Sau khi sử dụng liệu pháp miễn dịch, ông A. đã có nhiều thay đổi tích cực về sức khỏe và tinh thần
Lội ngược dòng trở về cuộc sống bình thường
Tại buổi họp lớp đồng niên năm nay, ai cũng ngỡ ngàng vì ngạc nhiên khi thấy ông N.V.A., 61 tuổi, hiện đang sống tại Bắc Giang. Bởi ông A. lúc này rất khỏe mạnh và vui tươi, không còn dáng vẻ tiều tụy, buồn rầu như 2 năm trước, khi bắt đầu điều trị căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối.
Ông A. cho biết lúc mới hay tin mình bị ung thư phổi giai đoạn cuối, ông hoảng loạn và suy sụp. Sau đó, ông đã trấn tĩnh lại và tự nhủ bản thân không được đầu hàng. Suốt 2 năm qua, ông đã kiên trì chiến đấu với bệnh ung thư, với sự hỗ trợ hết mình của các bác sĩ và sự động viên của gia đình, bè bạn.
Tại Bệnh viện K trung ương, ban đầu ông A. được chỉ định truyền hóa chất. Tuy nhiên, ông gặp nhiều tác dụng phụ. Bà N.T.K., 57 tuổi, vợ ông A., thừa nhận: "Có những lúc tôi nghĩ rằng chồng tôi không qua khỏi, tôi rất lo lắng mà không dám nói ra".
Khi ông A. dự buổi họp lớp ở Bắc Ninh, con trai ông về đưa bố đi. Lúc ông vào trong gặp bạn bè, người con trai quay xe lại và khóc. Anh nghĩ chắc đây là lần cuối cùng được đưa bố đi họp lớp…
Một thời gian sau, bệnh di căn đến thận. Lúc này, bác sĩ quyết định cho ông A. sử dụng thuốc miễn dịch. Sau ba lần truyền thuốc, sức khỏe của ông bắt đầu thay đổi.
"Kể từ khi điều trị thuốc mới, sức khỏe tôi chuyển biến tích cực. Tôi ăn uống rất tốt, ăn được, ngủ được. Cái tôi sung sướng nhất là không còn những trận đau, những cơn đau như ngày xưa. Tôi đã từng nghĩ cuộc sống của mình từ đây chỉ có thể đi xuống. Nhưng nhờ đáp ứng tốt với thuốc miễn dịch, tôi đã có thể quay trở lại với cuộc sống bình thường", ông A. cười thật tươi khi nhớ lại những ngày đó.
Trước đây ông A. là giáo viên. Bây giờ dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn thích tham gia các hoạt động của làng xã và hiện là phó chủ tịch hội khuyến học của xã, thành viên tổ giám sát xây dựng của thôn.
"Sau một thời gian điều trị bằng thuốc miễn dịch, tôi thấy mình như đã lội ngược dòng trở lại cuộc sống, giúp ích cho đời" - ông chia sẻ. Ông N.V.H., 52 tuổi, hàng xóm của ông A., cho biết: "Ngày trước tôi về thấy sức khỏe bác yếu, gầy gò, hỏi thăm thì bảo ăn uống kém nhưng lần này thấy sức khỏe tốt, phong độ tốt".
Hành trình chiến thắng bệnh tật của ông A. trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều bệnh nhân ung thư khác, đặc biệt là những người không may được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn cuối.
Thuốc tiên tiến điều trị ung thư - bệnh nhân có dễ tiếp cận?
Liệu pháp miễn dịch là phương pháp sử dụng các thuốc để giúp cho hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại tế bào ung thư. Đây đang là một hướng đi mới của nhiều nhà nghiên cứu khoa học trên thế giới trong cuộc chiến với bệnh ung thư. Việt Nam cũng đã bắt đầu ứng dụng phương pháp điều trị tiên tiến này từ năm 2017. Bước đầu, phương pháp này đã đem lại những tín hiệu tích cực cho người bệnh ung thư như ông A..
Tuy nhiên, không phải bệnh nhân ung thư nào cũng may mắn được tiếp cận liệu pháp điều trị tiên tiến, do lo ngại gánh nặng tài chính. Lý do vì hầu hết các thuốc mới này chưa được Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả.
Thực tế tại Việt Nam, quá trình phê duyệt thuốc mới từ lúc đăng ký lưu hành đến khi bệnh nhân được tiếp cận rộng rãi thông qua Quỹ BHYT chi trả tương đối chậm, mất khoảng 8-10 năm. Danh mục thuốc được Quỹ BHYT chi trả được cập nhật gần đây nhất là năm 2019.
Hai liệu pháp trị ung thư tiên tiến nhất hiện nay giúp bệnh nhân mắc một số loại ung thư có cơ hội kéo dài sự sống là điều trị đích và miễn dịch. Trong đó, điều trị đích đã được phê duyệt vào danh mục thuốc được Quỹ BHYT chi trả cho các bệnh nhân phù hợp. Nhưng liệu pháp miễn dịch, dù đã được giới thiệu tại Việt Nam được 5 năm nay, vẫn chưa được xem xét phê duyệt vào danh mục thuốc được chi trả này.
Do vậy, những bệnh nhân ung thư không phù hợp với điều trị đích nhưng cũng không có cơ hội tiếp cận với các thuốc điều trị miễn dịch mới thông qua kênh BHYT chi trả.
Nhìn toàn cảnh, từ năm 2019 đến nay, mỗi năm có rất nhiều thuốc mới phát minh ra đời, đem lại những bước tiến vượt bậc trong điều trị bệnh nhân ung thư cũng như nhiều căn bệnh khác. Cơ hội kéo dài cuộc sống của nhiều bệnh nhân đang bị bỏ lỡ bởi khó tiếp cận thuốc tiên tiến ngoài danh mục được BHYT chi trả. Khả năng tiếp cận các thuốc tiên tiến để chữa trị ung thư là không cao bởi hiện nay, người bệnh tại Việt Nam đang phải chi trả tiền túi lên đến 43% chi phí y tế, khá cao so với mục tiêu 35% mà Bộ Y tế đề ra.
Người bệnh tại Việt Nam đang phải chi trả tiền túi lên đến 43% chi phí y tế
Làm gì để nhanh chóng đưa thuốc tiên tiến đến tay người bệnh?
Việt Nam đã có những tiến triển và hành động nhằm rút ngắn khoảng cách với thành tựu y khoa thế giới với mục tiêu lớn của chiến lược phát triển ngành dược là bảo đảm có đủ thuốc tốt, giá hợp lý nhất cho người dân.
Mới đây, Bộ Y tế đã đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược theo trình tự, thủ tục rút gọn. Trong đó có đề xuất đáng chú ý là tiến tới gia hạn tự động giấy đăng ký lưu hành thuốc và cắt giảm thủ tục cấp phép lưu hành thuốc mới.
Trong cuộc họp ngày 21-9, làm việc với Bộ Y tế, các hiệp hội, doanh nghiệp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị khẩn trương sửa đổi thông tư về ban hành danh mục và tỉ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT theo hướng cập nhật hằng năm, hoặc trong trường hợp cần thiết.
Việc sớm xem xét đưa thuốc mới vào danh mục BHYT chi trả và rút ngắn thời gian phê duyệt sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc tăng hiệu quả điều trị và giảm gánh nặng tài chính cho bệnh nhân, đảm bảo cho mọi người được tiếp cận thuốc một cách công bằng và bền vững.
Theo đó, danh sách thuốc được quỹ bảo hiểm chi trả cần xem xét và phê duyệt thường xuyên hơn, chẳng hạn như hằng năm, giống như nhiều nước trên thế giới. Danh mục thuốc được bảo hiểm chi trả cần đáp ứng được nhu cầu điều trị, quyền tiếp cận của người bệnh trong khả năng chi trả của Quỹ BHYT.
Bên cạnh đó, quy trình xem xét và phê duyệt cũng cần được rút gọn. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, có thể áp dụng những cơ chế như chia sẻ rủi ro giữa chính phủ/bảo hiểm xã hội với nhà sản xuất/nhà phân phối thuốc… để áp dụng phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận