28/08/2011 20:06 GMT+7

Tiếp sức đến trường cho 50 tân sinh viên Bình Định

BẢO TRUNG
BẢO TRUNG

TTO - 50 tân sinh viên nghèo ở Bình Định vừa đậu đại học, trong đó có em đậu thủ khoa là 50 hoàn cảnh nghèo khó khác nhau nhưng đều có điểm chung quyết tâm vượt khó học giỏi.

RY7vH1hg.jpgPhóng to
Nguyễn Thị Lệ Hiền và mẹ bên gian bếp - Ảnh: Bảo Trung

Nguyễn Thị Lệ Hiền là một trường hợp vượt khó điển hình trong số 50 tân sinh viên nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm nay tại Bình Định. Hiền vừa trúng tuyển ngành kế toán - Đại học Sài Gòn (19,5 điểm), vừa đậu vào khoa sư phạm toán Trường đại học Quy Nhơn.

Thắp sáng ước mơ bên ngọn đèn dầu

“Em chọn học sư phạm ở Quy Nhơn cho gần nhà vì nếu vào Sài Gòn học thì không có đủ tiền tàu xe để vào trong đó, huống hồ học phí, tiền ăn ở” - Hiền nói.

19g ngày 29-8 tại hội trường Nhà văn hóa Lao động tỉnh Bình Định, báo Tuổi Trẻ cùng Tỉnh đoàn, Sở GD- ĐT, Hội Khuyến học tỉnh Bình Định sẽ tổ chức lễ tuyên dương và trao học bổng Tiếp sức đến trường 2011 cho 50 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vừa thi đậu đại học tại Bình Định. Mỗi suất học bổng 5 triệu đồng. Kinh phí 250 triệu đồng cấp học bổng lần này do Công ty cổ phần tập đoàn Khang Thông tài trợ.

Hơn mười năm nay, ba mẹ con Hiền sống trong một căn chòi tạm bợ ngoài cồn bãi giữa đồng thôn Quảng Điền, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Căn lều 8m2, vách che bạt chắp vá, mái phủ các loại vỏ bao và xen lá dừa, cao hơn 1,5m và tài sản còn lại là mấy liếp rau cùng mấy con vịt.

Nhà nghèo, quê nghèo, vợ con nheo nhóc, nhiều năm trước ba Hiền phẫn chí bỏ đi làm ăn xa rồi vĩnh viễn không về. Nhà có hai sào ruộng, do con cái đau ốm luôn, bà Nguyễn Thị Kim Hòa phải giao cho người ta canh tác đổi lại 600.000-700.000 đồng/năm. "Nhận của họ mấy triệu bạc chữa chạy bệnh tật cho con, bây giờ không biết đào đâu ra tiền chuộc lại” - bà kể.

Nhà được xếp vào diện nghèo, mỗi tháng được cứu trợ 180.000 đồng. Hết giờ học, Hiền và em trai cùng mẹ trồng rau, ngày mùa ra đồng mót lúa. Thấy chị em Hiền học giỏi, siêng năng, bà con trong xóm thương, người cho dăm ký gạo, người cho con cá. Mấy hôm nay, nhận giấy báo nhập học, mẹ con ngược xuôi vay mượn được hơn trăm ngàn.

“Để con đói lâu ngày cũng tội, tui mua ngay mấy ký gạo nấu cho chị em nó ăn thiệt no, ngày ba bữa luôn”, bà Hòa nói.

Bữa cơm dọn ra chỉ có cà pháo chấm mắm ruốc và rau luộc. Nhìn các con ríu rít ngồi bên mâm cơm đạm bạc, gió thổi phần phật làm tấm bạt che vách cứ chực bay, bà Hòa nước mắt lưng tròng.

Hiền nói em sợ nhất mùa đông lũ lụt, căn chòi trên cồn bãi ngập nước, ba mẹ con dắt díu nhau tá túc nhờ hàng xóm trong làng. Mùa lũ lụt, giông bão kéo dài, có khi cả tuần chỉ ăn cháo qua ngày vậy mà hai chị em vẫn học giỏi, hết giúp mẹ trong vườn lại ra đồng. Hiền kèm cặp em trai học hành, chắt chiu từng trang giấy, từng cây bút chì, từng chút dầu lửa để thắp sáng suốt đêm tự ôn thi đại học.

“Vào Quy Nhơn học sư phạm, em sẽ tự tìm việc làm thêm kiếm ngày hai bữa cơm và cố học giỏi để sau này về quê làm cô giáo. Em ước học thật nhanh, ra trường có chỗ dạy, nhận tháng lương đầu tiên đem về bắt điện cho mẹ và em. 12 năm học dưới ánh đèn dầu, nhìn nhà hàng xóm có điện, em thèm lắm, chỉ vậy thôi” - Hiền nói đầy quyết tâm.

Nuôi heo làm vốn

Lê Văn Danh (xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, Bình Định) đậu Trường đại học Công nghiệp TP.HCM (19 điểm) và Trường đại học Kinh tế TP.HCM (20 điểm). Danh chọn học Trường đại học Kinh tế.

Cha bị tai biến, bại liệt, nhiều năm nay ngồi một chỗ, các anh chị ở riêng, Danh là con út quanh năm tảo tần cùng mẹ già vừa lo thuốc thang cho ba vừa lo chạy ăn từng bữa. “Nhà chỉ có một sào ruộng nên có năm thiếu gạo 3-4 tháng. Các anh chị thương, cho em mượn tiền mua heo giống về nuôi làm vốn, cũng sắp xuất chuồng, hi vọng kiếm được vài triệu đồng” - Danh kể.

eKbx77yd.jpgPhóng to
Lê Văn Danh chăm đàn heo - vốn liếng của em dành để nhập học - Ảnh: Bảo Trung

Nhà có năm anh em nhưng chỉ có mình Danh học hành đến nơi đến chốn. Cả ba năm trung học, hết giờ học là Danh ra đồng. Khi thì kiếm con cá, mớ rau, khi thì hái rau dại nuôi heo.

“Em không có tiền mua cám, nuôi heo bằng nước gạo và rau, nó lâu lớn một chút nhưng không cần nhiều vốn. Phải ráng học giỏi để dễ kiếm việc làm sau này nuôi mẹ, mẹ đã già yếu rồi, biết nhờ cậy ai” - Danh nói.

Còn nhiều lắm những mảnh đời nghèo khó nhưng đã vượt qua, học giỏi và thi đậu, thậm chí đạt điểm cao vào đại học. “Có hàng trăm trường hợp vô cùng khó khăn mà chỉ được chọn 50 em bởi số lượng học bổng có hạn là việc vô cùng khó khăn. Hoàn cảnh các em phải đành lòng gác lại làm chúng tôi xót xa, mất ngủ nhiều đêm”, thầy Huỳnh Đăng Khanh, chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bình Định, nói.

BẢO TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp