Lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh Đoàn Quảng Nam, Thành Đoàn Đà Nẵng, Palm Garden Resort và câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức.
Hành trình 'Tiếp sức đến trường' khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng
Tại điểm trao này sẽ có 105 suất học bổng dành cho tân sinh viên hoàn cảnh khó khăn của hai địa phương.
Tổng kinh phí chương trình hơn 1,5 tỉ đồng do câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng tài trợ.
Theo đó, mỗi suất học bổng trị giá 15 triệu đồng tiền mặt, trong đó có 4 suất đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suốt 4 năm. Ngoài ra, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam là nhà tài trợ quà tặng cho tân sinh viên, Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam tài trợ 3 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn còn thiếu thiết bị học tập.
Nhiều phụ huynh đã cùng con mình đến buổi trao học bổng. Bà Nguyễn Thị Kim Linh, 41 tuổi, trú xã Điện An, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) chạy xe máy trong cơn mưa tầm tã chở con gái là Nguyễn Thị Bích Vân, tân sinh viên trường Đại học Y dược Huế đến nhận học bổng.
"Con bé từ Huế về nhà hôm qua, sáng nay hai mẹ con chạy mấy chục cây số đến chương trình trao học bổng. Cảm giác mình thật vui khi con gái nhận được học bổng Tiếp sức đến trường", bà Linh thổ lộ.
"Chúng ta không được chọn nơi mình sinh ra, nhưng được chọn cách mình sẽ sống"
Phát biểu tại chương trình, bà Trần Gia Bảo - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, nói rằng rất xúc động ngày hôm nay trở lại Quảng Nam, mảnh đất miền Trung không được thiên nhiên ưu đãi, khô cằn nắng gió, chịu thiên tai bão lũ. Nhưng những người con Quảng Nam cần cù, chịu thương, chịu khó, đặc biệt là truyền thống hiếu học.
Bà Gia Bảo dẫn ra nhiều trường hợp tân sinh viên nhận học bổng hôm nay, mỗi người một hoàn cảnh, một cảnh đời khác nhau. Dù đời có chông chênh, nhưng các bạn đã bứt phá vươn lên, học hành chăm chỉ, trở thành những tân sinh viên.
Bà Bảo cũng bày tỏ rằng chúng ta không được chọn nơi mình sinh ra, nhưng được chọn cách mình sẽ sống.
105 tân sinh viên nhận học bổng hôm nay là những gương mặt học trò xuất sắc của Quảng Nam, Đà Nẵng. Các bạn là mẫu hình sống đẹp, thông minh, sáng tạo và đầy nghị lực.
"Các em đang lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng và để lại trong lòng các cô chú, anh chị mạnh thường quân. Để lại trong lòng chúng tôi, những người thực hiện chương trình Tiếp sức đến trường thật nhiều cảm xúc.
Và đó cũng là động lực, chất xúc tác để Tiếp sức đến trường 20 năm qua vẫn tiếp tục trao đi những yêu thương đến các em tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước. Suốt 20 năm qua, chương trình như một nhịp cầu kết nối những tấm lòng vàng, đưa các em đến bến bờ mơ ước" - bà Gia Bảo nhắn nhủ.
Bà cũng gửi lời cảm ơn đến nhà hảo tâm, Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng đã âm thầm, bền bỉ đóng góp, ủng hộ, tiếp sức các em tân sinh viên gần 2 thập niên qua.
Ông Trần Anh Tuấn, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thay mặt lãnh đạo tỉnh đã gửi lời cảm ơn đến báo Tuổi Trẻ, Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường và mạnh thường quân trên cả nước thời gian qua đã giúp sức các tân sinh viên khó khăn của tỉnh nhà vượt qua những khó khăn, trở ngại ban đầu để đến giảng đường đại học.
Ông Tuấn nhắn nhủ các bạn tân sinh viên được nhận học bổng rằng đây là món quà gửi gắm rất lớn về tinh thần, vật chất của các mạnh thường quân, những người thực hiện chương trình Tiếp sức đến trường đến các bạn.
"Đáp lại tấm chân thành này mong các bạn nỗ lực hết sức, vượt qua khó khăn nơi giảng đường đại học, nỗ lực học tốt, rèn luyện đạo đức. Sau này các bạn thành đạt thì tiếp tục nâng đỡ bước chân các thế hệ tân sinh viên khó khăn sau này", ông Tuấn nhắn nhủ.
Ông cũng nói sắp tới tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực dành nguồn lực để đảm bảo tạo điều kiện tốt nhất trong công tác giáo dục, quan tâm đến các em, các cháu các cấp học, trong đó có các tân sinh viên.
Tại buổi lễ, ông Tuấn đã trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho báo Tuổi Trẻ và Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, tri ân những đóng góp cho chương trình Tiếp sức đến trường trong những năm qua ở tỉnh này.
Vượt lên nghịch cảnh
Cả hội trường như không giấu được niềm xúc động khi xem đoạn phim phóng sự về hai tân sinh viên Trương Minh Khang và Ngô Thị Ngọc Hòa.
Ngô Thị Ngọc Hòa, tân sinh viên Đại học Duy Tân mồ côi cả cha lẫn mẹ, mấy chị em sống với bà. Khi MC chương trình đặt câu hỏi liên quan đến hai chữ "gia đình", Ngọc Hòa bật khóc, nghẹn lời.
'Vòng quay đi học, đi làm' và câu chuyện vượt khó của hai tân sinh viên quê miền Trung
"Là một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, gia đình đối với em rất quan trọng. Ba mẹ không có, chỉ có bà bên cạnh nuôi nấng, dạy dỗ em. Bà luôn luôn khuyên nhủ em học tập cho thật tốt. Em mong ước sau này sẽ trở thành một người có ích, ra trường có công việc ổn định, có thể nuôi bản thân và bà nội", Hòa nói.
Dự định sắp tới của Hòa là cô sẽ tranh thủ vừa đi làm, vừa đi học, kiếm công việc ở quán cà phê. Hòa cho biết sẽ nỗ lực học tốt. Ngành Hòa đang học sẽ liên kết thực tập ở Nhật Bản, cô mong muốn đi làm ở nước ngoài để có thu nhập cao, có tiền lo cho bà, và sẽ giúp đỡ những tân sinh viên khác.
Còn Trương Minh Khang, tân sinh viên Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, thì ba mẹ em ly hôn khi em chưa đầy 5 tuổi, cậu sống cùng ba từ đó đi ở trọ. Từ lâu cậu phải tự lập bằng cách dạy kèm tiếng Anh để có tiền trang trải việc ăn uống, học hành và đỡ đần thuốc men cho ba.
"Cuộc đời nhiều lúc khốn khó, nhiều lúc chạy xe đi làm giữa đường hết xăng không có tiền đổ", Khang nói.
Thông điệp mà Khang nhắn nhủ các bạn tân sinh viên là: "Dù mỗi hoàn cảnh mỗi người khác nhau, dù có khó khăn nhưng phải nỗ lực cố gắng không ngừng".
Ban tổ chức đã trao 4 suất học bổng đặc biệt (mỗi suất 50 triệu đồng) cho các tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Trương Minh Khang, Nguyễn Ngọc Phước, Châu Ngọc Linh, Ngô Thị Ngọc Hòa.
Thay mặt Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu cho biết chương trình Tiếp sức đến trường mang ý nghĩa nhân văn, sự khởi đầu cho tương lai một tân sinh viên. Sau 19 năm, Câu lạc bộ đã giúp sức hơn 2.000 sinh viên với số tiền hơn 17 tỉ đồng.
Từ câu nói: "Không chọn nơi mình sinh ra, nhưng ta được chọn cách sống", bác sĩ Đẩu dẫn chứng các cô, các bác là thành viên của câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng và đặt câu hỏi: "Những người đang trợ giúp cho các em có phải là những người sinh ra đã giàu có hay không? Tôi cho rằng là không?.
Vùng đất Quảng Nam thiên tai khắc nghiệt, mỗi thành viên câu lạc bộ cũng trải qua một thời kỳ rất gian khó. Nhưng bằng nghị lực bản thân, đến nay nhiều người ổn định công việc, thu nhập, có đôi chút điều kiện để giúp đỡ, ủng hộ các tân sinh viên nghèo".
Nhắn nhủ với các bạn sinh viên, bác sĩ Đẩu nói: "Tự bản thân mình, các em vạch ra một con đường, lộ trình để bước và kết quả học tập vẫn là cái đích cuối cùng. Sau này khi đã thành công, có thu nhập, thì câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng là nơi các em quay về cùng góp sức với các cô, bác, chú để lo cho các em tân sinh viên nghèo khó sau này".
Sau phần chia sẻ của bác sĩ Đẩu, ban tổ chức đã trao học bổng cho các tân sinh viên.
Những suất quà đặc biệt của chàng kỹ sư bại não gửi trao
Một hình ảnh rất xúc động tại chương trình đã khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Nguyễn Hoàng Gia Bảo (tỉnh Quảng Nam), một cậu sinh viên từng nhận học bổng, giờ trở thành chàng kỹ sư. Bảo bị bại não, đi lại khó khăn, giọng nói ngọng nghịu, bước lên sân khấu phải nhờ sự trợ giúp của người bác ruột.
Bảo mất mẹ khi vừa chào đời, rồi sau đó ba cũng ra đi vì lao lực. Dù khuyết tật, giọng nói ngọng nghịu… nhưng bù lại Bảo cực kỳ ham học. Vượt qua nghịch cảnh, năm 2009, Bảo trúng tuyển vào Trường cao đẳng (nay là Đại học) Công nghệ thông tin hữu nghị Việt - Hàn. Và năm đó cậu cũng nhận suất học bổng Tiếp sức đến trường.
Tốt nghiệp ra trường, rồi anh được nhận vào làm IT của Trường quốc tế Canada (TP.HCM) từ năm 2016 đến nay. Tại chương trình hôm nay, Bảo đã gửi trao 3 suất quà đặc biệt cho 3 tân sinh viên nghèo khó. Chia sẻ cảm xúc, Bảo nói với giọng ngọng nghịu, khó khăn, không thành lời nhưng ai cũng cảm nhận được tấm chân tình chàng kỹ sư này.
Người bác ruột của Bảo đứng cạnh phải "dịch" lại: "Bảo nói là cảm ơn chương trình Tiếp sức đến trường đã tạo điều kiện cho Bảo được học tập. Giờ đây có công việc ổn định, có điều kiện, Bảo xin gửi lại những suất quà, ân tình cho các bạn tân sinh viên".
Nhận được học bổng, các sinh viên đã nghẹn ngào, có em bật khóc.
Đúng 11h30, lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường 2023 kết thúc. Nhưng những cảm xúc từ học bổng Tiếp sức đến trường với sự chung sức của các mạnh thường quân, nhà tài trợ, bạn đọc báo Tuổi Trẻ; từ không khí buổi trao học bổng hôm nay; từ chính mảnh đất quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng sẽ là động lực tiếp sức cho tất cả tân sinh viên trong hành trình mới.
Gian khó, thử thách có thể chưa dừng, nhưng những sự tiếp sức hẳn càng làm đầy thêm niềm tin vượt qua nghịch cảnh, không đầu hàng số phận ở 105 tân sinh viên Quảng Nam - Đà Nẵng nhận học bổng hôm nay.
Cậu sinh viên trụ cột gia đình
Mới 18 tuổi, Trương Minh Khang - cậu tân sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng - đã mang trên lưng gánh nặng gia đình.
Mỗi ngày, Khang đều đặn đóng tròn hai vai: một buổi là tân sinh viên giỏi giang trên giảng đường và buổi còn lại là người giảng viên tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ. Bước về nhà Khang trở thành cậu con trai ngoan hiền, niềm hi vọng sống của người cha già bệnh tật.
Cha mẹ chia tay, mẹ lập gia đình khác, Khang nương tựa vào cha từ ngày còn tấm bé. Cậu nhớ ngày ấy gia cảnh chưa quá sa sút như bây giờ, cha còn có việc làm xoay xở nuôi nhau. Thế nhưng cuộc sống hai cha con lâm cảnh bế tắt từ khi COVID-19 ập tới.
Cha Khang lúc này đau bệnh luôn, bèn nghỉ việc dồn hết vốn liếng mở quán cà phê mong làm cần câu cơm cho gia đình. Chẳng may dịch bệnh mấy năm ròng, quán cà phê sau vài lần chuyển địa điểm đều thất bại. Cạn vốn, hai cha con vào cảnh trắng tay.
Không có nhà ở, cả hai rày đây mai đó thuê trọ hết nơi này lại chuyển nơi khác. Khang không nhớ đã bao lần chuyển nhà vì chủ tăng giá cho thuê. Nay Khang nhập học, cha con mới tạm yên ổn ở chỗ thuê mới là căn phòng chừng 20 mét vuông trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Sơn Trà.
Để tiết kiệm chi phí, mấy năm nay hai cha con đã bỏ bữa sáng, mỗi ngày chỉ ăn hai bữa trưa tối. Món ăn hằng ngày do cha Khang đạo diễn, khi thì mấy quả trứng chiên, lúc là lon cá hộp nấu nước lỏng bỏng hoặc mớ rau muống xào.
Ông Trương Chương - cha em, bảo mọi sinh hoạt đều trông cả vào đồng tiền dạy tiếng Anh của Khang nên phải rất tằn tiện. Mỗi ngày chỉ dám dành ra 60 ngàn đồng chợ búa, nấu một bữa để ăn cả ngày dài.
Ở tuổi 63, ông Chương vẫn khao khát tìm một công việc kiếm tiền nuôi con ăn học. Nhưng lực bất tòng tâm, hàng tá bệnh tật vây quanh cùng với biến chứng sau lần tai nạn chấn thương sọ não khiến ông yếu hẳn, không còn sức leo cầu thang, khó mong kiếm được việc làm.
Buổi trao học bổng tại Quảng Nam là điểm trao thứ ba trong chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình Vì ngày mai phát triển lần thứ 569 của báo Tuổi Trẻ.
Dự chương trình trao học bổng có các đại biểu: ông Trần Anh Tuấn - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Quang Quỳnh - phó trưởng ban Dân vận tỉnh ủy Quảng Nam, bà Đặng Thị Bảo Trinh - phó bí thư tỉnh đoàn Quảng Nam, ông Nguyễn Công Thành - phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Quảng Nam, Nguyễn Thị Anh Thảo, phó bí thư thành đoàn Đà Nẵng; các thành viên câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng...
Sau điểm trao Quảng Nam - Đà Nẵng, học bổng Tiếp sức đến trường tiếp tục đến với tân sinh viên khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành phía Bắc.
Cách đây 18 năm, từ 42 tân sinh viên của Quảng Nam - Đà Nẵng có hoàn cảnh khó khăn đầu tiên được tiếp sức, đến nay câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng đã tiếp sức cho 2.315 tân sinh viên khó khăn với tổng kinh phí hơn 22 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận