Phóng to |
Phóng to |
Chương trình “Tiếp sức đến trường” do báo Tuổi Trẻ phối hợp với các tỉnh, thành Đoàn phía Bắc tổ chức với sự tài trợ của giải golf gây quỹ "Tiếp sức đến trường".
Nguồn lực giàu ý chí
Ông Lê Quốc Phong - chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc Công ty phân bón Bình Điền - trưởng ban tổ chức giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” - chia sẻ: “10 năm đồng hành cùng chương trình “Tiếp sức đến trường”, chính các bạn sinh viên nhận học bổng đã khiến tôi cảm phục về ý chí, nghị lực vươn lên. Cảm xúc đó đặc biệt có ý nghĩa vì nó dội lại trong chúng tôi - những nhà doanh nghiệp - khi rơi vào những hoàn cảnh khó khăn nhất cũng tin tưởng mình có thể vượt qua bằng chính ý chí của mình”.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Đức Hải - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - khẳng định cuộc sống, thành tích của các em hôm nay sẽ giúp mỗi người thêm tin vào nghị lực của lớp trẻ. “Học bổng của các em không chỉ có giá trị bằng tiền, mà còn là sự gửi gắm của xã hội đối với các em” - ông Hải nhắn nhủ.
200 em chung nỗi lo nghèo khó nhưng cũng chung một ý chí học hành đến nơi đến chốn. Học bổng 5 triệu đồng dành cho mỗi em như ai đó nói có thể chưa giúp các em quẳng đi nỗi lo cơm áo gạo tiền, nhưng chắc chắn trước mắt sẽ giúp các em không phải tạm gác ước mơ học hành vì nhà quá nghèo.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đánh giá học bổng “Tiếp sức đến trường” đã lan tỏa một thông điệp hết sức nhân văn. “Không để bất cứ một bạn trẻ nào, ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam này vì nghèo khó mà phải từ bỏ ước mơ vào giảng đường đại học của mình”.
“Một chương trình xã hội có giá trị cao, có ý nghĩa lâu dài, nuôi lớn ước mơ cho các em SV chắc chắn sẽ góp phần tạo nguồn nhân lực vững chãi và giàu ý chí cho xã hội” - ông Ga nói.
Phóng to |
Phóng to |
Phóng to |
Chắp cánh ước mơ
Không gian trang trọng của buổi lễ đã nhiều lần xen những khoảnh khắc lắng đọng đầy xúc động khi những sinh viên nghèo được mời lên chia sẻ về quãng đời nhiều gian khó.
Tạ Khắc Lâm - tân SV ĐH Y Hà Nội, cậu trai mồ côi cha từ lúc 3 tuổi và chịu cảnh vắng mẹ ngay sau đó một năm khi người mẹ lặng lẽ bỏ con đi - đã khiến cả hội trường lặng đi vì xúc động khi chia sẻ nỗi lo lớn nhất của em khi vào ĐH chính là người bà 76 tuổi.
“18 năm em được bà nuôi nấng, hai bà cháu nương tựa vào nhau. Em lo bà sẽ tằn tiện ăn uống để tích cóp từng đồng cho em ăn học mà ảnh hưởng đến sức khỏe”. Chọn ĐH Y Hà Nội, Lâm ấp ủ ước mơ trở thành bác sĩ để có thể chữa khỏi bệnh cho những người nghèo. “Bố em mất cũng vì điều kiện y tế ở quê em khi đó quá nghèo nàn. Bà em kể bệnh bố rất nặng nhưng không có phương tiện cấp cứu, bố được chở ra thành phố bằng xe công nông. Xe chuyên chở vật liệu, xóc nảy người và thời gian di chuyển quá lâu đã khiến bố em không qua khỏi” - Lâm nghẹn ngào.
Phóng to |
200 em nhận học bổng, mỗi em một cảnh đời dù chung nỗi lo không đủ tiền để trang trải học hành. Nhiều em mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhiều em nghèo đến độ mấy năm học phổ thông chỉ mặc có hai chiếc áo, và không thiếu những em nửa buổi học nửa buổi phụ giúp gia đình... 18 tuổi - tuổi được ăn, được chơi thì thậm chí có những em phải tự lo cuộc sống cho mình bằng những việc làm không kém phần nặng nhọc. Vũ Khắc Hoàng Thu (tân SV ĐH Mỏ - địa chất) nai lưng làm ở lò gạch đến tận cận ngày nhập trường, Trần Thị Yến (ĐH Thương mại) khăn gói làm công nhân giày da ngay sau khi thi xong.
“Học bổng này đã truyền lửa cho em, khiến em càng khát khao được trở thành một doanh nhân giỏi. Em mong mình sau này trưởng thành sẽ đủ điều kiện để góp sức, đồng hành cùng các em SV, nối dài ước mơ cho các em như em và các bạn hôm nay đã được trao cho cơ hội ấy” - Trần Thị Yến nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận