Y Hồng nỗ lực hết mình để đến trường. Nhưng trước mắt còn nhiều khó khăn quá - Ảnh: H.TIẾN |
Rồi khi đã trúng tuyển ĐH, nỗi lo vẫn còn treo lơ lửng...
Bếp lửa thay ánh điện
Tin A Vang trúng tuyển ngành giáo dục tiểu học Trường ĐH Quy Nhơn làm cả làng Long Dua vỡ òa trong vui mừng. Lần đầu tiên, ở ngôi làng nhỏ bé nằm cheo leo giữa sườn núi heo hút này có người vào ĐH.
Cầm tờ giấy báo trên tay, A Vang chưng hửng: “Ngày nhập học đến rồi, nhưng...”. Nhà của A Vang nằm cheo leo trên đỉnh Ngọc Linh mù sương, xung quanh toàn những con dốc dựng đứng. Trong căn nhà, ngoài bếp lửa rực cháy, chẳng còn gì khác có giá trị. Và bếp lửa ấy - nơi nấu ăn của cả gia đình cũng chính là góc học tập của A Vang vì làng hiện giờ vẫn chưa có điện.
Mẹ mất khi A Vang mới học lớp 8. Cha của A Vang là ông A Vay (49 tuổi) thường xuyên đau ốm. Để đến trường, A Vang vừa đi học, vừa cố gắng giúp đỡ cha làm lúa để nuôi em và ông bà nội già yếu.
Ở làng Long Dua, những bạn cùng tuổi A Vang cũng nhiều lắm nhưng chẳng ai kiên trì học như A Vang. Năm cấp II, khi trên địa bàn xã chưa có trường bán trú, mỗi ngày A Vang phải vượt nắng vượt mưa, chạy bộ hơn 7km đường núi để học chữ.
Khoảng thời gian ôn thi tốt nghiệp và ĐH, A Vang vẫn đi phụ hồ, đi làm cỏ cà phê để có tiền xuống thành phố thi ĐH. Nhiều lúc đi làm về mệt, tay chân bủn rủn nhưng cậu học trò nhỏ vẫn cố gắng ôn bài rồi mới đi ngủ.
Giấy báo đậu ĐH được gửi về, ông A Vay mừng rơn, cầm khoe khắp xóm. Nhưng rồi, cũng cầm tờ giấy đó, ánh mắt ông lại nhòe đi: “Tôi muốn con đi học thành tài lắm nhưng cả gia đình chỉ dựa vào vài sào ruộng, cái thân già tôi biết phải lấy gì cho con học bây giờ? Buồn lắm!”.
A Vang đã nỗ lực hết mình để đến trường. Nhưng trước mắt còn nhiều khó khăn quá - Ảnh: H.TIẾN |
Nhổ sắn thuê kiếm tiền đi học
Năm nay, mảnh đất Mường Hoong ngoài A Vang còn có Y Hồng ở làng Đăk Rế đậu vào ngành quản lý đất đai ĐH Quy Nhơn với ước mơ trở thành cán bộ địa chính.
Những ai đã biết đến hai cái tên Mường Hoong, Ngọc Linh đều sẽ hiểu kết quả học hành ấy là cả một chặng đường vượt khó, leo núi gian nan đến phi thường. Gia cảnh Y Hồng cũng éo le chẳng kém A Vang. Cả gia đình năm miệng ăn chỉ trông chờ vào ba sào lúa.
Ngay từ thời học cấp I, mẹ thường xuyên đau ốm, cha lại bị huyết áp cao, không làm được việc nặng nhọc nên sau giờ đi học, Hồng cùng anh trai và em gái phụ giúp tất cả mọi công việc từ nhẹ đến nặng.
Cấp III, học trong Trường phổ thông DTNT huyện, suốt ba năm học, mỗi tháng Hồng chỉ tằn tiện tiêu trong 100.000 đồng từ tiền trợ cấp.
Năm lớp 11, lớp 12, để có thêm tiền mua sách tham khảo cũng như các vật dụng cần thiết trong việc học, ngoài giờ học Hồng lại tìm đến các quán phở gần trường xin bưng bê, rửa chén để kiếm tiền. Những ngày chủ nhật, Hồng đi làm từ tờ mờ sáng đến tối mới về đến phòng.
Rồi đâu chỉ có rửa chén thuê, dù con gái chân yếu tay mềm nhưng ngày chủ nhật nào Hồng cũng đến xin các chủ vườn đi hái cà phê, làm cỏ thuê, đi nhổ sắn để kiếm tiền đến trường. “Từ nhỏ mình đã đi cắt, cõng lúa về nhà nên cũng quen với công việc nặng rồi. Đi làm tuy vất vả nhưng đổi lại có tiền trả tiền học, cha mẹ bớt lo lắng” - Hồng chia sẻ.
Nhận được giấy báo trúng tuyển, Hồng mừng đến chảy cả nước mắt. Nhưng mừng đó rồi lại tủi đó. Nhìn căn nhà trống hoác, bố mẹ già yếu, Hồng không biết phải như thế nào. Mẹ bảo Hồng nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình nhưng Hồng muốn được học, muốn được đến giảng đường.
Thương con, cha mẹ em cũng chạy vạy vay mượn họ hàng, làng xóm để có tiền cho em nhập học. Nhưng, đi từ đầu trên đến xóm dưới cũng chỉ mượn được chưa đến 2 triệu đồng.
“Học phí đến 4.750.000 đồng, rồi còn tiền ăn, tiền xe đi nữa, mình lo lắm, không biết phải thế nào...” - Hồng tâm sự.
Thầy Trần Nhật Lam, hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Mường Hoong, chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình A Vang và Y Hồng rất khó khăn, thu nhập hằng tháng chỉ ngót nghét vài trăm nghìn đồng nên ngay từ nhỏ các em đã phải nỗ lực rất nhiều. Dù phải đi bộ, vượt rừng đến trường, cơm ăn bữa đói bữa no, thậm chí phải lao động sớm để kiếm tiền trang trải thêm nhưng các em luôn đạt thành tích cao, dẫn đầu trong học tập và rèn luyện. Các em thi đậu đại học là niềm vui, niềm hãnh diện của chúng tôi nói riêng và cả xã nghèo này, nhưng gia đình quá khó khăn nên không thể tiếp tục đi học. Đạt thành tích cao trong học tập nên năm cấp III, các em được xét duyệt vào học tại Trường PTDT nội trú huyện Đăk Glei. Ngoài việc được miễn giảm học phí, sách vở, mỗi tháng các em còn được hỗ trợ 100.000 đồng. Tuy nhiên, trong năm lớp 12 phải tự lo tiền học phụ đạo tại trường nên ngoài giờ học các em phải sống tằn tiện, tranh thủ đi làm thêm để tự lo liệu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận