Hành trình Tiếp sức đến trường 20 năm của Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị
Đây cũng là dịp đánh dấu hành trình 20 năm chương trình Tiếp sức đến trường nên Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị cũng đã tổ chức chương trình nghệ thuật kỷ niệm "20 năm kết nối quê nhà Quảng Trị".
Chương trình bắt đầu sau 20h, nhưng trước hơn một giờ đồng hồ, hàng chục phụ huynh đã có mặt trước tiền sảnh trung tâm văn hóa thông tin tỉnh Quảng Trị. Có những phụ huynh đã vượt mấy chục cây số đến dự chương trình trao học bổng Tiếp sức đến trường bằng được.
Bà Lê Thị Hằng, thôn Bích Lộc Tiêu, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, cho hay bà đã cùng con trai Nguyễn Hữu Duy Khiêm, tân sinh viên ĐH Nông Lâm Huế đi từ 17h chiều. "Nghe tin con được nhận học bổng mà mừng quá. Từ sáng đã mong nhanh đến tối để đi ra Đông Hà nhận học bổng", bà Hằng nói.
Theo bà Hằng, 15 triệu đồng là số tiền vô cùng lớn với gia đình nghèo khó như bà.
Chồng không may mất sớm, một tay bà nuôi 4 người con đi học. Hai người con đầu vừa ra trường. Hiện, Khiêm vào năm đầu đại học và một chị gái đang sắp ra trường.
"Đầu năm Khiêm vô trường, tui phải đi mượn hơn mười triệu đồng để con đóng học phí. Nay được nhận phần học bổng này tui vẫn phải ưu tiên cho con mua máy tính để học đã. Mai mốt sẽ xoay xở đi làm thuê trả nợ", bà Hằng nói tiếp.
Giấc mơ họ đại học là khao khát mãnh liệt của hàng trăm tân sinh viên Quảng Trị. Nhưng ở mảnh đất cằn cỗi này, để được đi học là một thử thách, và để đi hết được chặng đường đại học càng là một hành trình vô cùng gian nan.
"20 năm kết nối quê nhà Quảng Trị"
Năm nay là năm đánh dấu hành trình 20 năm chương trình học bổng Tiếp sức đến trường, và Quảng Trị là nơi chương trình học bổng này bắt đầu nên trước Lễ trao học bổng đã diễn ra chương trình nghệ thuật "20 năm kết nối quê nhà Quảng Trị".
Những tiết mục nghệ thuật như là những "tiếng lòng" của những người con xa quê trong câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị" đau đáu hướng về quê hương.
"Người đi trước rước người đi sau" chính là thông điệp lớn nhất của Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị. Mong muốn được san sẻ với những số phận bất hạnh, những tân sinh viên mồ côi, hay những bạn trẻ rơi vào nghịch cảnh trên mảnh đất Quảng Trị mỗi đầu năm học đã trở thành động lực để những thành viên Câu lạc bộ cố gắng đồng hành với chương trình Tiếp sức đến trường 20 năm qua.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cho biết hành trình Tiếp sức đến trường 20 năm qua đã thể hiện tình yêu thương, sự kỳ vọng của xã hội, của những người đi trước vào một lớp trẻ nghèo khó nhưng đầy ý chí và nghị lực vươn lên. Từ đó chúng ta có một niềm tin mạnh mẽ rằng: Xã hội luôn luôn sẵn lòng tiếp sức cho các em nuôi khát vọng cống hiến vì quê hương, vì đất nước.
"Suốt 20 năm qua, với chương trình Tiếp sức đến trường, báo Tuổi Trẻ chỉ giữ vai trò là tạo nhịp cầu; còn để phát triển thành một cây cầu nối dài, rộng lớn vững chắc, đưa các em đến bến bờ mơ ước chính là nhờ sự quan tâm chia sẻ sâu rộng của toàn xã hội.
Sự chia sẻ đó đến từ những cơ quan đơn vị có tinh thần trách nhiệm cao vì thế hệ trẻ, từ những doanh nghiệp tự nguyện san sẻ lợi ích với cộng đồng và từ nhiều cá nhân đầy lòng nhân ái, sẵn sàng chìa tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Suất học bổng Tiếp sức đến trường mà các em được nhận hôm nay là trợ lực ban đầu để các em có thể đi tiếp con đường đến giảng đường. Khoảng trời phía trước còn mênh mông và chính các em sẽ mở cánh cửa tương lai bằng nỗ lực của chính mình.
Chúng tôi muốn nhắn gởi đến các em rằng: Dù khó khăn đến thế nào cũng đừng bao giờ đầu hàng số phận, đứng bao giờ bỏ cuộc. Chúc các em thành công trên con đường thực hiện ước mơ, luôn đi về phía trước" - ông Chữ nói.
Dịp này, UBND tỉnh Quảng Trị đã tặng bằng khen cho hành trình 20 năm Tiếp sức đến trường đến các cá nhân và tập thể đã gây dựng và đồng hành với chương trình. Theo đó, bằng khen được trao cho Tập thể báo Tuổi Trẻ; Ban chủ nhiệm CLB "Nghĩa tình Quảng Trị"; Công ty cổ phần phân bón Bình Điền; Công ty cổ phần Bình Điền Quảng Trị.
Và các cá nhân gồm: ông Lê Quốc Phong - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh phân bón Bình Điền II, nguyên chủ nhiệm CLB "Nghĩa tìnhQuảng Trị"; nhà báo Lê Thế Chữ - Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ; nhà báo Lê Đức Dục.
Những cánh cửa cuộc đời đã và sẽ được mở
Chương trình Tiếp sức đến trường đã chứng minh được sức sống bền bỉ cũng như sự thành công qua việc đón nhận những tân sinh viên ngày xưa - những người từng nhận học bổng từ chương trình - nay đã trưởng thành và có những đóng góp tích cực cho xã hội.
Sau khi nhận học bổngTiếp sức đến trường đã có rất nhiều các bạn trẻ thành đạt quay về quê hương, tiếp bước chương trình giúp đỡ các sinh viên vượt khó của Quảng Trị."Và đối với những người tổ chức chương trình và các nhà tài trợ - những người đầu tư cho tương lai, không có niềm vui nào lớn hơn việc thấy truyền thống này đã và đang được tiếp tục lan tỏa", ông Đồng Hoàng Hiển, chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị nói.
Câu chuyện về Trần Thị Kim Oanh, quê Gio Linh - cựu sinh viên trường ĐH sư phạm Huế khiến nhiều người thấm thía nhất về ý nghĩa không thể đong đếm những suất học bổng Tiếp sức đến trường. Chính từ sự trợ giúp kịp thời của học bổng mà Oanh đã vượt qua khó khăn trước mắt. Và sau khi học xong Đại học, Oanh tiếp tục hoàn thành chương trình Thạc sĩ, sau đó là Tiến sĩ tại Hàn Quốc.
“Học bổng Tiếp sức đến trường” đã mở cánh cửa cuộc đời tôi
Chia sẻ qua clip phát tại lễ trao, Oanh kể mình vẫn chưa quên hoàn cảnh đầy nước mắt của mình khi sắp vào đại học. Bi kịch sớm đến với cô gái này thời điểm đó khi cô lần lượt mất cả cha lẫn mẹ.
Oanh khi đó chưa biết sẽ đi học đại học bằng cách nào thì được học bổng Tiếp sức đến trường tiếp sức. "Khi đó mình mới hiểu, cuộc sống này có nhiều người vẫn sẵn sàng dang tay giúp đỡ mình, giúp mình vượt qua khó khăn", Oanh nói trong không khí xúc động của chương trình.
Cả hội trường như nín lặng khi xem clip về hai tân sinh viên Trần Đình Duy, tân sinh viên khoa Điều dưỡng - Đại học Duy Tân Đà Nẵng và Võ Thị Thảo Quỳnh, tân sinh viên khoa Tâm lý - trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.
Câu chuyện vượt khó của hai tân sinh viên quê Quảng Trị
Bố Duy qua đời vì tai nạn khi Duy chỉ mới tròn 1 tuổi. Một mình mẹ xoay xở đủ nghề nuôi hai chị em tại thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong. Tưởng như sự nghiệt ngã của số phận đã buông tha cho gia đình nhỏ thì đến năm lớp7, mẹ Duy làm ăn thua lỗ, phải bỏ đi biệt xứ để sống qua ngày.
Hai chị em Duy phải về ở nhờ nhà bà ngoại. Được thêm một thời gian ngắn, bà ngoại Duy không đứng vững nổi trước tuổi già. Bà bị tai biến phải nằm một chỗ. Chị gái Duy cũng đi học đại học.
Ngôi nhà còn lại một già một trẻ nương tựa nhau. Nhưng bà không thể tự lo sinh hoạt cá nhân được, Duy thì mới lên cấp ba, phải đến trường. Nên một người bác đã đưa bà về nhà mình để tiện chăm sóc.
Duy bơ vơ, không còn ai để bấu víu, phải tự đứng bằng đôi chân mình. Buổi đi học, về cậu học trò tự lo cơm nước rồi kiếm việc đi làm thuê. Để có tiền sống và tiếp tục đi học, Duy xin đi theo người bà con phụ hồ và bốc vác. Bữa cơm tự nấu đạm bạc mỗi ngày không làm Duy mất đi ý chí vượt khó đến trường.
Ba năm cấp ba, Duy luôn thuộc tốp đầu trong lớp. Nhưng cầm giấy báo nhập học của Đại học Duy Tân, Duy không thể không lo âu. Dù phải bươn chải tự lo cho cuộc sống từ sớm nhưng Duy như chú chim mới vừa đủ lông đủ cánh. Quãng đường 4 năm đại học sẽ còn là một cơn bão nhiều thử thách.
Hoàn cảnh của Thảo Quỳnh còn bi đát hơn. Một ngày cách đây 5 năm trước, một tai nạn giao thông đã cùng lúc cướp đi cả cha, mẹ, và người em trai út của Quỳnh. Là chị cả, Quỳnh khi đó mới lớp vào lớp 9, phải vừa làm cha, vừa làm mẹ cho hai đứa em thơ dại.
Quỳnh vốn cũng yếu ớt như cây cỏ dại, nhưng khi không còn chỗ nương tựa, em phải cố tỏ ra cứng cỏi làm chỗ dựa cho các em. Thương ba chị em côi cút, bà nội về ở với cháu cho bớt quạnh quẽ.
Những lúc yếu đuối nhất, Quỳnh lại nhìn vào di ảnh của ba mẹ và em trai. Giờ Quỳnh là chỗ dựa của các em nên Quỳnh không có nhiều sự lựa chọn. Ngành tâm lý học mà cô gái này chọn cũng là cách để Quỳnh có thể đứng vững hơn sau những biến cố và trước sóng gió cuộc đời.
"Thấy mình nghèo khó là đã cực khổ lắm rồi. Nhưng xem clip mới thấy còn có nhiều bạn còn ở hoàn cảnh bi đát hơn mình rất nhiều lần. May mắn là có học bổng Tiếp sức đến trường...", Thu Lan, một tân sinh viên nói.
Tiếp tục chương trình là phần trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 120 tân sinh viên của Quảng Trị.
120 tân sinh viên được nhận học bổng là 120 số phận. Nên những suất học bổng được trao đến tay các tân sinh viên khiến ai cũng ấm lòng. Đây cũng là lúc những tiếng vỗ tay vang lên rộn ràng nhất từ phía những hàng ghế dưới sân khấu.
Thấy con được gọi tên lên sân khấu để nhận học bổng, ông Nguyễn Khắc Hải (trú huyện Hải Lăng) cũng vui như chính mình được nhận. Ông liên tục quay qua những phụ huynh bên cạnh để chia sẻ niềm vui của nhà mình. "Ở nhà cũng đang theo dõi chương trình qua ti vi. Tui thấy mình ấm lòng lắm", ông nói.
Chương trình trao học bổng kết thúc trong nụ cười rạng rỡ của cả các bạn tân sinh viên và gia đình, trong đó đặc biệt là các bạn Trần Đình Duy, Võ Thị Thảo Quỳnh, Lê Hải và Hoàng Trọng Nguyên. Đây là bốn tân sinh viên được nhận suất học bổng đặc biệt của chương trình với mỗi suất 50 triệu đồng/4 năm học.
Trần Đình Duy nói rằng có số tiền này mình sẽ bớt đi gánh nặng phải tự bươn chải kiếm tiền học. "Em sẽ đỡ phải lo cơm áo. Thời gian đi làm thêm ít lại thì sẽ có thêm thời gian để lo việc học", Duy bộc bạch.
Và sau đêm nay, hẳn là 120 tân sinh viên vẫn còn nhiều thử thách để phải vượt qua, và "suất học bổng mới chỉ là sự hỗ trợ giúp các em vượt qua thử thách ban đầu. Nhưng với những tân sinh viên nghèo Quảng Trị, có một cánh tay dang ra nâng đỡ trong thời điểm khó khăn này đã là một sự tiếp sức mang ý nghĩa lớn lao", ông Hoàng Nam - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, nói.
Sau 20 mùa Tiếp sức đến trường, từ 33 tân sinh viên của Quảng Trị có hoàn cảnh khó khăn đầu tiên được tiếp sức, đến nay Câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị" đã tiếp sức cho 2.686 tân sinh viên với tổng kinh phí học bổng hơn 25 tỉ đồng.
Tổng kinh phí chương trình hơn 1,94 tỉ đồng do Câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị" tài trợ. Công ty cổ phần Bình Điền Quảng Trị đã tài trợ chi phí tổ chức và phát sóng cho chương trình. Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã tài trợ quà tặng cho tân sinh viên, Quỹ Khuyến học Vincam - Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam tài trợ 6 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn.
Theo đó, mỗi suất học bổng được trao trị giá 15 triệu đồng tiền mặt, trong đó có 4 suất đặc biệt mỗi suất trị giá 50 triệu đồng/4 năm học.
Đây là điểm trao đầu tiên trong chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình Vì ngày mai phát triển lần thứ 567 của báo Tuổi Trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận