lý kịp thời.

Riêng tỉnh Hòa Bình, việc hồ chứa xả lũ làm nước sông Đà lên nhanh đã gây thiệt hại 30 lồng cá trắm đen và 6ha lúa mới cấy bị ngập.

Nhận định về thời tiết ở khu vực miền Bắc trong thời gian tới, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cho biết đến nay chưa có tiếp tình thế gây mưa lớn cho miền Bắc trong những ngày tới. Vùng áp thấp hình thành ở đông bắc biển Đông vào sáng 21-7 chưa có dấu hiệu tác động đến Việt Nam.

Dự báo từ nay đến 15-8, khu vực Tây Bắc, thượng nguồn sông Đà ở phía Trung Quốc có lượng mưa xấp xỉ  trung bình nhiều năm. Nhưng từ 31-7 đến 16-8 mưa hụt so với trung bình nhiều năm. 

Trong tháng 8-2017 lượng mưa  khu vực trên bằng mức trung bình nhiều năm (300-400mm) nhưng trong tháng 9 mưa hụt 10-20% so với trung bình nhiều năm, tháng 10  sẽ hụt 20-30% so với trung bình nhiều năm.

Dù hồ Hòa Bình đang phải mở cửa xả để đảm bảo an toàn nhưng đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng bày tỏ e ngại khó tích đủ nước cho mùa khô khi lượng mưa giảm dần từ tháng 8, lượng mưa được dự báo hụt 10 đến 30% cho tới tháng 10.

Tuy nhiên, với hiện trạng 2 hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình vẫn đầy nước hơn mức cho phép, Bộ trưởng  Nguyễn Xuân Cường cho rằng  đang diễn ra phức tạp đòi hỏi phải xử lý đồng bộ. Bởi vì hiện nay đang là tâm điểm mùa mưa bão, là thời điểm tần suất bão lũ xuất hiện rất nhanh và liên tục.

Với những đề xuất của các đơn vị tư vấn, cơ quan dự báo khí tượng, ông Cường quyết định thống nhất mở thêm cửa xả đáy thứ 3 của thủy điện Hòa Bình từ 6h ngày 22-7 để đảm bảo an toàn cho hồ khi lượng nước về hồ vẫn đang tăng.

Hồ thủy điện Hòa Bình sẽ mở cửa xả đáy thứ 3 từ sáng 22-7 - Ảnh: NHẬT LINH
Hồ thủy điện Hòa Bình sẽ mở cửa xả đáy thứ 3 từ sáng 22-7 - Ảnh: NHẬT LINH

Tổng kết cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định nếu mưa vẫn còn tiếp diễn trong những ngày tới ở miền Bắc thì sẽ ảnh hưởng đến an toàn hồ đập, nguy cơ thiệt hại lớn nếu không có giải pháp điều tiết, vận hành không khoa học. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng của các bộ ngành lúc này là  đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi  và đê điều. Tuy nhiên, vẫn phải chủ động đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô.

Vì vậy, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo an toàn cho hồ đập thủy lợi, gia cố đê điều để đảm bảo an toàn trong mưa lũ. Bộ Công thương và Tập đoàn điện lực Việt Nam đảm bảo vận hành an toàn các hồ thủy điện, không để xảy ra sự cố; phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan vận hành liên hồ chứa thủy điện đúng quy trình để đảm bảo an toàn cho hạ du…

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp