Bác sĩ Nguyên (thứ ba từ trái sang) trong ngày lễ tốt nghiệp năm 2017
Năm 2011, Nguyễn Thị Nguyên vô cùng hạnh phúc khi nhận giấy báo nhập học ngành y đa khoa Đại học Tây Nguyên (Đắk Lắk). Nhưng một câu hỏi cực khó đến với gia đình cô: tiền đâu để nhập học?
Bí thư Đoàn Trường THPT Việt Đức (Cư Kuin, Đắk Lắk) lúc đó đặt vào tay cô nữ sinh phiếu đăng ký nhận học bổng của báo Tuổi Trẻ.
"Tôi thấy mình may mắn, hạnh phúc"
Gia đình đông con, vài sào ruộng lúa của gia đình Nguyên ngoài quê Nghệ An không đủ điều kiện để cô nữ sinh tiếp tục ước mơ con chữ. Bố mẹ gửi Nguyên cho con trai mình ở huyện Cư Kuin, Đắk Lắk để "anh nuôi em đi học".
Anh trai, chị dâu thời điểm đó cũng không khấm khá gì, việc đi học của Nguyên vì vậy cũng rất khó khăn. Ba năm cấp III, cô nữ sinh đã vượt qua nhiều thiếu thốn vật chất để nuôi ước mơ làm bác sĩ của mình. Năm 2011, cô đậu ngành bác sĩ đa khoa với số điểm khá cao nhưng chút xíu nữa thôi đã hụt bước trước ngưỡng cửa đầu tiên. Và "phiếu đăng ký" đã đến...
"Nhận được học bổng, tôi thấy mình quá may mắn và hạnh phúc. Lúc đó tôi hạnh phúc không chỉ vì có tiền để đóng học phí, để có khoản chi tiêu những ngày đầu đại học. Học bổng cho tôi động lực rằng mình vẫn còn được quan tâm, nỗ lực của mình đã được ghi nhận. Nhận học bổng, tôi đã quyết tâm học thật giỏi, phải có nghề nghiệp ổn định để không phụ lòng những nhà hảo tâm đã vun vén cho những sinh viên nghèo như tôi có cơ hội bước tiếp trên đôi cánh ước mơ của mình", Nguyên tâm sự.
Bác sĩ Nguyên chăm sóc bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông hiện nay - Ảnh: TRUNG TÂN
Ra trường, Nguyên được nhận vào khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông. Công việc chính của Nguyên là bác sĩ điều trị cho các bệnh nhi, đặc biệt là các bệnh nhi nặng khi điều kiện chăm sóc y tế ở Đắk Nông không tốt như nhiều nơi khác.
"Ra trường, đi làm, tôi thấy mình thêm một lần nữa may mắn và hạnh phúc vì được trực tiếp chăm sóc các bệnh nhi. Áp lực có nhưng chăm sóc các bé sơ sinh, các bệnh nhi khiến tôi thấy công việc bác sĩ bớt áp lực, thêm nhiều niềm vui từ những em bé ngây thơ. Nhiều bà mẹ từ khi bé sơ sinh cho đến 5-6 tuổi, mỗi lần con đau ốm đều đưa đến khoa. Chưa thấy mặt đã hỏi bác sĩ Nguyên khỏe không, thấy cháu nó lớn chưa này?... Họ chào hỏi, khoe con cứ như tôi là người nhà. Hạnh phúc lắm!", Nguyên xúc động kể.
Sẽ phải học hỏi không ngừng
Trước mặt tôi bây giờ là bác sĩ Nguyễn Thị Nguyên (25 tuổi), khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, liên tục khám bệnh cho các bệnh nhân nhí. "Mẹ đặt em xuống đây cho cô kiểm tra xem nào. Em mệt lắm nè, để cô xem đau thế nào, ngoan nhé. Cô khám chút xíu là con khỏe liền à!", bác sĩ Nguyên dịu dàng. Tay đưa ống khám vào ngực, lưng các em bé, bác sĩ Nguyên liên tục nói những lời "dụ" để các bệnh nhi hết khóc, người nhà bớt căng thẳng.
Hôm tôi đến, bác sĩ Nguyên trực khám nhi. Một người mẹ trẻ, dáng khắc khổ bế con gần 1 tuổi hớt hải chạy vô với tâm trạng đầy lo lắng. "Không rõ cháu bị gì mà mấy hôm nay cứ trướng bụng, khóc hoài không thôi", người mẹ kể triệu chứng của con. Bác sĩ Nguyên ngồi ở ghế, nhìn người mẹ khắc khổ, lo lắng mời ngồi xuống ghế.
"Mẹ vạch áo em cho cô xem nào. Mẹ bình tĩnh để cô khám em khỏi khóc nào", cô động viên. Cô đưa tay ấn bụng, lấy ống khám khám cho bé rồi nhắc mẹ cho bé ăn đồ ăn lành hơn, có thể do không tiêu hóa mà bé khó chịu. "Chị cứ về làm theo, nếu cháu khóc tiếp thì phải đưa qua đây nhé", bác sĩ hướng dẫn.
Người mẹ này vừa đi thì một người mẹ khác bế con vào, cháu bé này cũng chừng 1 tuổi. Vừa vào đến phòng, người mẹ đã hỏi cô Nguyên khỏe không, cô Hằng (đồng nghiệp của bác sĩ Nguyên) dạo này thế nào?... Một điều dưỡng nói hôm nay các bác sĩ khoa nhi gặp "khách quen".
Mẹ bé nói mấy hôm nay con biếng ăn, hay quấy khóc nên "đưa vào cho các cô kiểm tra". "Chị này sinh con tại bệnh viện, con đau ốm gì đều ôm đến cho mình hoặc đồng nghiệp trong khoa thăm khám đến thân quen. Chị ấy biết hết mọi người", bác sĩ Nguyên kể.
Nguyên cho biết sau bao năm học ở trường, thực tập ở các bệnh viện lớn, bây giờ đi làm cô vẫn phải luôn học hỏi không ngừng để việc chăm sóc các bệnh nhi được thực hiện bằng năng lực chuyên môn cao nhất cùng với trái tim nhân hậu. Và một điều mà cô cứ mãi tâm niệm trong lòng về "món nợ ân tình" năm xưa từ "phiếu đăng ký" đổi đời là đáp đền tiếp nối: nhận ân tình trả lại yêu thương!
Tại buổi lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường năm 2018 của báo Tuổi Trẻ tại khu vực Tây Nguyên, nữ bác sĩ Nguyễn Thị Nguyên đã đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích đối với các tân sinh viên - những bạn trẻ cũng chập chững trước ngưỡng cửa đại học giống Nguyên bảy năm về trước.
"Tôi muốn kể với các bạn những gì tôi đã trải qua, những nỗ lực mình đã thực hiện. Tôi muốn các bạn nhận học bổng hôm nay xem đó là món nợ ân tình để có thêm động lực phấn đấu nhiều hơn nữa", Nguyên nói.
Thầy giáo Nguyễn Hoàng Kim Sáng: Tôi có một "Gia đình toán"
Thầy Kim Sang và các học sinh - Ảnh: THÁI LỘC
Tôi đang sở hữu một "gia đình toán", đó là tài khoản của tôi trên mạng xã hội. Mọi người biết không? "Gia đình" có mấy trăm thành viên, hầu hết là học sinh Trường THPT Thanh Bình, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, nơi tôi làm giáo viên dạy toán từ gần 10 năm nay.
Trên không gian của "gia đình" mình, tôi đưa lên những hình ảnh, câu chuyện kỳ thú và vui vẻ, những tấm gương nỗ lực vượt khó, những cách ứng xử, những điều cần chia sẻ, yêu thương, những bài học trong cuộc sống kèm theo nhiều lời nhắc nhở, thúc giục, động viên các bạn… Trên hết cả, những gì liên quan toán học, cả trong và ngoài nước mà tôi thấy cần thiết, hữu ích, tôi đưa lên để các bạn tham khảo, đồng thời cố gắng khơi gợi sự trao đổi của các bạn.
Đó có thể là những bài toán thú vị, những đề thi và cách giải bài hay, những bộ đề toán bổ ích của cả trong nước và trên thế giới… Trong suy nghĩ có thể không rộng lắm của mình, tôi nhắm đến hiệu quả thông qua việc tạo tâm lý gần gũi, dễ chịu và thoải mái, để các học sinh có cảm giác môn toán không khô khan mà ngược lại, nó mềm, thậm chí ướt át kém chi môn văn…
Status mới đây tôi đưa lên cho các bạn: "Giáo viên dạy toán của bạn hay nói câu gì nhất?", tức thì nhận được hàng loạt câu trả lời, nào là: "Ghét thầy chứ đừng ghét toán", "Thầy nhìn vào là thấy mà em nhìn lại không thấy", "Các em kỳ quá, 15 tuổi đầu rồi mà không biết làm, hiểu chưa?"… Có bạn học sinh còn "chế" cái giọng Huế của tôi: "Trời ơi dệ mạ, ráp cộng thực vô lạ làm được thôi!" (Trời ơi dễ mà, ráp công thức vô là làm được thôi)…
Học sinh của tôi chiếm phần lớn là dân quê, gia đình đến Tân Phú lập nghiệp mấy chục năm trước theo chương trình kinh tế mới nên phần nhiều làm ruộng, rẫy, đời sống rất khó khăn. Có nhiều bạn vừa vô được THPT chưa kịp mừng thì đủ tuổi (học muộn), bố mẹ "khuyến khích" lấy vợ, lấy chồng hoặc bỏ học làm nông giúp gia đình. Có bạn thường xuyên đến lớp trễ, không chỉ nhà xa mà còn phải làm đủ thứ việc, cho tới một ngày đến từ biệt trong một nỗi buồn nặng trĩu của cả lớp.
Nhiều động viên, chia sẻ của tôi, của bạn bè và nhà trường, tiếc là không nặng ký hơn cuộc sống riêng. Đành chịu. Mỗi lần đứng lớp, tôi thường nhìn những chỗ ngồi trống ấy, nhớ từng gương mặt vui buồn, có khi thoáng nghĩ giờ này bạn ấy đang chăm con, đang đào cuốc trên rẫy hay đang làm trong một nhà máy, công xưởng nào đó chăng?
Tôi nhìn thấy hình ảnh ngày xưa của mình trong rất nhiều bạn như thế…
Nhưng tôi may mắn hơn các bạn ấy, tôi được mọi người giúp đỡ để học xong THPT. Và rồi trước ngưỡng cửa đại học, tôi tiếp tục được báo Tuổi Trẻ chọn trao học bổng Tiếp sức đến trường, học bổng ấy đã chắp thêm "đôi cánh" để tôi tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.
Từ nhỏ đến lớn, "lý lịch" của Nguyễn Hoàng Kim Sang luôn ghi "bố chết". Người bố rời gia đình khi Sang lên 6 khiến ba mẹ con phải lang thang ở đất Đồng Tháp kiếm sống. Năm Sang lên lớp 8, không thể nuôi nổi hai con ăn học, người mẹ quyết định về quê ở Huế, gửi Sang vào chùa Tịnh Giác, nơi có người cậu làm trụ trì. Phần mình, bà làm thuê, ở đợ nuôi con gái. Cuộc sống cùng cực ấy nhưng cả hai chị em đều học rất giỏi khiến bà không nỡ cho nghỉ. Bù lại, Sang thi đậu vào Trường THPT chuyên Quốc Học Huế và người chị thì đậu vào Trường ĐH Kinh tế Huế.
Năm 2005, báo Tuổi Trẻ trao học bổng Tiếp sức đến trường khi Sang thi đậu vào khoa toán Trường ĐH Sư phạm Huế. Nay Sang là giáo viên Trường THPT Thanh Bình, Tân Phú, Đồng Nai.
Nguyễn Thị Tằm: Biết ơn cuộc đời
Nguyễn Thị Tằm
Sinh ra trong một gia đình không trọn vẹn, thiếu cả vật chất lẫn tinh thần, tưởng chừng như cuộc đời đã bỏ quên một đứa "bất hạnh" như mình. Nhưng, đời luôn vui hơn hoặc buồn hơn bởi chữ "nhưng". Với mình, có lẽ vui hơn và hạnh phúc hơn nhờ may mắn.
May mắn vì được lớn lên trong sự yêu thương và bảo bọc của ông bà nội, may mắn vì được nhiều người quan tâm và giúp đỡ, và may mắn vì... chính bản thân mình, một bản thân không hoàn hảo nhưng hoàn thiện.
Ngay từ nhỏ, mình chỉ có duy nhất một ước mơ và động lực, đó chính là "thay đổi cuộc đời mình". Và cách duy nhất để thực hiện chỉ có thể là con đường học vấn.
Một người thầy đã nói với mình rằng: học vấn không phải là con đường duy nhất, nhưng là con đường tốt nhất và bền vững nhất để thay đổi bản thân. Mình đã thực sự rất cố gắng và nỗ lực. Và rồi, như ông vua già nói với cậu bé chăn cừu trong truyện Nhà giả kim "khi cậu quyết tâm muốn điều gì thì cả vũ trụ sẽ giúp cậu đạt được mục đích", điều này dường như thực sự đúng với cuộc đời của mình cho đến tận thời điểm này.
Mình thích học, mình rất thích được đến trường. Và rồi, trong một hoàn cảnh tưởng chừng không thể, nhưng ngược lại con đường đến trường lại khá suôn sẻ với sự giúp đỡ và hỗ trợ của rất nhiều người. Báo Tuổi Trẻ chính là một trong những nhà hảo tâm của cuộc đời mình khi học bổng Tiếp sức đến trường của báo đã tiếp sức cho mình trong cuộc chạy đua học vấn ở những năm học đại học. Và rồi, tiếp tục thỏa niềm đam mê, mình bước tiếp con đường học vấn, hiện là nghiên cứu sinh về quản lý môi trường tại ĐH Công nghệ Kochi, Nhật Bản.
Hiện tại của bản thân chưa hẳn là một thành công hoàn hảo, nhưng chính là kết quả của một chặng đường nỗ lực dài hơi, cũng chưa thể từ "zero" thành "hero", nhưng cũng đã từ "zero" để hình thành nên những điều mình có thể tự hào như ngày hôm nay. Có thể nói bản thân đã thay đổi được bản thân.
Giờ mình một ước mơ lớn hơn: thay đổi cuộc đời người khác. Ước mơ này có thể là rất viển vông, nhưng mình mong có thể giúp được nhiều người khác, những người như mình. Mình tin rằng mỗi người sinh ra trên cõi đời này đều mang một ý nghĩa đặc biệt. Mình đang cố gắng để sống một cách có ý nghĩa nhất.
Tong cuộc sống của chính bản thân, mình luôn luyện tập suy nghĩ: mục tiêu - nỗ lực - cầu nguyện và bước! Mình biết rằng: "Thành bại được mất trong cuộc đời, ngoài năng lực của bản thân, có sự can dự của số phận". Do đó, mình luôn cầu nguyện cho những nỗ lực của chính mình.
Mình biết ơn cuộc đời này. Điều đơn giản mà mình muốn chia sẻ, đó là: cùng với nỗ lực của chính mình, khó có thể thành công nếu không có sự giúp đỡ của người khác.
Nguyễn Thị Tằm làm nghiên cứu sinh tại Nhật Bản
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận