15/09/2022 09:01 GMT+7

Tiếp sức nhà nông: Nhận vốn lúc cùng cực

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - Đồng vốn vay không lãi suất đã giúp nhiều hộ nông dân "bật lên" trong những ngày cùng cực sau giãn cách xã hội. Chỉ sau 1 năm được trao vốn từ chương trình Tiếp sức nhà nông năm 2021, nhiều hộ nông dân được chòm xóm gọi là 'chủ trang trại'.

Tiếp sức nhà nông: Nhận vốn lúc cùng cực - Ảnh 1.

Sau 1 năm nhận vốn, các hộ nông dân ở Thanh Hóa đã có thu nhập ổn định - Ảnh: VŨ TUẤN

"Không được trao vốn, chúng tôi chẳng biết làm gì để nuôi con" - chị Huyền, ở xã Hóa Quỳ, thảng thốt nhớ lại những ngày khốn khó sau giãn cách vì COVID-19.

Lúc ấy, vợ chồng chị Huyền phải bỏ ruộng vườn để đi làm thuê. Đại dịch ập về, chẳng còn ai thuê nữa, họ trở về với mảnh vườn cỏ đã mọc ngang lưng.

Nguồn vốn của chương trình Tiếp sức nhà nông không lãi, được hỗ trợ 3 triệu đồng thức ăn, lại được thưởng nếu trả đúng hạn, rồi con cái các hộ tham gia chương trình học tập tốt được nhận học bổng. Nông dân không bị sức ép phải trả lãi hằng tháng nên tập trung vào chăn nuôi, sản xuất.

Bà Lô Thị Diễn (chủ tịch Hội Nông dân huyện Như Xuân)

"Chủ trang trại" thoát nghèo

Bà con xóm Luống Đồng, xã Hóa Quỳ (huyện Như Xuân, Thanh Hóa) gọi chị Nguyễn Thị Huyền là bà chủ trang trại. Chỉ mới năm ngoái, vợ chồng "bà chủ" còn chạy vạy từng bữa để ba đứa con được đến trường. Với chưa đầy một sào ruộng (sào Trung Bộ 500m2) cộng thêm mảnh vườn, hai vợ chồng chị cùng đàn con chỉ đủ đến bữa không phải ra chợ mua rau. Anh chị mỗi người đi một hướng, ai thuê gì làm nấy. Ngày công 200.000 đồng, bữa được bữa chăng khiến mỗi dịp phải mua quần áo, sách vở cho lũ trẻ là chị Huyền lại chạy đi gõ cửa anh em, bạn bè mượn từ vài trăm nghìn đồng.

Rồi "cơn bão" giãn cách vì dịch COVID-19 khiến những người nông dân bỏ xứ làm thuê lại thất nghiệp, khốn khó đủ đường. Đúng lúc này, vợ chồng chị Huyền nhận được 20 triệu đồng từ chương trình Tiếp sức nhà nông do báo Tuổi Trẻ tổ chức với nguồn tài trợ từ Công ty GREENFEED Việt Nam.

Với số vốn 20 triệu đồng không phải trả lãi, còn được thêm phiếu mua thức ăn trị giá 3 triệu đồng, chị Huyền trước đây nằm mơ cũng không thấy. Buổi trao vốn, chị Huyền nghe như nuốt từng lời anh cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chăn nuôi vịt. "Hợp với mô hình chăn nuôi nhỏ, nhanh quay vòng vốn..." - chị Huyền mỉm cười khi nhìn lại khu vườn của nhà mình.

Chị Huyền và em trai nhận thầu lại một cái hồ thủy lợi để làm mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng (VAC). Chị mua 600 con vịt giống, tận dụng mặt nước và nguồn thức ăn ở địa phương để nuôi vịt. Số tiền còn lại chị mua 6 con lợn giống và dành một phần mua thức ăn và phòng dịch bệnh.

Vài tháng sau, chị bán lứa đầu tiên được hơn 15 triệu đồng. Chị Huyền quay vòng vốn nuôi thêm đàn vịt, hơn trăm con gà và nuôi thêm lứa lợn mới. Nhìn đàn lợn béo nần nẫn tranh nhau ăn trong chuồng, chị Huyền rưng rưng nước mắt khi những ngày cùng cực trước đây đã lùi xa.

"Sau giãn cách, dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều nơi. Giá vịt, giá lợn lúc tôi bán chưa được giá. Tôi hy vọng lứa tới này tôi sẽ có lãi gấp rưỡi lứa trước" - chị Huyền tự tin.

Đồng vốn đến vùng "đất cuối" đúng lúc

Hóa Quỳ và Xuân Hòa là hai xã khó khăn nhất của huyện Như Xuân, Thanh Hóa. Nhiều người gọi vùng này là "đất cuối" vì xa trung tâm huyện lại không có điều kiện thuận lợi để làm kinh tế. Ngoài diện tích trồng keo ít ỏi, đi cả vùng không có cây trồng chủ lực có giá trị để bà con thoát nghèo. Trước đây, vùng này trông vào cây sắn (khoai mì), nhưng mấy năm gần đây giá sắn bấp bênh, có năm bán cả vườn sắn vẫn không đủ trả tiền phân bón và tiền thuê máy cày xới.

Anh Nguyễn Phú Chuẩn ở thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ, cay buốt sống mũi nhắc lại những ngày tháng phải bán vườn keo non chưa đầy 4 năm tuổi để trả nợ. Số tiền chỉ vài triệu đồng anh vay mượn bà con mua quần áo, sách vở, đóng học cho ba đứa con năm trước.

"Ở nhà tôi là lao động chính - anh Chuẩn xúc động - Cả nhà sáu miệng ăn trông vào mấy cây keo và đồng tiền công phát cỏ thuê. Có tháng ít mưa gió người ta thuê đều cũng đỡ, nhưng nhiều tháng mưa gió rồi máy hỏng... Lúc bí quá phải đi vay tiền sửa máy, mua xăng... Vay nhiều, người ta cũng không cho vay nữa. Cứ giật gấu vá vai suốt như thế".

Rồi anh Chuẩn mượn được một cái ao nhỏ để chăn nuôi theo mô hình VAC. Thế nhưng, bao năm trời anh Chuẩn luẩn quẩn trong cái vòng vay nợ, nghèo túng vì thiếu vốn. Chuồng trại tạm bợ nuôi được ít, lại dễ bị dịch bệnh, anh Chuẩn nai lưng đi làm thuê lấy tiền trang trải cuộc sống, khu vườn và ao nuôi chẳng được chăm chút.

Đến khi nhận được vốn, người nông dân này bắt tay ngay vào kiên cố dãy chuồng nuôi lợn. Số còn lại anh góp tiền nuôi trâu. Sau 1 năm được "tiếp sức", anh Chuẩn có thêm "nguồn vốn" mới là một con nghé, đàn lợn hơn chục con và lũ gà chạy rào rào trong đồi keo.

"Chắc chắn từ giờ trở đi tôi không phải bán keo non nữa!" - anh Chuẩn khẳng khái. Người nông dân khắc khổ tính toán tiền sinh hoạt của gia đình là tiền đi làm công của hai vợ chồng. Đàn gà, đàn lợn và con trâu mẹ để quay vòng vốn phát triển lên thành trang trại. Vườn keo của gia đình coi như khoản tiền "bỏ ống", vài năm nữa sẽ có một khoản kha khá. Vấn đề của anh Chuẩn là giữ để "vốn liếng" của gia đình phát triển khỏe mạnh, không bị dịch bệnh.

Năm 2021, 40 hộ nông dân ở các xã Xuân Hòa và Hóa Quỳ của huyện Như Xuân (Thanh Hóa) được nhận vốn hỗ trợ từ chương trình Tiếp sức nhà nông. Thời điểm trao vốn là "kẽ hở" hiếm hoi giữa đợt giãn cách xã hội và thời gian bùng phát dịch COVID-19 ra cộng đồng.

Ông Vũ Bá Tuấn, trưởng phòng cấp cao marketing khu vực miền Bắc - miền Trung của GREENFEED Việt Nam, cho hay nhà tài trợ cùng với đơn vị tổ chức đặt mục tiêu phải trao bằng được số vốn đến tay nông dân. Sau thời gian giãn cách xã hội, gần như các hộ nông dân được khảo sát trước đó rơi vào hoàn cảnh túng quẫn. Nông sản giá rẻ, lại không được lưu thông, họ trông vào việc bán sức lao động nhưng cũng mất việc làm. Họ cần vốn lúc này hơn lúc nào hết.

"Vừa hoàn thành xong chương trình trao vốn thì các địa phương bị bùng phát dịch trở lại. Tuy không giãn cách xã hội nữa nhưng mọi hoạt động trở nên khó khăn vì phải phòng, chống dịch. Sau một năm, chúng tôi rất vui vì đồng vốn của chương trình đã giúp nhiều hộ nông dân vượt qua đại dịch, có thu nhập. Một số hộ chăn nuôi có hiệu quả cao" - ông Tuấn nói.

Chương trình tiếp tục trợ vốn tại Hòa Bình và Gia Lai

IMG_20220727_122345

Anh Nguyễn Phú Chuẩn có thu nhập ổn định từ chăn nuôi - Ảnh: VŨ TUẤN

Khởi động từ năm 2010, chương trình Tiếp sức nhà nông đã giúp cải thiện sinh kế cho 2.420 hộ nông dân tại 21 tỉnh thành trên khắp cả nước với tổng kinh phí 69 tỉ đồng. Đa số các hộ gia đình được trợ vốn đã và đang làm ăn có hiệu quả với tỉ lệ hoàn vốn đạt trên 93%.

Bước sang năm thứ 13, chương trình tiếp tục trợ vốn thêm cho 120 hộ nông dân tại hai tỉnh Hòa Bình và Gia Lai, đồng thời trao thưởng cho 364 học sinh - sinh viên có thành tích học tập tốt (2021 - 2022) là con em của các hộ tham gia chương trình của 11 tỉnh thành trên toàn quốc, với ngân sách bổ sung là 4,3 tỉ đồng, nâng tổng ngân sách dành cho chương trình lên đến 73,3 tỉ đồng.

Chương trình Chương trình 'Tiếp sức nhà nông' hỗ trợ vốn để nông dân nghèo 'yên tâm ở quê mình'

TTO - Những hộ nông dân tham gia chương trình "Tiếp sức nhà nông" ở huyện Nho Quan, Ninh Bình hào hứng tái đàn chăn nuôi. Hàng loạt chuồng trại bỏ hoang trước đây giờ đã đầy lợn, đầy gà.

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp