Bà Nguyễn Thị Lệ (trái) cùng GS.TS Phan Lương Cầm (phải) trao học bổng cho các tân sinh viên - Ảnh: DUYÊN PHAN |
20g30, clip về cựu sinh viên từng được “Tiếp sức đến trường”, nay quay trở lại tiếp sức cho đàn em được chiếu trên màn hình chính của sân khấu. Đó là bạn Lê Kiều Chinh ở huyện Củ Chi, TP.HCM.
Bác sĩ, giảng viên Lê Kiều Chinh, người từng nhận học bổng Tiếp sức đến trường cách đây 7 năm, trở lại buổi lễ trao học bổng để chia sẻ cùng các tân sinh viên - Ảnh: Ngọc Hiển |
Giờ đây, Kiều Chinh đã trở thành bác sĩ, đồng thời được giữ lại trường và hiện làm giảng viên trợ giảng được gần một năm.
Có mặt trên sân khấu giao lưu, Kiều Chinh chia sẻ rất xúc động khi được xem lại clip của mình 7 năm trước và giờ đây nhìn lại bạn không nghĩ mình đã vượt qua quãng thời gian khó khăn như thế!
Kiều Chinh mong rằng các bạn tân sinh viên nghèo hôm nay được nhận học bổng cũng sẽ vượt qua khó khăn như chính bản thân Kiều Chinh.
MC hỏi Kiều Chinh: Mới đó mà đã 7 năm kể từ ngày bạn nhận được học bổng “Tiếp sức đến trường”. Xin hỏi là suất học bổng năm 2009 có ý nghĩa gì đối với bạn?
Kiều Chinh: lúc đó hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, suất học bổng vừa giúp đóng học phí học kì đầu tiên, nhờ đó mạnh dạn theo đuổi ngành học yêu thích. Suất học bổng đó khiến tôi cảm thấy được chia sẻ, từ đó tự tin và nỗ lực vượt qua các khó khăn sau này.
MC: Từ trải nghiệm của bản thân, bạn có điều gì nhắn gửi để giúp các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn như mình lúc trước thực hiện được ước mơ?
Kiều Chinh: tôi không có kinh nghiệm gì nhiều nhưng có một câu mà tôi tâm đắc nhất đó là “hãy bước về phía mặt trời, bóng tối sẽ ở sau lưng bạn”.
20g10, bà Nguyễn Thị Lệ lên sân khấu chia sẻ cùng các tân sinh viên.
Bà Nguyễn Thị Lệ - Uỷ viên ban thường vụ Thành Uỷ, trưởng ban dân vận thành ủy phát biểu tại chương trình - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Bà Lệ nói: “Trong niềm vui hân hoan, phấn khởi đón chào năm học mới thì đâu đó vẫn còn những tiếng thở dài, ánh mắt thâu đêm đầy lo lắng của các bậc phụ huynh. Còn biết bao em đành ngậm ngùi giấu kín tờ giấy báo trúng tuyển đại học trong niềm vui buồn lẫn lộn. Học thế nào đây khi miếng cơm manh áo vẫn là nỗi chật vật hằng ngày… Dù khó khăn như vậy nhưng tất cả các bạn đều học rất giỏi và hôm nay đây, các bạn đã trở thành sinh viên”.
“Chính khát vọng vươn lên của các em đã làm nóng trang báo Tuổi Trẻ, chính ước mơ của các em đã khơi dậy sự đồng cảm, sẻ chia từ các mạnh thường quân, và chính nghị lực, tinh thần, ý chí của các em là điểm son tô thắm cho cuộc đời thêm đẹp, thêm ý nghĩa.
Chính vì vậy, sự tiếp sức của báo Tuổi Trẻ và các đơn vị phối hợp tổ chức, tài trợ đã trao thêm cho các tân sinh viên niềm tự hào về sự nỗ lực trong học tập, về ý chí vượt khó, trao thêm cơ hội để một ngày thật gần các bạn có thể vững vàng gánh vác trách nhiệm lớn lao của trí thức trẻ trước vận hội mới của đất nước với bao cơ hội và thách thức”, bà Lệ nói.
19g38, cả hội trường chăm chú xem phóng sự về 2 tân sinh viên nghèo đại diện cho 200 tân sinh viên nhận học bổng.
Đó là bạn Nguyễn Thị Thu Tiền (ở thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), tân sinh viên ngành kế toán - kiểm toán Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở 2 tại TP.HCM) và bạn Dương Ngọc Khánh Tiên (Q. 8, TP.HCM), tân sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM.
Nhiều giọt nước mắt đã lặng lẽ rơi khi chứng kiến cảnh nghèo khó của gia đình hai bạn.
Ngay sau đó, hai tân sinh viên này cùng giao lưu với các tân sinh viên khác. Đặc biệt, xuất hiện trên sân khấu còn có ông Dương Văn Nam là cha của tân sinh viên Dương Ngọc Khánh Tiên.
Các tân sinh viên giao lưu trong chương trình - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Những giọt nước mắt xúc động khi nghe những câu chuyện trong chương trình - Ảnh: DUYÊN PHAN |
MC chương trình đặt câu hỏi với Thu Tiền: Bạn đã trúng tuyển vào Trường đại học Ngoại thương với số điểm 26,35. Cuộc sống của đời sinh viên xa nhà khác với trước đây như thế nào?
Thu Tiền: Mọi thứ hoàn toàn thay đổi: tự giác học tập, tự lập trong tổ chức cuộc sống, tự đi chợ, nấu ăn và tự chủ trong mọi ứng xử. Cuộc sống ở thành phố còn nhiều bỡ ngỡ lắm!
MC: Đi học xa nhà, bạn nhớ nhất điều gì và lo lắng nhất là điều gì?
Thu Tiền: Nhớ nhất là cảnh bình minh trên biển! Mỗi ngày nhìn biển em đều nghĩ về một tương lai tươi sáng hơn. Không chỉ đi xa, ngay cả khi ở quê nhà thì cũng hồi hộp theo những chuyến đi biển xa của ba, lòng hoang mang tột độ mỗi khi ba vào bờ trễ. Lo cho ba nguy hiểm giữa trùng khơi, lo cho mẹ còng lưng kiếm sống. Và có một nỗi lo cứ thường xuyên ám ảnh em chính là dở dang việc học.
MC: Nhà bạn ở miền biển, gia cảnh lại khó khăn, sao bạn không tìm việc gì đó ở dưới quê, giống như mẹ vậy, để ngay tức khắc phụ giúp cha mẹ lo cho em, mà lại đi học xa vừa vất vả vừa tốn kém?
Thu Tiền: Những công việc đó chỉ giúp giải quyết nhu cầu trước mắt chứ không thể là tương lai. Làm như vậy tương lai của em chẳng đi về đâu. Em bất chấp tất cả, 4 năm đại học rồi sẽ qua mau thôi, và em sẽ thành công.
Trong phần giao lưu với Khánh Tiên, Tiên chia sẻ lý do chọn ngành y khoa: "Hồi nhỏ bị bệnh rất nặng, nhờ bác sĩ hết lòng cứu chữa mới qua khỏi. Gia cảnh khó khăn, gia đình em muốn em học sư phạm. Sau này, thấy mẹ đau đớn vì bệnh tật mà lại thiếu tiền chữa bệnh làm em thêm nung nấu quyết tâm trở thành bác sĩ giỏi để giúp đỡ những người như thế".
MC hỏi Khánh Tiên: Trong lá thư gửi ban tổ chức, bạn viết “sau khi biết tin em đậu đại học, ba em chạy ngược chạy xuôi, gom góp khắp họ hàng cùng với số tiền ba tiết kiệm được đóng học phí cho em nhưng rồi phát sinh một vấn đề khác là mỗi tháng mẹ cần tiền mua thuốc điều trị để kéo dài sự sống”. Chắc chắn ba của bạn đã phải trăn trở nhiều trước khi quyết định tập trung lo cho bạn theo học ngành y. Nếu đặt mình vào vị trí của ba, bạn có quyết định giống như ba?
Khánh Tiên: Em nghĩ chắc ba cũng suy nghĩ dữ lắm về chuyện này, và em tin rằng đó không chỉ là quyết định của riêng ba mà của cả mẹ nữa. Ba mẹ, đặc biệt là mẹ, đã lựa chọn hi sinh bản thân vì tương lai con cái và của gia đình. Nhưng ba mẹ đã làm tất cả vì con cái, đó là tìm đủ mọi cách để cho em tiếp tục học tập.
MC: Mới đóng học phí nhập học mà gia đình bạn đã phải vật vã góp nhặt mới có, vậy những năm tiếp theo thì sao?
Khánh Tiên: Em nghĩ thu nhập của ba không thể lo nổi cho mẹ, gia đình và việc học của hai con. Do đó em chỉ còn cách duy nhất là phải đi làm thêm. Học ngành y vốn cực khổ mà nói chuyện đi làm thêm nghe quá xa vời, nhưng em không còn cách nào khác. Em nghĩ trước tiên mình phải nỗ lực hết mình trước đã, vì đó là ước mơ của mình, là tương lai của chính mình. Nhưng điều em lo lắng, lo sợ nhất chính là việc mẹ của em có thể xa em bất cứ lúc nào…
MC hỏi ông Dương Văn Nam: Nếu đến thời điểm nào đó tình hình tài chính căng đến mức độ phải chọn một trong hai (lo cho con học bác sĩ hoặc thuốc men duy trì sự sống của vợ) thì anh sẽ chọn như thế nào?
Ông Nam: Tình hình cũng đã căng lắm rồi, và vợ chồng tôi cũng đã quyết định rồi. Mẹ con bé nói với tôi phải ưu tiên cho con ăn học. Dù gì chúng tôi cũng quyết cho con học đến nơi đến chốn.
Ông Lê Thế Chữ, bí thư Đảng ủy - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, trao hoa cho các bạn sinh viên và phụ huynh tham gia giao lưu trong chương trình - Ảnh: Duyên Phan |
19g35, ông Vũ Duy Hải, đại diện các nhà tài trợ cho quỹ học bổng, biểu dương tinh thần vượt khó của các tân sinh viên.
Ông Vũ Duy Hải đại diện nhà tài trợ phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: DUYÊN PHAN |
“Chúng tôi gửi các em một phần học bổng là gửi cho tương lai để 4 năm nữa sẽ có 200 tân cử nhân đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Số tiền tuy không nhiều nhưng đó là cú hích để các bạn vươn lên và trưởng thành.
Các em đã phấn đấu vào giảng đường đại học, chúng tôi mong muốn các em ra trường có việc làm. Để được như vậy, chúng tôi mong muốn các em bên cạnh học ở trường, các em cố gắng học thêm các kiến thức mềm”, ông Hải nhắn nhủ.
Nghe cha nói vậy, Khánh Tiên hứa sẽ quyết tâm, nỗ lực hết mình để không phụ sự mong đợi, kỳ vọng của gia đình, bạn bè, thầy cô.
19g30, buổi lễ chính thức bắt đầu.
Phát biểu mở đầu buổi lễ, ông Tăng Hữu Phong cho biết trong số 201 tân sinh viên của 7 tỉnh thành miền Đông Nam bộ có mặt hôm nay có nhiều cảnh ngộ éo le, nhiều số phận trắc trở, cơ cực. Có bạn phải côi cút 1 mình trên đường đời vì mẹ cha mất sớm. Có bạn tưởng đã phải ngậm ngùi từ bỏ giấc mơ giảng đường vì gia đình không thể lo nổi học phí nhập học. Có bạn phải lam lũ từ nhỏ với con trâu, thúng mủng mưu sinh hằng ngày để nuôi ý chí học hành. Và cũng có bạn phải bươn chải làm thêm mỗi buổi đi về trong nước mưa chan nước mắt, nhưng vẫn quyết không buông xuôi, bỏ lỡ tương lai.
Ông Tăng Hữu Phong - Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Theo ông Phong, chính các bạn tân sinh viên nghèo vượt khó đã mang đến cuộc đời này những câu chuyện vượt khó lung linh, làm lay động lòng người, củng cố thêm niềm tin vào một thế hệ trẻ đầy ý chí và không khuất phục trước khó khăn. Chính những câu chuyện đẹp đó của các bạn đã gợi mở và kết nối nhiều hoạt động đầy nhân văn, cùng chung tay tiếp sức cho tân sinh viên bước vào ngưỡng cửa đại học - cao đẳng.
“Mỗi học bổng trị giá 7 triệu đồng từ nhiều nguồn ủng hộ của bạn đọc báo Tuổi Trẻ. Số tiền đó chắc chắn không đủ để trang trải cho các bạn suốt quãng thời gian ở giảng đường đại học, nhưng hy vọng nó sẽ giúp các bạn vững tin hơn, tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ của đời mình để đổi thay thân phận, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Trong quá khứ, miền Đông gian lao mà anh dũng, thì nay, tuổi trẻ miền Đông gian lao cũng phải kiên cường vượt qua nghịch cảnh, hướng đến một tương lai tươi sáng.”, ông Phong nói.
Với chủ đề “Ươm hạt giống niềm tin”, lễ trao học bổng dành cho 201 tân sinh viên vượt khó 7 tỉnh thành Đông Nam bộ có tổng kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng.
19g. Đến dự buổi lễ có bà Nguyễn Thị Lệ (ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM), giáo sư Phan Lương Cầm (phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), anh Nguyễn Việt Quế Sơn (phó bí thư Thành đoàn TP.HCM), ông Tăng Hữu Phong (tổng biên tập báo Tuổi Trẻ) cùng nhiều lãnh đạo ban ngành, đoàn thể và đại diện các nhà tài trợ.
16g30, các tân sinh viên nghèo đã có tập trung về Nhà Văn hóa Thanh niên để chuẩn bị dự lễ. Đi cùng họ còn có cả các bậc phụ huynh - những người cha, người mẹ lam lũ mưu sinh để chắp cánh ước mơ cho con vào giảng đường đại học.
Đưa con đến dự lễ nhận học bổng, ông Nguyễn Minh Long (51 tuổi, Dĩ An, Bình Dương, phụ huynh của tân sinh viên Nguyễn Tú Linh (Dĩ An, Bình Dương) học ngành Địa lý học, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết hai cha con đi xe máy lên đến nơi từ lúc 4g chiều.
Ông kể, nhà có 3 người con đang tuổi ăn học, hai vợ chồng ông hàng ngày đi bán báo dạo, bán vé số nên thu nhập bấp bênh.
"Ngày Linh nhập học, tôi phải đi mượn thêm mới đủ tiền cho con nhập học. Vừa rồi, nghe báo Tuổi Trẻ thông báo con được nhận học bổng, cả nhà mừng lắm! 7 triệu đồng/suất bằng thu nhập của hai vợ chồng tôi cả tháng trời đó”, ông Long chia sẻ.
Cùng nhóm bạn đến nhận học bổng, tân sinh viên Nguyễn Thế Hân (quê Bình Thuận), Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết em và nhóm bạn cùng trường bắt xe buýt đi từ lúc 3g chiều.
“Khi vào Sài Gòn nhập học, ba mẹ nhín nhịn lắm mới đủ tiền nhập học. Vào trường được các thầy cô giới thiệu học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ nên em làm đơn ngay để xin học bổng. Nhận tiền này, em để dành trang trải cho việc học”, Hân nói.
19g, lễ trao học bổng sẽ chính thức bắt đầu.
Các em được nhận học bổng vui vẻ trò chuyện với nhau trước khi chương trình diễn ra - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Em Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Sinh viên trường ĐH Sư Phạm TP.HCM tranh thủ đọc sách chờ đến giờ diễn ra chương trình - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Em Nguyễn Thị Thủy Tiên (Học viện Hành Chính) cùng cha từ Củ Chi đến chương trình để nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Chú Võ Văn Kim (67 tuổi) cùng con trai Võ Phạm Thái Dương (sinh viên năm nhất trường ĐH Hoa Sen) có mặt tại chương trình từ rất sớm - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Tại buổi lễ, ban tổ chức đã trao 200 suất học bổng (7 triệu đồng/suất) cho 200 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Công ty Asama Yuh Jiun International Việt Nam tặng xe đạp cho 20 tân sinh viên. |
Đây là dịp các em được gặp gỡ, giao lưu và học hỏi lẫn nhau - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Ca sĩ Vũ Quốc Việt trình diễn trong chương trình - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Các em tân sinh viên nhận học bổng Tiếp sức đến trường từ chương trình - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Ông Tăng Hữu Phong, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, trao học bổng "Tiếp sức đến trường" cho các tân sinh viên - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Các nhà tài trợ nhận hoa từ BTC - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Gắn kết với Gia đình “Vì ngày mai phát triển” Các bạn tân sinh viên nhận học bổng hôm nay đừng quên gắn kết với Gia đình “Vì ngày mai phát triển” qua email: [email protected] hoặc qua fanpage “Tiếp sức đến trường” tại địa chỉ http://www.facebook.com/tiepsucdentruong để có thể nhận được thông tin về các chương trình hỗ trợ khác của báo Tuổi Trẻ cũng như các nhà tài trợ trong suốt quá trình học tập. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận