Sáng 27-10, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh Đoàn 5 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai, Kon Tum tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường dành cho 90 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 5 tỉnh này.
Chương trình trao học bổng Tiếp sức đến trường và giao lưu nghệ thuật "Ươm mầm xanh cao nguyên" do báo Tuổi Trẻ, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền tổ chức, được truyền hình trực tiếp trên Đài phát thanh & truyền hình Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông và tuoitre.vn lúc 9h30 ngày 27-10.
Trước khi diễn ra buổi lễ, ông Nguyễn Thái Học, quyền bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, đã chủ trì lễ dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lễ diễn ra ngay bên trong khuôn viên Tỉnh ủy Lâm Đồng.
Sau lễ dâng hương, ông Nguyễn Thái Học đã trao quà cho các tân sinh viên nhận học bổng Tiếp sức đến trường. Đây là quà riêng, kèm lời chúc ông Học tự tay viết tặng các em.
Ông Nguyễn Thái Học nói: "Đây là lời chúc chân thành nhất tôi dành cho các em. Mong các em học giỏi, trưởng thành đóng góp cho sự phát triển giàu đẹp của quê hương Tây Nguyên".
Các tân sinh viên háo hức đến TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng nhận học bổng Tiếp sức đến trường - Thực hiện: NHÃ CHÂN - TRUNG TÂN - MAI HUYỀN
Tham dự lễ trao học bổng có ông Nguyễn Thái Học - quyền bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng; ông Phạm Triều - chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng; ông Nguyễn Thanh Hùng - phó giám đốc Đài phát thanh và truyền hình Lâm Đồng.
Về phía đơn vị tài trợ có ông Ngô Văn Đông - tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền; bà Nguyễn Thị Thanh Nhã - phó tổng giám đốc tài chính, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam; ông Lê Viết Thuận - giám đốc Công ty cổ phần Bình Điền Lâm Đồng; ông Phạm Ngọc Tuấn - giám đốc Công ty cổ phần Bình Điền Mekong; ông Võ Minh Thanh - giám đốc Nhà máy phân bón Bình Điền Long An; bà Huỳnh Tường Vy - phó giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Phan; ông Nguyễn Xuân Lương - cán bộ địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Công ty Phân bón Việt Nhật; ông Nguyễn Vũ Sao Biển - quản lý cơ sở VUS Lâm Đồng.
Về phía ban tổ chức có nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, anh Ndu Ha Biên, bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng. Ngoài ra còn có đại diện các Tỉnh Đoàn Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai, Kon Tum
Mẹ xin nghỉ nhổ cỏ một ngày đưa con đi nhận học bổng
Chị Hồ Thị Diệu (40 tuổi, trú huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) cho biết hằng ngày chị đi nhổ cỏ thuê, hoặc ai thuê gì làm nấy, để nuôi con trai là tân sinh viên Trần Văn Đạt (Trường đại học Y Dược Huế) và một người anh trai của Đạt đang nằm viện vì bị tai nạn giao thông.
Chị Diệu tâm sự, sáng nay huyện Đức Trọng trời mưa nên chị đã nghỉ nhổ cỏ thuê một ngày để đưa Đạt đến TP Đà Lạt nhận học bổng Tiếp sức đến trường.
"Cả nhà tôi khổ quá, hai vợ chồng ai thuê gì làm nấy. Anh trai của Đạt gây tai nạn giao thông cho người khác, giờ nó cũng thương tật và cả nhà phải bồi thường cho người kia. Chúng tôi rơi vào kiệt quệ. Tiền để dành đóng học phí cho Đạt cũng phải lấy ra để lo cho người ta" - chị Diệu tâm sự.
Chị Diệu nói rằng học bổng Tiếp sức đến trường như một phao cứu sinh đến với gia đình chị giữa muôn trùng khó khăn.
"Nghe Đạt được nhận học bổng, cả nhà tôi ai cũng mừng hết. Nó rất ham học mà nhà lại không có tiền đưa cháu đóng học phí. Thật sự tôi cảm ơn chương trình rất nhiều" - chị Diệu xúc động nói.
Sinh viên vay tiền đi học, chỉ dám ăn mì tôm 'không tin là mình được nhận học bổng'
Từ nhỏ đến lớn sống với bà, tân sinh viên Trường đại học Yersin Đà Lạt Đào Trần Ấu Lăng cho biết bố mẹ ly hôn nên bà đã nuôi em và 2 em út. Cuộc sống chật vật, bà chỉ đi làm thuê mướn, ai kêu gì làm nó.
"Tôi rất muốn đi học nhưng nhiều lúc cuộc sống khó khăn quá. Tôi cũng đã nghỉ đến việc bỏ học, nhưng lại không muốn bà và 2 đứa em phải chịu khổ, nên tôi quyết tâm vào đại học" - Lăng tâm sự.
Không muốn bỏ học, Lăng đã vay vốn sinh viên để có tiền trang trải học phí. Suốt những ngày đầu nhập học Lăng chỉ dám ăn mì tôm để tiết kiệm số tiền vay được.
"Hôm nay được nhận học bổng, tôi vẫn không tin đó là sự thật. Tôi xin cảm ơn các nhà tài trợ rất nhiều, nhất định tôi sẽ cố gắng học tập thật tốt" - Lăng nói.
Hai mẹ con cùng khóc khi biết tin được tiếp sức đến trường
Tân sinh viên Nhữ Thị Thu Nguyệt (Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM) đã gửi đến ban tổ chức tâm sự biết ơn của mình. Cô bảo cô và mẹ đã khóc khi hay tin được nhận học bổng.
"Mình mất bố từ nhỏ, mẹ thì tàn tật nhưng gánh vác hết mọi thứ. Dù không đủ sức khỏe, không đủ kinh tế, nhưng mẹ vẫn cố hết sức của mình lo cho mình ăn học. Năm lớp 6, mình được cô chú đưa lên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Lắk. Ở đây mình được nhà nước lo cho chỗ ăn ở và học hành, mọi thứ trở nên thuận tiện và không còn vất vả như trước.
Nhưng khi mình lên đại học thì học phí phải tự lo liệu. Vậy nên vấn đề học phí là 1 vấn đề khó khăn. Khi mình nhận được thông báo là bản thân có trong danh sách được nhận học bổng, mình như trút bỏ được gánh nặng đè lên vai, vui tới nỗi vừa đi khoe với mẹ. Mình vừa khóc, mẹ cũng khóc".
Mẹ gọi điện dặn nhớ cảm ơn nhà tài trợ
Tân sinh viên Trường đại học Công nghiệp TP.HCM Huỳnh Huy Khang (quê quán huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) cho biết ba của Khang đã mất vì bị đột quỵ, một mình mẹ phải nuôi 3 anh em Khang lớn lên từng ngày.
Mẹ Khang chỉ làm nông, công việc không ổn định nên chỉ biết dựa vào trợ cấp của địa phương. Khang thương mẹ nên từ nhỏ đã xin đi làm thêm ở nhiều nơi để đỡ đần gia đình.
Khang tâm sự nhiều lúc đã muốn gục ngã vì cuộc sống kinh tế gia đình quá khó khăn. Tuy nhiên, nhờ có sự động viên của mẹ, thầy cô nên Khang đã cố gắng vượt qua nghịch cảnh bước vào giảng đường đại học.
"Đêm qua tôi không thể nào chợp mắt được vì quá vui mà mong chờ đến sáng để nhận học bổng Tiếp sức đến trường. Mẹ cũng đã gọi điện tâm sự với tôi và nhờ tôi gửi lời cảm ơn đến các nhà tài trợ, mạnh thường quân vì đã tạo điều kiện để tôi nhận học bổng" - Khang nói.
Anh Kpă Thân - chuyên viên ban thanh niên, trường học Tỉnh Đoàn Gia Lai - cho biết rất vinh dự khi nhiều năm được phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ để đưa các em tân sinh viên Gia Lai đến dự các lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường.
"Năm nào cũng vậy trong tôi luôn có một sự bồi hồi, háo hức nhất định, có thể vì thương các em tân sinh viên và quá mừng vì các em được nhận học bổng Tiếp sức đến trường. Đây là một chương trình hết sức ý nghĩa bởi vì có lẽ giai đoạn khó khăn nhất của các em đó là gia đoạn nhập học vào ghế giảng đường" - Anh Kpă Thân nói.
Nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ: Các tân SV nghèo, nghị lực làm rung động trang báo Tuổi Trẻ và trái tim bạn đọc
Nhà báo Lê Xuân Trung nhận định, các tân sinh viên tại Lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường hôm nay đã vượt qua mọi gian nan, nghịch cảnh để theo đuổi ước mơ của đời mình. Trong đó có những bạn đã viết nên những câu chuyện đầy nghị lực vượt khó, làm rung động các trang báo Tuổi Trẻ.
Từ nay, các bạn trở thành thành viên của gia đình "Vì ngày mai phát triển" - một chương trình học bổng do chính bạn đọc báo Tuổi Trẻ khởi xướng - đã trải qua 36 năm với nhiều loại hình học bổng khác nhau. Các bạn có thể tự hào khi xứng đáng được ghi tên mình vào chương trình học bổng "Tiếp sức đến trường", học bổng tiếp nối chương trình "Vì ngày mai phát triển".
Nhà báo Lê Xuân Trung nhấn mạnh báo Tuổi Trẻ đã thành lập 1 phòng ban chuyên môn thực hiện chương trình đặc biệt này, đó là Ban công tác xã hội, một trong những ban đặc thù trong các cơ quan báo chí.
Báo Tuổi Trẻ xem Ban công tác xã hội như 1 ban làm công tác xã hội để làm báo, vì các nhà báo không chỉ làm báo mà còn làm công tác xã hội.
"Chúng tôi cũng rất tự hào về các bạn, vì các bạn là các nhân vật nổi trội trên các trang báo Tuổi Trẻ. Câu chuyện về nghị lực sống, nỗ lực học tập của các bạn xuất hiện trên các trang báo đã truyền thêm động lực và cảm hứng cho cộng đồng về tinh thần hiếu học, ý chí vươn lên dù tuổi đời của các bạn còn rất trẻ" - ông nói.
Ông cũng cho rằng báo Tuổi Trẻ xem sự ủy nhiệm của cộng đồng bạn đọc và các nhà hảo tâm, các nhà quản lý cùng trao học bổng đến tận tay các bạn như là một công việc đầy trách nhiệm của những người làm báo đối với các bạn.
"Sự thành công của các bạn chính là sự thành công của chương trình học bổng này và cũng là lời cảm ơn rất có ý nghĩa dành cho các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm đã gắn bó với chương trình trong hàng chục năm qua" - nhà báo Lê Xuân Trung nhắn nhủ.
Nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ: "Câu chuyện về nghị lực sống, nỗ lực học tập của các bạn xuất hiện trên các trang báo đã truyền thêm động lực và cảm hứng cho cộng đồng về tinh thần hiếu học, ý chí vươn lên" - Thực hiện: NHÃ CHÂN - TRUNG TÂN - MAI HUYỀN
Ông Nguyễn Thái Học, quyền bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng: Nghị lực của các bạn thắp sáng buôn làng Tây Nguyên, Đà Lạt vui vì hôm nay các bạn đã đến
"Tấm gương của các bạn đã làm xốn xang bạn đọc cả nước. Những mầm non ngày nào giờ đã trưởng thành. Tôi mong rằng các bạn sẽ góp một phần nhỏ bé của mình để thắp sáng những buôn làng Tây Nguyên", ông Nguyễn Thái Học, quyền bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng phát biểu.
Ông Nguyễn Thái Học chia sẻ cảm nhận khi tiếp xúc với những tân sinh viên vượt khó mà báo Tuổi Trẻ lựa chọn: "Tối qua, tôi đọc báo Tuổi Trẻ biết các bạn sinh viên đến Đà Lạt lần đầu thích thú với phong cảnh Đà Lạt. Các bạn vui, các bạn thích thú, thì cũng là điều khiến chúng tôi vui. Nếu trong những ngày các bạn tân sinh viên ở đây, nếu muốn thăm thú Đà Lạt hãy báo chúng tôi".
"90 bạn sinh viên được trao học bổng hôm nay đều là những mảnh đời đã vươn lên bằng ý chí, nghị lực mà không phải ai cũng làm được. Tôi nghĩ rằng, đây là những tấm gương vượt khó mà xã hội rất trân quý. Còn rất nhiều bạn khó khăn bất hạnh như thế, nhưng chính các bạn là những điển hình, những bông hoa tươi thắm nhất trong vườn hoa người tốt, việc tốt. Các bạn đã chạm đến một môi trường tri thức và tôi nghĩ các bạn xứng đáng để được hỗ trợ, động viên.
Tôi tin rằng, các bạn sẽ vượt qua được chặng đường sắp tới bằng năng lượng tích cực đã tích lũy từ chặng đường đã quay. Tôi mong báo Tuổi Trẻ, những nhà tài trợ tiếp tục giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Không chỉ những bạn tân sinh viên ở đây, mà còn nhiều bạn trẻ nghị lực cần được tiếp tục tiếp sức. Chúng ta cần nhiều việc để chi, nhưng tiếp sức cho các bạn trẻ tài năng, nghị lực luôn là điều cần thiết", ông nói.
Ông Nguyễn Thái Học - quyền bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng phát biểu tại chương trình - Thực hiện: NHÃ CHÂN - TRUNG TÂN - MAI HUYỀN
Muốn đi bán bánh bột lọc ở trường đại học, ngày lời 50.000 đồng để kiếm sống
Tại buổi trao học bổng, nhiều đại biểu, thầy cô giáo và tân sinh đã rất xúc động với phóng sự về hoàn cảnh bạn Phạm Thị Nhớ, sinh viên ngành hệ thống thông tin quản lý Trường đại học Đà Nẵng. Khi Nhớ mới 3 tuổi, mẹ rời đi. Hai ba con nương tựa vào nhau trong căn nhà xiêu vẹo.
Ba Nhớ là cựu chiến binh, bị thương nên sức khỏe rất yếu, không làm được việc nặng. Thương con gái nhỏ, người cha già "gà trống nuôi con" vẫn tảo tần lo cho Nhớ từng bữa cơm đủ đầy, có sách vở tới trường.
Nhưng tai ương luôn tìm đến những lúc tưởng cuộc sống bắt đầu ấm êm. Ba trở bệnh rồi cũng vĩnh viễn rời xa khi Nhớ vừa tròn 12 tuổi, học lớp 6.
Nhớ ở nhà cô ruột là bà Phạm Thị Bông (thôn 4, xã Hòa Lễ, Krông Bông, Đắk Lắk) từ 12 tuổi đến nay. Thương cháu mồ côi, bơ vơ trong căn nhà lạnh lẽo, bà Bông đưa Nhớ về nhà mình, dù lúc đó gia cảnh của bà cũng chẳng khá giả gì.
Hai vợ chồng có ít ruộng đất, 5 con đang ăn học. Bà Bông kể, Nhớ bị tổn thương về tâm lý nhưng rất ý chí, ham học.
Rồi lần lượt các con bà Bông lớn đi làm, ra riêng, Nhớ trở thành "con út" trong nhà. Hằng ngày hai cô cháu cùng nhau làm bánh, đưa ra chợ bán.
Bà Bông kể, cứ hết giờ học là Nhớ chạy xe máy về, xắn tay áo cùng nhào bột, làm bánh với bà. Xong việc mới chạy về quét nhà, hương khói cho ba.
Nhớ vào đại hoc mà trong đầu nung nấu kế hoạch sẽ đem công thức làm bánh bột lọc vô chỗ trọ, mỗi ngày mua 2kg bột 100.000 đồng để làm bánh bán xung quanh trường, có thể lời được 50.000 đồng để có tiền trang trải cuộc sống.
Giành giật sự sống, ráng đánh bại ung thư để được trở lại giảng đường
Tháng 9-2023, Ka Thẩm xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) nhập học và trở thành tân sinh viên ngành luật dân sự (Trường đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM). Một tháng sau, những cơn đau ập đến với cô gái nhỏ. Bệnh viện Chợ Rẫy báo rằng cô đã bị ung thư khá nặng, u Lympho Hodgkin giai đoạn IIIB.
Bác sĩ chỉ định cô phải hóa trị sớm nhất. Nghĩ mọi đường, Ka Thẩm quyết định sẽ lờ cơn bệnh và lờ đi lời khuyến nghị của bác sĩ để tiếp tục đi học. Cô không dám nói rõ với mẹ nhưng ung thư giai đoạn 3 không phải là trận cảm xoàng. Ka Thẩm gục ngã.
U hạch nổi khắp người. Cô gói ghém rời cư xá về nhà để chờ phép màu cho cuộc đời mình, cô xin nhà trường bảo lưu kết quả học tập 1 năm.
Nhà Ka Thẩm nghèo nhất làng, chỉ có bố đi làm phụ hồ, mẹ Ka Thẩm thú thực, cá khô cũng thèm nhưng không dám mua.
Cô và gia đình chọn cách chữa trị bằng các loại thuốc Đông y. May thay, sau 3 tháng uống thuốc, các hạch bắt đầu nhỏ lại. Ka Thẩm tươi tỉnh bởi những cơn đau dần đi qua.
Đến qua Tết, cô mới có vẻ khỏe mạnh như người bình thường. Hành trình trở lại giảng đường của cô bắt đầu trở lại theo cách mà cô đã rất quen: lên rẫy làm thuê.
Đến tháng 9-2023, thông qua sự hỗ trợ của học bổng Tiếp sức đến trường, Ka Thẩm đã nhập học trở lại. Một lần nữa cô trở thành tân sinh viên.
Lần này đường đến giảng đường khác hơn: có sự đồng hành của những người xa lạ nhưng yêu thương tinh thần vượt khó, và có sự chờ đợi của thầy cô và bè bạn.
"Cũng nhờ khó khăn ấy mà tôi nhận ra việc được đi học với tôi quan trọng hơn cả những dự báo có thể tính bằng con số tháng, ngày của bác sĩ. Tôi sẽ trở thành một luật sư", cô nói.
Tân sinh viên Nguyễn Thị Nhớ vừa bước lên sân khấu giao lưu đã òa khóc. Những cảm xúc về gia cảnh ùa về theo những câu hỏi đã khiến Nhớ rơi nước mắt. Nhớ không có mẹ và mồ côi cha được cô ruột cưu mang.
"Mình muốn nói với cô là con rất thương cô. Khi ba mất, ba có nói con phải ở với cô Bông thì ba mới yên tâm. Khi ba còn sống, cô giúp đỡ rất nhiều. Hằng tháng nếu ba không có tiền mua gạo, cô là người mua gạo đem đến cho 2 cha con. Năm học mới ba không đủ tiền may quần áo mới, cô là người mua quần áo mới cho con đi học. Khi ba mất, ba dặn phải ở với cô Bông và nghe lời cô.
Cô bán bánh bột lọc cũng không khá giả nhưng cô luôn cho con mọi thứ đầy đủ nhất. Con mong cô giữ gìn đợi ngày con học tập thành tài sẽ báo đáp công ơn của cô".
Những khó khăn đã vượt qua đã khiến tân sinh viên Ka Thẩm, người đang mắc ung thư trở nên điềm tĩnh. Ka Thẩm không nhắc nhiều đến bệnh tật. Thẩm nói bệnh tật không thể ngăn bước mình, Thẩm sẽ cố gắng trở thành luật sư để đi tìm công lý cho mọi người, muốn không ai gặp phải chuyện bất công.
Thực hiện: NHÃ CHÂN - MINH PHƯƠNG - TRUNG TÂN - QUỐC TUẤN - MAI VINH - DIỄM HƯỜNG
Ngay khi đoạn clip về nhân vật giao lưu trong lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường được chiếu lên, cả khán phòng ngập tràn xúc động. Em Vừ Thị Sanh - tân sinh viên Trường đại học Tây Nguyên - đã rơi những gọt nước mắt vì quá xúc động và đồng cảm với hoàn cảnh của hai bạn tân sinh viên.
"Tôi thấy tấm gương của Phạm Thị Nhớ sẽ là một niềm động lực đến tất cả các bạn sinh viên có mặt trong ngày hôm nay, giúp các bạn sẽ luôn bước tiếp trên con đường học tập, dù cho hoàn cảnh có khắc nghiệt và thử thách các bạn đến mức nào" - Vừ Thị Sanh nói.
Nhiều sinh viên không kìm được nước mắt khi nghe những lời chia sẻ và xem các clip trình chiếu tại chương trình về những gương vượt khó - Thực hiện: NHÃ CHÂN - TRUNG TÂN - MAI HUYỀN
Ông Ngô Văn Đông - tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền: Bình Điền tài trợ học bổng nhiều năm liền, vẫn muốn có mặt khi các em bối rối nhất
Ông Ngô Văn Đông cho hay rất vui vì Bình Điền đã có 20 năm đồng hành với báo Tuổi Trẻ, các nhà hảo tâm cùng giúp một chút tiếp sức bước đầu cho các tân sinh viên khó khăn. Năm nay, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền trao 8 tỉ đồng cho chương trình học bổng Tiếp sức đến trường.
Học bổng là động lực vô cùng lớn, là bước chuẩn bị đầy nghĩa tình để các tân sinh viên mở cánh cửa cuộc đời mình. Các bạn sẽ học tập thật tốt, để trở thành nguồn lao động chất lượng cao cho xã hội trong tương lai.
"Chúng tôi biết các bạn có hoàn cảnh khó khăn nhưng hết sức có nghị lực. Chính các bạn đã truyền cảm hứng, làm chúng tôi rất xúc động và sẽ đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, lợi nhuận cùng đất nước phát triển. Từ đó lan tỏa tình yêu thương, tấm lòng đến với tấm lòng", ông Đông bày tỏ.
Ông mong mỏi, từ nguồn hỗ trợ của báo Tuổi Trẻ, các nhà tài trợ, các tân sinh viên sẽ ra sức học tập, không ngừng sáng tạo để sớm thành tài, cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội. "Đây chỉ là bước khởi đầu trong hành trang đầy khó khăn. Rất mong các em từ tình thương yêu này, nỗ lực hơn nữa để giúp ích cho gia đình, xã hội sau này", ông Đông nói.
"Các em hãy tin rằng xung quanh các em đều có cộng đồng hỗ trợ", ông nhắn nhủ.
Trước buổi lễ, ông Ngô Văn Đông - tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền - cho biết tại lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường ở TP Đà Lạt cho các tân sinh viên Tây Nguyên lần này ông có rất nhiều cảm xúc, vì nhiều em đã vượt qua nghịch cảnh, vượt qua khó khăn để đến với giảng đường đại học.
Theo ông Đông, đến mùa trao học bổng Tiếp sức đến trường năm 2024, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền cùng các nhà tại trợ đã thành lập quỹ "Đồng hành nhà nông" để tiếp sức cho các tân sinh viên đậu vào các trường đại học, cao đẳng trong suốt nhiều năm qua.
Ông Đông cho rằng đây là món quà dành cho các tân sinh viên đầy nghị lực, có ý chí kiên cường, vượt qua nghịch cảnh để bước vào giảng đường đại học.
"Chúng tôi chỉ mong các em cố gắng rèn luyện, học tập thật tốt để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh hơn" - ông Đông nói.
Ông NGÔ VĂN ĐÔNG - tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền - Thực hiện: NHÃ CHÂN - TRUNG TÂN - MAI HUYỀN
Anh đi theo cõng em lên nhận học bổng
Võ Hữu Tánh (trú Cát Tiên, Lâm Đồng), sinh viên Trường đại học quốc tế miền Đông, Bình Dương, bị khuyết tật bẩm sinh, việc đi lại hết sức khó khăn. Nhưng Tánh vẫn ham học, mong tốt nghiệp đại học để tự nuôi sống bản thân.
Hôm nay Tánh về Lâm Đồng dự lễ trao học bổng. Để hỗ trợ em trai, anh Võ Hữu Tuấn (đi làm) đã lên Đà Lạt để hỗ trợ em trai. Tuấn nói mình tạm nghỉ việc để lên cõng em trai từ xe lên điểm trao và cõng từ ghế lên nhận học bổng.
Mẹ bán cháo nuôi 5 miệng ăn, nghỉ 1 bữa 'chu du' từ Kon Tum về Đà Lạt coi con nhận học bổng
Chị Ngô Thị Ngọc Bích (46 tuổi, đến từ Kon Tum) cho biết hôm nay chị dẫn con gái là tân sinh viên Trường đại học Quy Nhơn Trần Ngô Thăng Hoa đến nhận học bổng.
Chị Bích kể, chồng chị bị tai nạn mất đã lâu. Một mình chị gồng gánh nuôi 4 chị em Hoa.
"Tôi hằng ngày chỉ bán cháo lòng, mỗi tô 10.000 đồng nhưng nuôi 5 miệng ăn. Nhiều lúc cảm thấy cuộc sống quá khó khăn nhưng tôi không dám buông tay, vì nếu buông thì tiền đâu lo cho mấy đứa con đến nơi đến chốn", chị nói.
Chị Bích tâm sự ngay khi hay tin con được nhận học bổng, chị đã nghỉ bán cháo lòng, bắt xe từ Kon Tum xuống TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) để cùng con gái đi xe khách lên Đà Lạt dự lễ trao.
"Hôm nay con nhận học bổng, tôi rất hạnh phúc, chỉ biết cảm ơn chương trình và báo Tuổi Trẻ. Hai mẹ con tôi hôm qua vui quá mà không thể nào ngủ được, chỉ mong trời sáng để được đi nhận học bổng" - chị Bích nói.
Chương trình trao học bổng cho 90 tân sinh viên của tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum với tổng kinh phí hơn 1,3 tỉ đồng do Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền và Công ty Dai-ichi Life Việt Nam, Công ty phân bón Việt Nhật tài trợ.
Mỗi suất học bổng trị giá 15 triệu đồng tiền mặt trong đó có 2 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất suốt 4 năm học và 4 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập do Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam tài trợ.
Ngoài ra, Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ hỗ trợ 10 suất học bổng tiếng Anh khóa luyện thi IELTS miễn phí cho tân sinh viên tỉnh Lâm Đồng và Đăklăk nhận học bổng từ chương trình, công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã tài trợ quà tặng balo cho tân sinh viên.
Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền đóng góp gần 4 tỉ đồng từ sự chung tay của các đơn vị: Công ty cổ phần phân bón Bình Điền (2,2 tỉ đồng); Công ty TNHH Nguyễn Phan (500 triệu đồng); Công ty TNHH phân bón Nguyên Ngọc (500 triệu đồng); Công ty cổ phần Bình Điền - Ninh Bình (100 triệu đồng); Công ty cổ phần Bình Điền - Quảng Trị (100 triệu đồng); Công ty cổ phần Bình Điền - Lâm Đồng (100 triệu đồng); Công ty cổ phần Bình Điền - MêKong (100 triệu đồng); Công ty Long Hưng (100 triệu đồng); Công ty cổ phần bao bì Trung Đông (60 triệu đồng); Công ty TNHH MTV Thể thao Bình Điền - Long An (50 triệu đồng); Công ty cổ phần TM & DV DL Hương Nam Việt (30 triệu đồng); CLB phân bón Đầu trâu phía Bắc (15 triệu đồng).
Đây là điểm trao thứ 8 trong chương trình học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2024 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" lần thứ 597 của báo Tuổi Trẻ.
Tấm lòng của nhà tài trợ hơn 20 năm Tiếp sức đến trường - Thực hiện: NHÃ CHÂN - THẾ KIỆT - MAI HUYỀN - QUỐC HUY
Đồng hành cùng chương trình, Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 10 suất học bổng tiếng Anh cho khóa luyện thi IELTS miễn phí cho các tân sinh viên tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk.
Chương trình học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2024 của báo Tuổi Trẻ dành cho hơn 1.100 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của cả nước với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng. Cũng trong năm 2024 này, ngoài 90 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên, chương trình "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ dành cho tân sinh viên còn được tổ chức trao theo các khu vực: Miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long; các tỉnh Tây Bắc bộ, Đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam và các Câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", Phú Yên; Câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, Quảng Nam Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre và CLB Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Công ty Dai-ichi Life Việt Nam, ông Dương Thái Sơn và những người bạn cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ…
Ngoài ra, Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam còn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng; Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 balo trị giá khoảng 250 triệu đồng; Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng; Thông qua ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ 1.500 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên….
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận