10/08/2018 14:41 GMT+7

Tiếp sức đến trường: Viết tiếp ước mơ của mẹ

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Ba bị tai nạn giao thông mất khả năng lao động, mẹ ung thư phổi giai đoạn cuối. Mai Thị Thùy Trang (18 tuổi) phải cùng mẹ chống chọi với bệnh tật và thực hiện ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch.

Tiếp sức đến trường: Viết tiếp ước mơ của mẹ - Ảnh 1.

Trang chăm mẹ ở Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Căn nhà dột tứ bề của Trang ở thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng nằm lọt thỏm dưới mặt quốc lộ 14B nay càng hiu hắt khi không có nổi một tiếng cười.

Những trận mưa cuối mùa đổ dồn suốt mấy hôm. Sau khi hì hục nấu sẵn nồi cơm và luộc mớ rau lang vớt ra rổ, Trang nhìn đồng hồ đã hơn 16h. Choàng vội chiếc áo mưa, xách theo bình cháo nóng, rẽ dòng nước chảy tràn trên đường cái xuống trước mặt nhà, em lao xe về hướng thành phố. 

Mưa vẫn tạt vào mặt cô bé làm nhòe đôi mắt kính. Không nhìn thấy những gì trước mặt, có lúc Trang chạy trong vô chừng. Mấy chiếc xe tải lao vút tạt qua vũng nước bên đường, xối ào vào người Trang mấy lần khiến em suýt ngã.

"Em đã tính chuyện nghỉ học"

Vượt mấy chục cây số, dù có mệt thế nào nhưng khi đặt chân đến Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, gặp mẹ là cô bé lại cười. Thấy con gái, bà Trần Thị Tân nhướng đôi mắt mỏi mệt nhìn rồi lại lịm đi. 

Cố ra bộ vui vẻ, Trang dựng mẹ dậy đút cháo, đút nước cho bà, nhưng cứ được đôi thìa là bà lại không trụ nổi. Đã một năm nay như thế, cứ đều đặn mỗi ngày Trang vừa lo việc học và ôn thi cuối cấp, vừa ra vô bệnh viện chăm mẹ.

Nhắc lại giây phút biết tin mẹ bị ung thư, Trang không kìm được nước mắt. Suốt thời gian dài Trang một mình đèo mẹ đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. 

Bắt đầu đi xét nghiệm lao phổi rồi chuyển qua bệnh viện ung bướu, khi mẹ được điều trị bằng thuốc với những tia hi vọng cuối cùng, cho đến giây phút biết tin mẹ bị kháng thuốc và không còn hi vọng cứu chữa.

Thời gian mẹ Trang điều trị bằng thuốc, mỗi ngày tốn mười mấy triệu đồng nhưng cả nhà vẫn còn nước còn tát. 

Nửa đời làm công nhân trong nhà máy nhựa, mẹ Trang dành dụm được một số tiền dự trù xây ngôi nhà mới. Nhưng tất cả đã đổ hết vào tiền thuốc thang. Ba Trang chạy vay mượn thêm khắp nơi, gia đình lại đèo thêm cả chục khoản nợ.

"Em đã tính chuyện nghỉ học. Việc khó nhất là mở lời với mẹ. Khi nghe em nói, mẹ đã im lặng quay đi. Nhìn mẹ rơi nước mắt, khóc không thành tiếng, em biết mẹ buồn lắm" - cô bé nhớ lại. 

Rồi Trang lên kế hoạch đi xin phụ việc vặt. "Những công việc em xin làm chỉ có mức tiền công ít ỏi, em đã suy nghĩ rất nhiều và không cho phép mình đánh đổi ước mơ của mẹ" - cô học trò suy tính.

"Trang ơi, đừng bỏ cuộc!"

Các giáo viên trong trường khi nghe tin đã động viên Trang, bởi em là cô học trò có lực học giỏi nhất nhì lớp. Ai cũng thấy tiếc khi nghe tin Trang sẽ bỏ học. 

Thầy Nguyễn Lương Hoàng Vũ - giáo viên bộ môn ngữ văn Trường THPT Ông Ích Khiêm, từng là thầy giáo chủ nhiệm của Trang - cho biết: "Trang không chỉ có học lực giỏi, em còn là học sinh ngoan và được thầy cô, bạn bè yêu quý. Sau biến cố gia đình, Trang từ một học sinh nỗ lực trở nên bơ vơ và mất định hướng, mọi người đã cùng nhau động viên em rất nhiều".

Thầy Vũ đã kêu gọi cả lớp quyên góp ủng hộ Trang một khoản nhỏ động viên tinh thần em. Các giáo viên bộ môn đã nhận dạy thêm cho Trang miễn phí để tiếp thêm động lực cho cô bé. 

Có những lúc lực học của cô trò nhỏ sa sút thấy rõ, nhưng Trang bảo rằng trước những động viên, khích lệ của gia đình, thầy cô, bạn bè, em đã luôn dặn lòng "Trang ơi, đừng bỏ cuộc!".

"Em đã nghĩ sao chỉ còn một năm nữa mà mình lại bỏ dở. Em tự hỏi mình có thể vượt qua được không. Và em gạt hết, bắt đầu chạy đua với thời gian khi ngày thi đã đến rất gần" - Trang nói. 

Thời gian của mẹ không còn nhiều và thời gian của Trang cũng thế. Em xốc lại tinh thần, tập trung hết sức lực để ôn thi cho kỳ thi THPT quốc gia.

Ôn thi bên giường bệnh

Căn bệnh ung thư phổi di căn xương, não hành hạ người mẹ mới tuổi 52 đã không còn chút sức ngồi vững. Người bà luôn nhức mỏi, đau đớn. Trang phải luôn tay bóp chân, bóp vai cho mẹ. 

Những ngày chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, ban ngày Trang phải cáng đáng việc nhà, lo cơm nước cho ba. Tối đến, bên giường bệnh của mẹ, cô bé đặt cuốn sách thuận hướng mắt, tay vừa bóp vai, mắt vừa ôn bài. Nhiều đêm Trang phải thức trắng cùng mẹ vượt qua cơn đau.

Bà Tân nghẹn dài: "Tôi biết con vừa thi cử, vừa chăm nom tôi là rất khó. Tinh thần con bé cũng sa sút nhiều. Tôi càng muốn động viên con cố gắng thì nó lại là người luôn tỏ ra mạnh mẽ để động viên tôi".

Vừa nhận được tin đậu vào ngành quản trị du lịch Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, Trang mừng reo báo niềm vui cho mẹ. Ôm con trong lòng, hai hàng nước mắt bà Tân tràn trên vai áo cô con gái. Trang cũng khóc, nhưng giọt nước mắt chỉ có niềm đau ngày nào nay long lanh hi vọng.

Trang bảo rằng đời mẹ em không được đi đây đó, nên bà luôn mong ước con gái trở thành hướng dẫn viên du lịch để được đi nhiều nơi, biết nhiều điều. Suy nghĩ đó là động lực giúp em bước tiếp. Trang sẽ trở thành một hướng dẫn viên, không lâu nữa thôi. Chỉ mong thời gian của mẹ dài thêm để chứng kiến ngày em chạm vào ước mơ đó.

Ba của Trang tuổi đã cao, trước đây làm bảo vệ. Trong một đêm đi làm về ông bị tai nạn giao thông, chấn thương cột sống nặng. Sau thời gian dài điều trị, ông vẫn chỉ có thể di chuyển nhẹ.

Anh trai Trang thì đang học nghề, vừa tranh thủ làm thêm vào ban đêm, có hôm đến 1-2h sáng mới về nhà. Chỉ có Trang là có thể túc trực cùng mẹ.

Những ngày này ở bên mẹ với những đợt hút dịch đau đớn, sau khi ăn vội chén cháo từ thiện ở bệnh viện, Trang lại về nhà chăm lo cơm nước cho ba.

Giấc mơ của những đứa trẻ không mẹ

TTO - Không chỉ thiếu thốn về vật chất, những đứa trẻ này còn kém may mắn khi lớn lên không vòng tay mẹ.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp