Tình hình tai nạn giao thông (TNGT) quý 1-2023 đã giảm cả ba tiêu chí so với năm 2022. Đặc biệt, số vụ TNGT liên quan đến rượu bia cũng giảm sâu.
Người dân hình thành dần thói quen "đã uống rượu bia, không lái xe", góp phần giảm bớt số vụ TNGT.
Ám ảnh tai nạn giao thông từ "ma men"
Chuyện tài xế vi phạm nồng độ cồn ("ma men") hay dương tính với ma túy (con nghiện) sau tay lái rồi gây hậu quả với không ít vụ tai nạn thảm khốc đã trở thành nỗi ám ảnh người đi đường.
Mới đây, hồi đầu tháng 2-2023, Phạm Văn Nhân (52 tuổi, trú tại xã Cửa Dương, TP Phú Quốc, Kiên Giang) điều khiển ô tô khi ra khỏi ngã ba vào ấp Ông Lang (Cửa Dương, Phú Quốc) đi không đúng phần đường đã đâm vào 3 xe máy.
Hậu quả làm 2 người tử vong và 4 người bị thương. Điều đáng nói, qua kiểm tra nồng độ cồn với tài xế Nhân, người này vi phạm ở mức 0,516mg/lít khí thở. Đây là mức vi phạm nồng độ cồn rất cao, gấp 1,3 lần mức cao nhất được quy định tại nghị định 100.
Trước đó, tại Quảng Nam cũng xảy ra một vụ tai nạn thảm khốc, nguyên nhân một phần do tài xế đã uống rượu bia.
Trương Vạn Nhật (28 tuổi, trú ở xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) khi lái xe bán tải đã bất ngờ tông vào xe máy chị V.T.H.S. và xe máy anh N.T.K. chở theo vợ đang lưu thông cùng chiều khiến ba người tử vong tại chỗ. Kiểm tra nồng độ cồn của Nhật cho kết quả là 1,288mg/lít khí thở, vượt hơn 3 lần mức vi phạm cao nhất.
Theo lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an), sau hàng loạt vụ tai nạn thảm khốc làm chết người, dù đủ chuyện tài xế nói lời sám hối, ăn năn, ân hận, nhưng bài đọc đắt giá đó có vẻ vẫn chưa đủ thức tỉnh "ma men".
Tại hội nghị triển khai công tác CSGT năm 2023, nói về quyết tâm giảm TNGT, thiếu tướng Nguyễn Văn Long, thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng dù TNGT đã giảm nhưng một năm chúng ta vẫn có gần 7.000 người ra đường không trở về nhà, tức có gần 7.000 gia đình có tang tóc, hơn 10.000 đứa trẻ mất cha mẹ, hàng nghìn người mất con.
Mạnh tay để thức tỉnh "ma men"
Đại tá Nguyễn Quang Nhật - trưởng phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT - cho biết trong năm 2023, lực lượng CSGT xác định chuyên đề trọng tâm, xuyên suốt là xử lý vi phạm về nồng độ cồn.
Thời gian qua, các đợt cao điểm xử phạt tài xế vi phạm quy định về nồng độ cồn được triển khai liên tục, việc kiểm soát nồng độ cồn được thực hiện trên cả nước, đặc biệt tập trung tại các đô thị đã tạo tính răn đe.
Lãnh đạo Cục CSGT cho biết với tinh thần xử lý vi phạm về nồng độ cồn quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, thời gian qua tình hình TNGT liên quan đến nồng độ cồn đã giảm sâu ở cả ba tiêu chí so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, trong quý 1, toàn quốc đã xảy ra 49 vụ TNGT liên quan đến nồng độ cồn, làm chết 20 người và làm bị thương 43 người. So với cùng kỳ đã giảm 70 vụ, giảm 60 người chết và giảm 30 người bị thương.
Lãnh đạo Cục CSGT đánh giá kết quả số vụ TNGT giảm nói chung và các vụ tai nạn nguyên nhân do rượu bia giảm thời gian qua cho thấy ý thức của người tham gia giao thông được nâng lên.
"Việc siết chặt kiểm tra tài xế say xỉn, mạnh tay xử phạt vi phạm nồng độ cồn đã góp phần thức tỉnh các "ma men", nỗi ám ảnh bởi các vụ tai nạn thảm khốc do rượu bia cũng giảm dần.
Người dân đã hình thành với thói quen uống rượu bia là không lái xe nên những ngày gần đây, tại nhiều địa phương, lực lượng CSGT dừng, kiểm tra thì lác đác mới phát hiện trường hợp vi phạm", lãnh đạo Cục CSGT chia sẻ.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết thêm để tiếp tục phát huy hiệu quả của việc siết chặt kiểm tra nồng độ cồn, giảm TNGT bền vững, thời gian tới lực lượng CSGT sẽ tập trung lực lượng, phương tiện, thiết bị nghiệp vụ đủ mạnh để tuần tra 24/7, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trong năm 2023, Bộ Công an xác định quan điểm thiết lập kỷ cương, bảo đảm trật tự an toàn trên các tuyến giao thông. Việc xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn là một trong ba hành vi vi phạm được tập trung xử lý để kéo giảm tai nạn cùng với hành vi chở quá tải trọng và chạy quá tốc độ.
"Với các trường hợp chống đối, cản trở lực lượng chức năng sẽ được lập hồ sơ, điều tra, xử lý và đề nghị truy tố theo quy định nhằm tăng tính răn đe. Tất cả vì mục tiêu tạo ra môi trường tham giao thông văn minh, an toàn", lãnh đạo Cục CSGT cho biết.
Bệnh viện cũng "dễ thở" hơn
Theo thông tin từ một số bệnh viện, do việc kiểm soát nồng độ cồn được siết chặt thời gian qua nên các vụ TNGT liên quan đến rượu bia cũng giảm mạnh.
Tại một số cơ sở y tế như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, số ca cấp cứu vì TNGT liên quan đến rượu bia đã giảm hẳn, số vụ tai nạn mức độ nghiêm trọng cũng giảm theo.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Hoàng Bùi Hải - trưởng khoa cấp cứu, hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - cho biết trước Tết mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hàng chục ca cấp cứu TNGT có liên quan rượu bia. Có ngày cao điểm các bác sĩ phải tiếp nhận, cứu chữa đến 20 ca, trong đó nhiều trường hợp rất nặng và tử vong.
Có những thời điểm các bác sĩ phải làm việc quá tải vì liên tiếp các vụ TNGT nghiêm trọng, trong đó nhiều vụ nghi ngờ liên quan đến rượu bia được đưa vào bệnh viện.
Các ca TNGT liên quan đến rượu bia đến bệnh viện cấp cứu cũng phát sinh nhiều tình huống khác nhau, có trường hợp chính người bị nạn hoặc người đi cùng trong trạng thái kích động đã gây hỗn loạn.
"Do đó, khi cứu một ca TNGT liên quan đến rượu bia, các bác sĩ, y tá phải làm việc rất vất vả, nhiều khi làm cả chuyên môn và đảm bảo an ninh trong phòng cấp cứu", PGS.TS Hoàng Bùi Hải cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Hải, từ thời điểm kiểm soát nồng độ cồn được siết chặt, các ca tai nạn được cấp cứu tại bệnh viện có nồng độ cồn cũng giảm mạnh. Số vụ tai nạn cũng như các trường hợp bị thương nặng đều giảm.
"Theo thống kê chưa đầy đủ, số ca TNGT nghi ngờ có sử dụng rượu bia phải làm xét nghiệm nồng độ cồn đã giảm đến 1/3.
Nếu như trước đây một quý bệnh viện tiếp nhận khoảng 300 - 400 ca TNGT có liên quan rượu bia thì bây giờ số này giảm xuống khoảng 200 ca.
Số ca giảm, mức độ tai nạn nghiêm trọng giảm thì bệnh viện cũng dễ thở hơn, các y bác sĩ có nhiều thời gian để chăm sóc cho các bệnh nhân khác", PGS.TS Hoàng Bùi Hải nói.
Kiên quyết với các hành vi chống đối
Theo thông tin từ Cục CSGT, chỉ trong ba tháng đầu năm, toàn quốc đã xảy ra 28 vụ việc chống người thi hành công vụ làm 10 cán bộ chiến sĩ bị thương. Đáng nói, có hơn 50% số vụ xảy ra khi tài xế bị kiểm tra nồng độ cồn.
Lực lượng CSGT trực tiếp, phối hợp bắt giữ 29 người vi phạm để bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.
Đại diện Cục CSGT cho biết so với cùng kỳ năm 2022 tăng 20 vụ, tăng 8 chiến sĩ CSGT bị thương và tăng 22 người vi phạm chống người thi hành công vụ bị bắt giữ. Đáng nói, số người sử dụng rượu bia chống đối CSGT lên đến 17 vụ (chiếm hơn 50%), làm 5 chiến sĩ CSGT bị thương.
Lý giải về vấn đề này, đại diện Cục CSGT cho biết tài xế sử dụng rượu bia sẽ dẫn đến việc không kiểm soát được tinh thần, hành vi của mình nên một số trường hợp vi phạm có hành vi cản trở, chống đối, không hợp tác, không chịu đo nồng độ cồn...
Thời gian tới, Cục CSGT sẽ tiếp tục phối hợp với công an các địa phương kiên quyết xử lý các trường hợp chống người thi hành công vụ ở mức độ nghiêm khắc nhất để răn đe các hành vi phạm tội.
Nói "không" với xin xỏ, tìm thêm cách tiếp cận, xử lý
* Hà Nội: xuyên suốt, năm này qua năm khác
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Phòng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an thành phố Hà Nội đánh giá, từ khi thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm tra nồng độ cồn, ý thức của người dân đã được nâng cao, thay đổi tích cực hơn, chuyện nhắc nhở nhau "đi vào bữa ăn của mọi nhà".
"Việc kiểm tra nồng độ cồn không chỉ là cao điểm trong thời gian này mà sẽ được làm xuyên suốt, hết năm nay và các năm tiếp theo.
Đó là nhiệm vụ trọng tâm không ngơi nghỉ. Từ đó nhằm hình thành thói quen cho người dân, cán bộ công nhân viên chức, đã uống rượu bia tuyệt đối không lái xe", đại diện Phòng CSGT Hà Nội nói và khẳng định bất kỳ ai vi phạm nồng độ cồn đều bị xử lý nghiêm theo quy định.
Anh V.X.A., chủ một quán bia trên đường Nguyễn Khuyến (Hà Đông, Hà Nội), cho biết từ khi cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra nồng độ cồn, quán của anh vắng khách hơn trước.
"Để thu hút khách, quán đã tìm nhiều cách để hỗ trợ như chuẩn bị các dịch vụ gọi xe đưa đón, làm việc với đội xe ôm túc trực đưa khách về, chuẩn bị sẵn sàng chỗ để xe qua đêm cho khách, mong rằng thời gian tới quán sẽ đông hơn", anh A. nói.
DANH TRỌNG
* TP.HCM: gửi thông báo địa phương, cưỡng chế
Theo CSGT TP.HCM, với những trường hợp không chấp hành ký biên bản khi vi phạm nồng độ cồn, CSGT sẽ lập biên bản ghi nhận vụ việc, hẹn người vi phạm từ 5 - 7 ngày sau phải đến trụ sở để làm việc.
Trường hợp quá hẹn mà người vi phạm không đến, CSGT sẽ gửi thông báo về địa phương, công an khu vực sẽ có biện pháp cưỡng chế.
CSGT TP.HCM cho biết các tổ tuần tra, kiểm soát sẽ linh hoạt kiểm tra tại một điểm kết hợp tuần tra, kiểm soát cơ động, tập trung tại những tuyến đường, địa bàn có tình hình giao thông phức tạp: khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi, quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn, cơ sở ăn uống có phục vụ rượu bia, tụ điểm về ma túy...
Khi phát hiện các trường hợp vi phạm sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định, tránh trường hợp "xin xỏ", bỏ qua lỗi vi phạm.
Tất cả các tổ tuần tra, kiểm soát đều được trang bị camera ghi hình gắn trên ngực, nón... để ghi lại toàn bộ quá trình xử lý, các trường hợp không chấp hành đo nồng độ cồn, cản trở, chống đối sẽ được ghi nhận đầy đủ, rõ ràng để xử lý.
MINH HÒA
* Miền Tây: trọng tâm là quốc lộ và về đêm
Trung tá Lê Anh Tuấn - đội trưởng Đội CSGT đường bộ thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang - cho hay CSGT sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện kỹ thuật, thường xuyên thay đổi thời gian, phương thức tuần tra, chủ động bố trí lực lượng tập trung tuần tra, kiểm soát ở các khu vực có nhiều nhà hàng, quán ăn, các điểm tổ chức sự kiện...
Khi tuần tra sẽ dùng camera ghi nhận lại quá trình kiểm tra, nếu người vi phạm không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, có lời nói, cử chỉ xúc phạm, chống người thi hành công vụ và các vụ vi phạm pháp luật khác.
Tại An Giang, nhờ quyết liệt xử lý mà trong quý 1-2023 đã phát hiện trên 2.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng 1.690 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Kiên Giang tăng 616 trường hợp và kéo giảm được 43,75% vụ tai nạn. Tại Đồng Tháp, lực lượng CSGT tỉnh đã phát hiện và xử lý 746 trường hợp, tăng 205 trường hợp so với cùng kỳ.
Tại Vĩnh Long, lực lượng CSGT phát hiện khoảng 500 trường hợp/tháng vi phạm, chủ yếu là người đi xe máy. Gần 50% trường hợp vi phạm ở mức cao nhất khi vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thượng tá Thái Viết Vũ - trưởng Phòng CSGT tỉnh Đồng Tháp - cho biết hằng ngày, Đồng Tháp triển khai kiểm tra chuyên đề nồng độ cồn tại các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh.
Ngoài căn cứ vào tình hình thực tế mà bố trí lực lượng tuần tra, đơn vị còn tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân. "Chúng tôi không thành lập tổ công tác nào cố định mà tuần tra lưu động.
Chúng tôi cũng đang tham mưu ban giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các địa phương xử lý thêm, địa phương nào không xử lý thì chúng tôi đưa quân, sau đó sẽ phê bình địa phương", thượng tá Vũ nói.
Còn Công an tỉnh Kiên Giang cho biết đã tham mưu cho UBND tỉnh về việc tăng cường xử lý, đặc biệt không để tác động, can thiệp đến việc xử lý vi phạm.
Công an tỉnh An Giang cho hay sẽ vào cuộc với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", tập trung vào các tuyến quốc lộ, đường tỉnh; địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự an toàn giao thông, với khung giờ từ 20h ngày hôm trước đến 2h ngày hôm sau.
Tại TP Long Xuyên, việc tuần tra xử lý nồng độ cồn từ 19h đến 4h sáng hôm sau.
B.ĐẤU - C.HẠNH - H.THƯƠNG - C.CÔNG
* Đà Nẵng: dân nhậu "ngấm" dần
Ghi nhận tại Đà Nẵng vào tối 12-4, tại chốt kiểm tra trên đường Võ Chí Công (Đà Nẵng) trong khoảng hai giờ đã dừng trên 100 ô tô và xe máy nhưng không phát hiện trường hợp nào vi phạm nồng độ cồn.
Thiếu tá Nguyễn Đình Trung, trưởng Trạm CSGT cửa ô Hòa Nhơn, cho hay gần đây lượng xe bị dừng để kiểm tra nhiều hơn nhưng có hôm chỉ phát hiện một trường hợp vi phạm hoặc không có trường hợp nào. Ngoài lập chốt, CSGT cũng tuần tra trên các tuyến phố.
Thiếu tá Phan Văn Khoa, đội phó đội tuần tra, dẫn đoàn (Phòng CSGT Đà Nẵng), cho biết đã nhận thấy có sự chuyển biến tích cực trong ý thức của người dân.
Đại tá Phan Ngọc Truyền, trưởng Phòng CSGT Công an Đà Nẵng, cũng khẳng định Công an TP đã quán triệt nghiêm cấm can thiệp vào việc xử lý vi phạm của CSGT, xử lý không có vùng cấm.
ĐOÀN CƯỜNG
Nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp quá trình xử lý vi phạm giao thông
Đây là nội dung trong thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý 1 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý 2-2023.
Trong thông báo này có ghi nhận số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn giảm sâu so với các năm trước.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trong đó tiếp tục duy trì chuyên đề xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; không thắt dây an toàn trên ô tô...
Phó thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng văn hóa giao thông theo tổ chức gắn với vai trò nêu gương của người đứng đầu.
Đổi mới phương thức tuyên truyền để nội dung tuyên truyền an toàn giao thông hấp dẫn hơn; xây dựng văn hóa giao thông theo tổ chức gắn với vai trò nêu gương của người đứng đầu; tập trung xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong đơn vị kinh doanh vận tải, doanh nghiệp, khu công nghiệp có đông công nhân, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; đưa nội dung giáo dục tuyên truyền an toàn giao thông vào chương trình sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể.
Phó thủ tướng biểu dương 42 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Còn 16 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 11 tỉnh tăng trên 20% là: Thái Bình, Hà Tĩnh, An Giang, Hà Giang, Tây Ninh, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kon Tum, Lạng Sơn và Sơn La.
Trong việc kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của từng địa bàn, lĩnh vực để xảy ra tai nạn giao thông tăng cũng ưu tiên kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy khi lái xe; chở hàng hóa quá tải trọng quy định của phương tiện và cầu đường và các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông...
Nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp vào quá trình xử lý của lực lượng chức năng trong các hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Chinhphu.vn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận