Phóng to |
Dương Chí Dũng và các đồng phạm tại tòa sáng 29-4 - Ảnh: Minh Quang |
Đại diện viện kiểm sát cho rằng một số vấn đề phát sinh vừa qua tại phiên tòa, kể cả tài liệu tương trợ tư pháp từ phía Nga, đều không làm thay đổi bản chất vụ án, nên vẫn bảo lưu quan điểm luận tội trước đó.
Theo công bố của hội đồng xét xử (HĐXX), tài liệu phía Nga cung cấp cho Việt Nam là các biên bản ghi lời khai những người có liên quan, tài liệu từ cơ quan thuế, Công ty Nakhodka... Tuy nhiên, tất cả luật sư đều cho rằng những tài liệu này không hợp lệ vì việc dịch không được thực hiện tại cơ quan ngoại giao theo quy định, chứng thực ở bên ngoài... HĐXX giải thích phần tài liệu tòa chuyển cho các luật sư chỉ là phần tiếng Việt, còn các nội dung văn bản tiếng Nga kèm theo không photo, tòa sẽ xem xét những tài liệu này có được coi là chứng cứ hợp lệ hay không.
Tại phiên tòa, HĐXX và luật sư tiếp tục xét hỏi các bị cáo, chủ yếu là bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) và hai em gái của bị cáo Sơn là Trần Hải Hà, Trần Thị Hải Huyền. Việc xét hỏi này nhằm làm rõ việc chuẩn bị tiền, chi tiền để Sơn mang đi chia chác cho các bị cáo khác. Trong đó đáng chú ý là những nội dung liên quan đến việc tra soát giao dịch của bị cáo Sơn tại Ngân hàng TMCP Hàng hải VN. Theo ông Nguyễn Tuấn Khang - đại diện Ngân hàng Hàng hải, ngân hàng không tìm được bất kỳ giao dịch nào của Trần Hải Sơn trong thời điểm được cho rằng Sơn rút tiền để đem chia cho các bị cáo khác (từ năm 2008 đến tháng 2-2009).
Kết quả này trở thành một trong những căn cứ để các luật sư tranh luận với đại diện viện kiểm sát. Theo đó, các luật sư dẫn chứng bị cáo Sơn khai nhận nhiều lần rút tiền tại Ngân hàng TMCP Hàng hải VN, chi nhánh Hải Phòng và chi nhánh Hà Nội để đưa cho các bị cáo Dũng, Phúc. Lời khai của bị cáo Sơn bị các luật sư đánh giá không khớp với sự thật khách quan, không chứng minh được việc chuẩn bị tiền nên không thể coi đây là căn cứ để buộc tội bị cáo Mai Văn Phúc.
Bào chữa tại tòa, bị cáo Phúc tự nói toàn bộ số tiền 1,666 triệu USD là do Trần Hải Sơn cầm cả. Cần làm rõ các khoản tiền mà Sơn khai đưa cho bị cáo vì các khoản chuẩn bị, chuyển qua ngân hàng không chứng minh được, trong khi Sơn không hề vay ai tiền thì lấy đâu tiền để chi cho bị cáo. Bị cáo Phúc nói cơ quan điều tra cho biết khi bị bắt, trong két của Trần Hải Sơn còn tồn 6 tỉ đồng, số tiền này theo bị cáo là một trong những chứng minh Sơn chiếm đoạt hoàn toàn số tiền 1,666 triệu USD.
Tương tự, bị cáo Dương Chí Dũng và luật sư cũng lật lại vấn đề về khoản chi 5 tỉ đồng tại khách sạn Victory ở TP.HCM. Theo các luật sư, thời điểm Sơn khai gọi điện cho bị cáo Dũng thì bị cáo còn trên máy bay nên không thể nghe được điện thoại. Thứ hai là thời điểm khai đưa tiền là 18g nhưng khi đó bị cáo chưa thể về đến khách sạn. Bị cáo Dũng cũng đặt vấn đề với 5 tỉ đồng thì bị cáo làm sao mang được lên máy bay, qua bao nhiêu máy soi chiếu. Bị cáo cho rằng nếu đưa tiền, Sơn phải mang ra nhà bị cáo ở Hà Nội, chứ không phải vào TP.HCM lấy.
HĐXX nghị án, dự kiến tuyên án vào chiều 7-5.
Bị cáo Dương Chí Dũng: “Quýt làm cam chịu” Sau khi nghe các bị cáo, luật sư, đại diện viện kiểm sát tranh tụng, HĐXX cho các bị cáo được nói lời sau cùng. Bị cáo Dương Chí Dũng thừa nhận để xảy ra sai phạm tại Vinalines là có tội, nhưng vẫn khẳng định mình không nhận tiền tham ô và xin cho bị cáo được sống vì đây là việc “quýt làm cam chịu”. Bị cáo Mai Văn Phúc cũng đề nghị xem xét minh oan cho bị cáo cả hai tội danh. Bị cáo Trần Hải Sơn thừa nhận sai phạm và mong HĐXX xem xét khi lượng hình. Trong khi đó, bị cáo Trần Hữu Chiều (nguyên phó tổng giám đốc Vinalines) xin xem xét giảm nhẹ trách nhiệm về tội cố ý làm trái và đề nghị HĐXX xem xét miễn trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản đối với bị cáo. Các bị cáo là cán bộ hải quan đề nghị tòa xem xét miễn trách nhiệm bồi thường dân sự cho mình nếu xác định và phán quyết ụ nổi không phải là tàu. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận